Đại biểu Quốc hội trăn trở về đạo đức, lối sống của giới trẻ

Một thiếu niên 15 tuổi bình thản giết một sinh viên làm thêm việc chở khách chỉ vì thích chiếc xe côn tay như của nạn nhân mà chưa có. Hành động này cũng có nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, do đạo đức, lối sống?

Đầu tư cho văn hóa phải tương xứng dần với đầu tư phát triển kinh tế

Trong 2 ngày Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, một vấn đề được nhiều đại biểu kiến nghị là bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, phải đặc biệt coi trọng vai trò của văn hóa để đảm bảo phát triển bền vững.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Vì vậy, cần tiếp tục khẳng định, phát huy các hệ giá trị văn hóa tốt đẹp, có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

“Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, nhất là đối với thanh niên, thiếu niên. Mức đầu tư cho văn hóa phải tương xứng dần với mức đầu tư phát triển kinh tế”, đại biểu đề nghị.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội), tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5 ông đã phát biểu phân tích về vai trò, vị trí to lớn của văn hóa, cũng đã chất vấn Thủ tướng của Chính phủ về đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội.

Gần đây, Chính phủ, Quốc hội và các địa phương đã quan tâm chú ý hơn đến văn hóa. Tại các diễn đàn trong nước và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn đề cao vai trò, vị trí của văn hóa trong đối nội cũng như đối ngoại. Chính sự quan tâm và chỉ đạo đúng đắn đó đã phát huy tốt nguồn lực nội sinh, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lực ngoại sinh, là tiền đề và góp phần không nhỏ cho việc đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Tuy nhiên, đại biểu cho hay, tình trạng trên nóng, dưới lạnh vẫn đang diễn ra trong nhận thức và hành động của một số Bộ, ngành và địa phương về văn hóa. Qua tiếp xúc với các cử tri là văn nghệ sĩ, trí thức lớn, họ cho rằng đầu tư cho văn hóa, nhất là đầu tư cho văn học nghệ thuật đỉnh cao, cho công tác quản lý văn hóa, văn hóa cơ sở, sáng tác phê bình lý luận văn học có tác dụng định hướng, dẫn dắt vẫn không tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.

“Đầu tư không chỉ là tiền mà còn là trí tuệ, con người, là nhận thức và là sự quan tâm của các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở đối với văn hóa”, đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Tất Thắng phát biểu về vấn đề văn hóa xã hội. (ảnh: QH)

Đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, phải chăng những bất cập trong đầu tư và phát triển văn hóa là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho những tiêu cực trong phát triển kinh tế - xã hội chưa được giải quyết một cách triệt để, thậm chí còn có xu hướng gia tăng và phát sinh nhiều yếu tố mới tinh vi hơn, nguy hại hơn.

Ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa mới chỉ ở mức sơ khai, nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, nhiều lợi thế tiềm năng có thể tạo ra được lợi nhuận lớn đã không được khai thác. Nguồn thu kinh tế từ văn hóa cũng chưa được bao nhiêu, sự thiếu chuyên nghiệp và lãng phí tiềm năng trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam được thể hiện trong sản xuất, kinh doanh và khai thác ở điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, đặc biệt trong du lịch văn hóa, ngành kinh tế văn hóa có thể lớn mạnh để thúc đẩy công nghiệp văn hóa.

“Lâu nay chúng ta mới chỉ khai thác quy mô nhỏ lẻ mang tính thời vụ, những cái có sẵn trong thiên nhiên mà chúng ta chưa khai thác được ở mức độ quy mô công nghiệp. Chúng tôi xin nhắc lại là chính văn hóa sẽ là nguồn lực, chiến lược để phát triển đất nước chúng ta trong thế kỷ XXI”, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu hai ví dụ “giật mình và đau xót”: “Một nữ sinh viên năm thứ 4 được đánh giá là ngoan hiền, trong hơn nửa năm yêu 3 người, có thai với người đầu tiên, tiếp tục quan hệ với người thứ hai và sinh con trong nhà vệ sinh của người yêu thứ ba mới yêu được hơn 1 tháng. Nhưng quan trọng hơn, hành động của nữ sinh này vứt bỏ đứa con mình vừa rứt ruột đẻ ra đã được cơ quan chức năng xác định là có biểu hiện của sự sống từ cửa sổ nhà vệ sinh.

Việc làm này xuất phát từ sự vô tình đến nhẫn tâm hay sự thiếu hiểu biết pháp luật hay do đạo đức, lối sống, hay cả mấy lý do đó?

Một thiếu niên 15 tuổi bình thản giết một sinh viên làm thêm việc chở khách chỉ vì thích chiếc xe côn tay như của nạn nhân mà chưa có. Hành động này chắc cũng có nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, do đạo đức, lối sống của thiếu niên này”, đại biểu Phạm Tất Thắng nói.

Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội có tiến hành khảo sát về đời sống văn hóa. Qua cuộc khảo sát nhiều chuyên gia, người dân có nhận định đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp. Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội cũng có đánh giá còn những biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội.

Nhưng trong các báo cáo kinh tế - xã hội của chúng ta hàng năm thì nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những biểu hiện này dường như còn chưa đủ. Trong khi đó, con người là nguồn lực quan trọng nhất của phát triển, của tương lai đất nước.

“Tôi đề nghị Chính phủ có những đánh giá sâu hơn về thực trạng, nguyên nhân của vấn đề này. Đề xuất những giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt Nghị quyết 33 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đại biểu kiến nghị.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tran-tro-ve-dao-duc-loi-song-cua-gioi-tre-125764.html