Đại Cồ Việt: Nhà nước tự chủ đầu tiên khiến vua Tống nể trọng

Hình thành cách đây 1050 năm, Đại Cồ Việt đặt nền móng cho quá trình độc lập, tự chủ của đất nước ta.

Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh thống lĩnh toàn quân quyết tâm chiếm bằng được Tây Phù Liệt.

Sự hình thành nhà nước Đại Cồ Việt được bắt đầu từ năm 967. Sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục cho biết: “Năm Đinh Mão (967), Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư dẹp yên được sứ quân các bộ, tự xưng là Vạn Thắng Vương”.

Đinh Tiên Hoàng dựng nền đế nghiệp

Sang năm Mậu Thìn (968), Vạn Thắng Vương chính thức lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu nước ta là Đại Cồ Việt.

Tóm tắt về lai lịch của vua Đinh, Đại Việt sử ký Toàn thư viết: Vua họ Đinh, tên húy Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, con của Thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ, dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế, ở ngôi 12 năm (968 - 979)”.

Về sự kiện quan trọng này, sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận: “Theo khí vận (tuần hoàn) của trời đất, bĩ tắc mãi tất có lúc hanh thông. Xem như ở Trung Quốc, sau những loạn lạc về thời Ngũ Đại (907-959) thì có thái tổ nhà Tống nổi lên. Ở nước Nam ta, sau những cuộc tranh giành của 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng trỗi dậy. Những việc đó không phải ngẫu nhiên, mà chính là khí vận do trời định đoạt”.

"Cậu bé cờ lau" sau này làm nên lịch sử khi đánh bại 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

"Cậu bé cờ lau" sau này làm nên lịch sử khi đánh bại 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

Sau khi xưng đế, Đinh Tiên Hoàng bắt tay vào thiết lập triều đình. Đầu tiên vua quyết định đóng đô ở Hoa Lư.

“Nhà vua muốn đóng kinh đô ở thôn Đàm, nhưng vì ở đấy đất đã chật hẹp, lại không có thế hiểm trở, nên mới dựng kinh đô mới ở Hoa Lư: Đắp thành, đào hào, làm cung điện, đặt nghi lễ trong triều”, sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục viết.

Sự kiện thành lập nhà nước Đại Cồ Việt được coi là mở nền chính thống cho thời đại phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Trong các bộ chính sử, từ Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV), Đại Việt sử ký tiền biên (thế kỷ XVIII) đến Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỷ XIX) đều xác định: Triều đại nhà Đinh với sự thành lập nhà nước Đại Cồ Việt là mốc mở đầu phần Bản kỷ hoặc Chính biên.

Thiết lập triều chính

Định đô xong, quần thần dâng tôn hiệu nhà vua là Đại Thắng Minh hoàng đế, và phải hai năm sau (970), Đinh Tiên Hoàng mới đặt niên hiệu là Thái Bình, sai sứ sang nhà Tống.

Chương trình khai mạc lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư 2018 vừa diễn ra tối 24/4 tại Ninh Bình.

Chương trình có 9 đại cảnh mang tên: Hoa Lư đại tập trận, Cờ lau tập trận - mổ trâu khao quân, Dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất sơn hà, Nhà nước Đại Cồ Việt - Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng hiển linh, “Kéo chữ Thái Bình - khẳng định nền tài chính đầu tiên, Xẩm: Đinh Tiên Hoàng Đế hiển linh, Quốc thái dân an thiên hạ thái bình, Quê hương cờ lau ngàn năm vào hội, “Từ nhà nước Đại Cồ Việt đến thời đại Hồ Chí Minh.

Chương trình khắc họa vai trò của Đinh Bộ Lĩnh và thể hiện vai trò các cá nhân trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.

Đây là lần thứ hai vua nước ta có niên hiệu, sau niên hiệu Thiên Đức của vua Lý Nam Đế từ năm 544. Trước Đinh Tiên Hoàng, nước ta vẫn phải dùng niên hiệu của các hoàng đế Trung Hoa.

Đinh Tiên Hoàng phong tước cho con trưởng Đinh Liễn là Nam Việt Vương.

Hệ thống quan lại, phẩm cấp được thiết lập, Nguyễn Bặc được phong làm Định quốc công; Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư coi về hình ngục, Lê Hoàn làm Thập Đạo tướng quân.

Do tôn sùng đạo Phật, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu Khuông Việt thái sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi.

Năm 972, nhà Tống sai sứ sang phong nhà vua làm Giao Chỉ quận vương, chính thức xác định vị thế một quốc gia độc lập của nước ta.

Về hành chính, Đinh Tiên Hoàng chia cả nước làm mười đạo. Quân đội được tổ chức thành mười đạo do Thập đạo tướng quân cai quản. Quy định quân phục của binh lính là mũ "tứ phương bình đính" làm bằng da, bốn bề khâu giáp lại với nha: Trên hẹp, dưới rộng, chóp phẳng.

Đến năm 975, vua quy định áo mũ của các quan văn, võ. Ba năm sau, nhà vua lập con nhỏ là Đinh Hạng Lang làm hoàng thái tử, phong con thứ Đinh Toàn làm Vệ Vương.

Nhìn chung, bộ máy hành chính thời Đinh là chính quyền quân chủ thời kỳ mới độc lập, tự chủ, nên còn khá sơ sài, đơn giản, chưa thật hoàn hảo. Nhưng, việc củng cố bộ máy chính quyền nhà nước quân chủ của Đinh Tiên Hoàng đã được lịch sử ghi nhận.

Sử gia đời Trần Lê Văn Hưu nhận định: “Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ…”.

Sau khi xưng đế 12 năm, triều đình nhà Đinh gặp nhiều biến cố. Năm 979 liên tiếp diễn ra những cuộc binh biến. Lúc này, Lê Hoàn làm phó vương, quyền nghiêng lệch cả triều đình. Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp nổi binh chống lại Lê Hoàn nhưng thất bại.

Chuyển từ nhà Đinh sang nhà Lê

Tháng 7/980, triều đình Đại Cồ Việt đứng trước nạn xâm lăng của quân Tống. Dưới sự tôn phò của Phó Đại tướng quân Phạm Cự Lạng và sự ủng hộ của thái hậu Dương Vân Nga, Lê Hoàn đã được tôn lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu Thiên Phúc.

Sau khi cùng quân dân chiến thắng quân Tống vào tháng 3/981, Lê Hoàn được bầy tôi dâng tôn hiệu là Minh Kiền Ứng vận Thần vũ Thăng bình Chí nhân Quảng hiếu Hoàng đế.

Lê Hoàn là vị vua lập nhiều chiến công quân sự, khi đánh Chiêm Thành. Lê Hoàn từng nhiều lần cầm quân chinh phục các bộ tộc miền núi, đều thu được thắng lợi.

Vua Lê Đại Hành chỉ huy quân và dân ta đánh tan quân Tống xâm lược vào tháng 3/981. Ảnh: Wikipedia.

Mở mang kinh tế

Nhà nước Đại Cồ Việt sau thời kỳ được các vua Đinh đặt nền móng, đến thời vua Lê đã tập trung công cuộc phát triển kinh tế, điển hình như việc đào sông từ núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa (từ huyện An Định, đến huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa).

Về giao thông, năm 992, nhà vua cho Phụ quốc Ngô Tử An đem 300.000 người mở đường từ cửa biển Nam Giới (tức cuối đất Hà Tĩnh) đến châu Địa Lý nước Chiêm Thành (khu vực Quảng Bình ngày nay).

Lê Hoàn cũng là vị vua đầu tiên quan tâm việc khuyến khích nhân dân phát triển nông nghiệp. Mùa xuân năm 987, nhà vua tổ chức lễ cày ruộng tịch điền đầu tiên.

Triều đình đã biết sử dụng những biện pháp “truyền thông” để thu hút sự chú ý của dân chúng: Ban đầu, nhà vua cày ruộng ở Đọi Sơn, (Duy Tiên, Hà Nam ngày nay) được một lọ vàng; sau lại cày ở núi Bàn Hải, được một lọ bạc; do đó đặt tên là "ruộng Vàng, ruộng Bạc".

Sự giàu có của đất nước non trẻ được thể hiện qua những dòng chép trong quốc sử, với việc xây dựng cung điện ở núi Đại Vân để vua coi chầu, “trang sức bằng vàng bạc”.

Nâng tầm quan hệ ngoại giao

Quan hệ ngoại giao với nhà Tống ngày được cải thiện, với các đoàn sứ thần đi lại liên tục. Bắt đầu từ năm 986, vua Lê Hoàn được vua Tống phong làm Kim tử Quang lộc đại phu, Kiểm hiệu Thái úy, An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, tước Kinh Triệu quận khai quốc hầu.

Đến năm 988, nhân nhà Tống đổi niên hiệu, cho sứ sang tiến phong nhà vua tước Khai quốc công. Năm, 990, nhà Tống lại gia phong nhà vua lên chức vị "đặc tiến", là chức dưới tam công, chỉ vua chư hầu được triều đình kính trọng mới được phong chức này.

Vua Lê Hoàn cũng thể hiện những thái độ ứng xử rất cứng rắn với nhà Tống, như tìm cách để không lạy chiếu thư của Tống, hay đề nghị vua Tống chỉ đưa thư đến đầu biên giới.

Do thế và lực của nước ta lúc này, các yêu cầu này đều được chấp nhận. Không những vậy, năm 993, vua Tống còn tiếp tục cho sứ sang phong nhà vua làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, Giao Chỉ quận vương, và đến năm 997, gia phong nhà vua tước tước Nam Bình Vương.

Quan hệ thương mại với nhà Tống được chính thức hóa, với các Bạc dịch trường được mở trên đường thông lộ biên giới.

Lễ kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt diễn ra tối 24/4 tại Ninh Bình. Ảnh: Infonet.

Nối tiếp đến triều Lý

Sau 24 năm trị vì, năm 1005, Lê Hoàn qua đời, dẫn đến một thời kỳ hỗn loạn, với 8 tháng ngôi vua không được định. Vua Lê Long Đĩnh ở ngôi chỉ được 4 năm rồi qua đời khi mới 24 tuổi, chính quyền chuyển sang tay nhà Lý.

Theo chính sử, sau khi Lý Thái Tổ lên ngôi và dời đô ra Đại La, đổi tên kinh đô thành Thăng Long, quốc hiệu Đại Cồ Việt tiếp tục sử dụng, trải qua các đời Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, cho đến năm 1054, khi Lý Thánh Tông đặt quốc hiệu Đại Việt.

Mặc dù được ghi trong sử sách, quốc hiệu Đại Cồ Việt vẫn còn gây những nghi vấn, như việc các viên gạch phát lộ tại di chỉ thành cổ Hoa Lư đều khắc chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, đưa đến nghi vấn Đại Việt mới là quốc hiệu thời kỳ này. Đây vẫn là những vấn đề cần được các học giả khảo cứu kỹ lưỡng hơn.

Sau 1050 năm lịch sử, đến nay có thể khẳng định việc khởi đầu nhà nước Đại Cồ Việt là dấu ấn quan trọng, mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài xuyên suốt các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần và Hậu Lê sau này.

Lê Hoàn - vị tướng tài ba Lê Hoàn là một trong những người có công đầu trong việc giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn. Sau này, ông làm vua, lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Tống.

Lê Tiên Long
Video: VTV

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dai-co-viet-nha-nuoc-tu-chu-dau-tien-khien-vua-tong-ne-trong-post835905.html