'Đại dịch cuồng sát' vì internet ở Ấn Độ

Internet và điện thoại thông minh đang được người dân Ấn Độ say mê và sùng bái như một thứ tôn giáo thực sự. Những thiết bị cầm tay rẻ tiền cùng với phí Internet rất thấp giúp cho mọi người dân nghèo đều cảm thấy mình luôn được tham gia và sống trong môi trường mạng toàn cầu.

Nhưng chính môi trường này lại dẫn tới một đại dịch giết người hàng loạt đang lây lan nhanh chóng trên khắp đất nước. Theo như bình luận của một số nhà phân tích: những thông điệp của WhatsApp đã trở thành một vũ khí đáng sợ, còn sự say mê điện thoại thông minh của toàn dân có nguy cơ đẩy Ấn Độ tới ranh giới của một cuộc nội chiến…

Điện thoại + internet = Tất cả!

Theo thống kê mới nhất, cứ 5 người dân Ấn Độ thì có một người có điện thoại thông minh, và con số này vẫn đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Với đà này, nếu như năm 2016, trong số 1,3 tỉ công dân có trong tay hơn 300 triệu thiết bị, thì dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ vượt quá 500 triệu.

Một thông tin giả lan truyền trên mạng có thể nhanh chóng biến người dân thành đám đông cuồng sát.

Đối với một đất nước có số dân bằng 1/6 số người trên toàn cầu thì đây là một tỉ lệ khá lớn. Theo kết quả một cuộc thăm dò hồi cuối năm 2017, khoảng 433 triệu người Ấn Độ dự kiến sẽ sắm cho mình chiếc điện thoại thông minh mới vào năm 2018.

Thế giới từ lâu đã biết đến đam mê khác thường của người Ấn Độ về việc phải sở hữu được những sản phẩm công nghệ mới, không chỉ trong giới nhà giàu mà còn cả những người nghèo khó nhất. Nói tóm lại, họ sẵn sàng dốc hầu bao đến đồng cuối cùng để có được cho mình một mẫu sản phẩm mới ra.

Đó là lý do khiến thị trường Ấn Độ có vô số các mẫu điện thoại thông minh đủ mọi giá cũng như thương hiệu, có thể chiều lòng bất cứ "thượng đế" thuộc tầng lớp nào trong xã hội. Cũng vì mặt bằng nghèo đói chung, chiếc điện thoại thông minh đã trở thành một công cụ chủ yếu và duy nhất mà mỗi người dân Ấn Độ đều mong muốn sở hữu, không phụ thuộc vào việc họ có bao nhiều tiền.

Niềm đam mê này còn được các nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương thúc đẩy: giá cước thông tin liên lạc tại đây luôn ở mức thấp nhất thế giới, tương tự như vậy là các gói Internet tốc độ cao.

Đến năm 2016, người giàu nhất Ấn Độ là Mukesh Ambani còn khởi xướng thêm một cuộc chiến kinh tế trên thị trường này, khi tặng khách hàng nửa năm kết nối miễn phí vào mạng Reliance Jip 4G, khiến chi phí kết nối tốc độ cao trong nước tiếp tục giảm chóng mặt. Một yếu tố gây bùng nổ nữa chính là việc đưa các ngôn ngữ địa phương vào giao diện của điện thoại. Nhờ đó, Ấn Độ đã nhảy lên thứ hai thế giới, vượt qua Trung Quốc về số lượng người dùng điện thoại di động.

Từ những điều kiện trên, Ấn Độ đang hình thành một nền văn hóa mang tính sùng bái thực sự đối với Internet. Mới năm ngoái, các nhà phân tích từ Google đã đưa ra thắc mắc, tại sao bộ nhớ phần lớn điện thoại thông minh tại Ấn Độ thường rất chóng bị đầy?

Nếu như tại Mỹ, con số này chỉ chiếm tỉ lệ 1/10, trong khi tại quốc gia Nam Á này lên tới 1/3. Câu trả lời được tìm thấy trong ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí WhatsApp mà hầu hết người Ấn Độ đều dùng. Hóa ra hàng triệu người dân tại đây có thói quen hàng ngày đều dùng điện thoại kết nối Internet để gửi cho nhau những tranh ảnh và video cùng với lời chúc buổi sáng tốt lành.

Điều tra rõ hơn, các chuyên gia Google còn cho biết thêm, tần suất yêu cầu tìm kiếm của cụm từ kiểu như "tranh ảnh", "chúc mừng buổi sáng" đã tăng gấp 10 lần chỉ trong vài năm gần đây. Chỉ vài giờ sau khi mặt trời mọc mỗi ngày, qua ứng dụng Messenger có hàng triệu tranh ảnh được gửi qua lại, trước khi đạt tới mức đỉnh điểm vào 8 giờ sáng.

Mới đầu năm 2018, tờ The Wall Street Journal đã giới thiệu một nhân vật say mê điển hình những "nghi lễ buổi sáng" kiểu như vậy - ông già 71 tuổi Desh Raz Sharm - người cứ mỗi ngày đều đặn từ 6 giờ sáng gửi qua WhatsApp những hình ảnh cùng lời chúc mừng buổi sáng tới 50 người bạn và họ hàng.

Còn công dân 31 tuổi Canvariot Singh thậm chí còn xây dựng một trang web đặc biệt nổi tiếng khắp cả nước có tên WishGoodMorning.com. Vào đây, mọi người có thể tìm thấy trong rất nhiều mục khác nhau những lời chúc đặc biệt dành cho anh chị em, bạn bè và thậm chí cả sếp của mình.

Bản thân Singh mỗi buổi sáng cũng mất tới 45 phút để trả lời những lời chúc gửi cho mình và sau đó gửi lời chúc tới người quen. Thống kê cho thấy trong dịp năm mới vừa rồi, người dân Ấn Độ gửi tới 20 tỉ thông điệp qua mạng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Một trong những người say mê gửi lời chúc buổi sáng không ai khác chính là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hồi cuối năm 2017, ông Modi từng lên tiếng phàn nàn trong trong cuộc gặp gỡ các nghị sĩ quốc hội: "Không ai muốn chúc mừng buổi sáng với tôi!". Hóa ra quan chức cao nhất của Ấn Độ có thói quen dậy sớm hơn mọi người (gần 5 giờ sáng) và gửi lời chúc đến nhiều đồng nghiệp của mình, dù chỉ có trung bình từ 5 đến 6 nghị sĩ trả lời ông.

“Virus cuồng sát” lan truyền qua mạng

Mùa xuân năm 2018, trên các đường phố Ấn Độ ghi nhận hàng loạt những vụ tàn sát kéo dài cho tới hiện tại. Theo đó, những đám đông lao vào vây bắt và hành hình tàn nhẫn những nạn nhân mà họ gọi là những kẻ tình nghi mà không cần đếm xỉa đến luật pháp hay các nhà chức trách. Nguyên nhân của hành vi trên bắt nguồn từ những thông tin thất thiệt lan truyền trên WhatsApp. Một công cụ thông tin miễn phí của đông đảo người dân chỉ trong vài tháng đã trở thành công cụ đáng sợ gieo rắc, kích động bạo lực và tàn sát.

Lời cảnh báo ngăn chặn thông tin giả song hành cùng những bài viết về World Cup là những nội dung phổ biến trên báo chí Ấn Độ.

Ban đầu chỉ là những tin đồn được chia sẻ nhanh chóng trong cộng đồng người dùng Internet Ấn Độ về các băng nhóm tội phạm đang hoành hành tại nhiều bang khác nhau. Những nhóm này được gán cho nhiều tội danh như cưỡng hiếp, bắt cóc trẻ em, buôn bán người lấy nội tạng và ăn trộm. Một số thông tin còn kèm theo các những đoạn ghi âm hay phim làm "bằng chứng" - thông thường là những cảnh bắt cóc trẻ em được dàn dựng, ảnh chụp trẻ em Syria hay những hình ảnh kinh hoàng từ trại tị nạn cho tộc người hồi giáo Rohingya.

Thống kê cho thấy chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi các thông tin giả được lan truyền trên WhatsApp, đã có gần 30 người bị sát hại, chưa kể hàng trăm nạn nhân khác bị đánh đập tàn nhẫn. Theo đánh giá của báo chí địa phương, những vụ hành hình bắt đầu lan truyền rộng khắp kể từ cuối tháng 4-2018, tức là chỉ gần nửa tháng sau khi những thông tin giả được lan truyền phổ biến trên mạng. Nạn nhân đầu tiên của đại dịch cuồng sát này được ghi nhận tại bang Tamil Nadu.

Một đám đông người dân địa phương đánh đập tàn nhẫn một thanh niên trẻ trước khi giao cho cảnh sát. Hành vi của họ bắt nguồn từ những thông báo lan truyền trên mạng xã hội và WhatsApp về "một kẻ bắt cóc và buôn bán trẻ em đang xuất hiện gần đó". Chính quyền địa phương đã điều tra, làm rõ thanh niên trên vô tội và thả anh ta ra. Nhưng ngay sau đó, một đám đông đã bắt giữ nạn nhân trên phố và đánh cho đến chết.

Tháng tiếp theo ghi nhận thêm một vài vụ tấn công tàn bạo khác, khi người dân địa phương nhận được những thông tin giả mạo qua Messenger về tổ chức có khoảng "500 tên tội phạm chuyên giết người để lấy nội tạng bán". Thông tin còn nhắc nhở thêm, những tên tội phạm thường giả dạng làm người hành khất, ăn xin. Những người cả tin nhận được thông tin ngay lập tức gửi lại cảnh báo tới họ hàng, bạn bè mình.

Ngay sau đó, một vài người hành khất bị đánh đập dã man ngay tại trung tâm bang Madhya Pradesh. Vài ngày sau, tại thành phố Hairadabad (bang Telangana), đến lượt một nhóm ăn xin trở thành nạn nhân của hành vi tự phán xử dựa vào… tin đồn trên mạng: họ bị 20 người xông vào đánh đập trước một đám đông khoảng 200 người đứng hò hét cổ vũ. Hậu quả là một phụ nữ chuyển giới thiệt mạng, 3 người khác bị thương nặng.

Cảnh sát sau đó đã bắt được 12 người trực tiếp tham gia vào vụ sát nhân này, tất cả đều khai họ được thông tin đây là một nhóm chuyển giới chuyên bắt cóc hàng loạt trẻ em.

Đến tháng 6-2018, nạn dịch cuồng sát đã phát triển đến mức báo động. Đầu tiên là vụ một đám đông đã xâu xé hai người đàn ông ngoài đường lộ có vẻ như đang dẫn theo một đứa trẻ là tù nhân của họ. Khi cảnh sát tới nơi, cả hai đều đã thiệt mạng. Trên mạng sau đó lan truyền một đoạn video, trong đó có cảnh một nạn nhân đang cầu xin đám đông để cho anh ta được sống.

Ngày 27-6, trên mạng lại xuất hiện loại "virus thông tin" cho biết có một nhóm người nước ngoài nào đó tới bang Gujarat để bắt cóc và bán trẻ em. Những cư dân địa phương bị "lây nhiễm" đã tự hành quyết 7 người, trong đó có một phụ nữ 45 tuổi thuộc một bộ lạc du mục.

Vụ tàn sát đáng chú ý gần đây nhất diễn ra vào ngày 1-7, khi một nhóm dân du mục vô tình đi vào một ngôi làng ở bang Maharashtra. Họ bị người dân bắt giữ và thẩm vấn vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Nguyên nhân chỉ do một thành viên của nhóm có bắt chuyện với một em nhỏ trong làng. Phán xét cuối cùng của tòa án tự xưng này là tất cả nghi phạm bị hành quyết bằng ném đá và gậy. Cảnh sát tới nơi để điều tra sau đó cũng bị đám đông vẫn còn đang kích động tấn công, khiến chính quyền phải ban hành lệnh giới nghiêm và bổ sung thêm lực lượng duy trì an ninh tại đây.

Trong phần lớn các trường hợp, các nhà chức trách địa phương chỉ có thể bắt được thủ phạm nhờ vào các đoạn phim và ảnh được những kẻ trực tiếp tham gia hay chứng kiến tung lên mạng, tất cả bị truy tố về tội sát nhân hay gây rối.

Tuy nhiên những thủ phạm thực sự, chính là những kẻ tung tin giả trên mạng, gần như rất khó có thể lần ra. Điều duy nhất chính quyền có thể làm cho tới thời điểm này là vạch trần những thông tin giả qua các thông cáo trên báo chí. Bất kể những bằng chứng rõ ràng được đưa ra, nhưng biện pháp trên gần như không có tác dụng. Cảnh sát vẫn phải thừa nhận, hành vi của người dân tại nhiều khu vực vẫn vượt ngoài tầm kiểm soát của họ.

Đâu là giải pháp?

Số người dùng WhatsApp tại Ấn Độ hiện nay đang là hơn 200 triệu (trên tổng số khoảng hơn 1 tỷ trên toàn cầu). Khả năng dễ tiếp cận cùng với các dịch vụ giá rẻ khiến người dân địa phương dễ dàng sử dụng và gửi nhận thông tin cho nhau, khiến cho WhatsApp trở thành ứng dụng phổ biến nhất tại quốc gia Nam Á này.

Mặt khác việc lần ra và trừng phạt những kẻ cố tình tung thông tin giả trên mạng là gần như không thể, các ứng dụng mã hóa khiến các nhà chức trách rất khó xác minh được nguồn gốc nảy sinh cũng như cách lan truyền những thông tin trên.

Vào ngày 4-7 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã liên hệ với Hãng Facebook, chủ nhân của ứng dụng WhatsApp, yêu cầu họ phải triển khai "các giải pháp cấp thiết" để ngăn chặn việc lợi dụng nền tảng này tung ra những thông tin giả mạo gây kích động bạo lực. Chính quyền cũng treo giải thưởng 50 ngàn USD cho bất cứ ai đề xuất được giải pháp tối ưu để ngăn chặn nạn dịch trên.

Về phía Facebook, họ cũng bổ sung thêm một chức năng mới trong ứng dụng từ ngày 11-7 nhằm ngăn chặn việc phát tán những thông tin giả - cụ thể là một giải thuật sẽ tự động cảnh báo nếu thông điệp được sao chép hay được gửi theo hình thức chuyển tiếp (Forward).

Theo đánh giá, cơn sốt đam mê sử dụng điện thoại thông minh và Internet cùng với hành vi sử dụng thiếu trách nhiệm đang biến thị trường di động Ấn Độ trở thành một mớ hỗn độn, một môi trường lý tưởng để truyền bá thông tin giả, kích động bạo lực, khơi mào cho một cuộc chiến vô nghĩa chống lại bất kỳ một người lạ nào đặt chân lên địa bàn của mình.

Trong tình cảnh những đám đông người dân sẵn sàng tra tấn, hành hình bất kỳ một người lạ mà không cần điều tra và tòa án, chính quyền Ấn Độ thực sự đang bất lực, chưa thể tìm ra giải pháp hữu hiệu. Toàn bộ trách nhiệm hiện đang dồn sang phía công ty Facebook của Mỹ. Vấn đề là liệu họ có thể điều chỉnh được hành vi của cả tỉ người dùng đang say mê ăn ngủ cùng với ứng dụng của mình, trong khi bản thân chưa có ý thức sử dụng Internet một cách đúng đắn. Đó mới thực sự là bài toán nan giải.

Quỳnh Nga (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/dai-dich-cuong-sat-vi-internet-o-an-do-504119/