Đại dịch không làm giảm nhu cầu hàng xa xỉ, doanh số của Hermes vẫn tăng trưởng mạnh

Báo cáo kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 của 'ông trùm' Hermes khiến nhiều thương hiệu khác phải thán phục.

Đại dịch không làm giảm nhu cầu hàng xa xỉ, doanh số của Hermes vẫn tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo kinh doanh mới đây của Hermes, doanh thu hợp nhất trong nửa đầu năm 2021 của tập đoàn này đạt khoảng 5 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 33% so với năm 2019.

Chủ tịch điều hành của Hermes, ông Axel Dumas cho biết: "Đây là một kết quả vô cùng đặc biệt trong tình hình hiện tại. Kết quả nửa đầu năm cũng phản ánh khả năng phục hồi và tăng trưởng của một mô hình kinh doanh như Hermes, nơi luôn đặt con người, sự sáng tạo, đổi mới, cùng yêu cầu tuyệt đối về chất lượng, ở vị trí cốt lõi. Đây cũng là yếu tố quyết định trong cách tiếp cận thủ công và gửi gắm đam mê vào mỗi sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng đương đầu với rủi ro để giữ vững những giá trị của mình".

Cũng theo báo cáo, nhờ đà tăng từ quý I, doanh thu của tất cả các khu vực trên thế giới của Hermes đều là những con số khả quan. Hầu hết các cửa hàng có doanh thu tăng khoảng 81% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ mở rộng kinh doanh trực tuyến.

Từ trước đến nay, thị trường Trung Quốc luôn là nơi có sức tiêu thụ các mặt hàng của Hermes mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, sức tiêu thụ mạnh nhất lại đến từ thị trường Mỹ.

Cụ thể, doanh số tại thị trường châu Á, tăng 87% so với năm 2020 và tăng 70% so với năm 2019. Riêng tại Nhật Bản, doanh số tăng vượt trội 59% so với năm 2020 và tăng 22% so với năm 2019 nhờ vào lượng khách hàng trung thành, mặc cho nhiều biện pháp giới hạn mới được áp đặt do tình trạng dịch bệnh. Trong khi đó, doanh số tại thị trường Mỹ tăng 115% so với năm 2020 và tăng 25% so với năm 2019 bất chấp một số hạn chế trong khu vực này.

Việc Hermes bất ngờ thu hút lượng lớn khách hàng có độ tuổi trẻ trung, năng động trong thời kỳ đại dịch đã góp phần đem lại thành công lớn cho hãng. Các khách hàng trẻ được cho là tiếp cận nhiều với thương hiệu thông qua các kênh mua sắm trực tuyến. Năm nay Hermes cũng tung ra nhiều sản phẩm làm đẹp, cụ thể là son, má hồng với mức giá hợp lý để tiếp cận gần hơn với các khách hàng trẻ tuổi.

Bên cạnh đó, doanh số tại thị trường châu Âu và doanh số ở Pháp đều tăng trưởng so với năm 2020 nhưng đã giảm so với năm 2019.

Đặc biệt, tính đến cuối tháng 6/2021, tất cả các dòng sản phẩm từ đồ may sẵn, phụ kiện, đồng hồ đều có mức tăng trưởng khá đồng đều. Nhu cầu lớn cho các mặt hàng biểu tượng như túi Birkin, Kelly hay Hermes Della Cavalleria cũng như nhu cầu cho những thiết kế mới đều tăng đáng kể.

Đầu năm 2020, nhiều cửa hàng và xưởng sản xuất của Hermes đã phải đóng cửa do tình hình đại dịch, nhưng việc làm của nhân viên trên toàn thế giới vẫn được đảm bảo với mức lương ổn định. Đến nửa đầu năm 2021, thương hiệu này đã có sự phục hồi mạnh mẽ về doanh số và tỷ lệ lưu chuyển hàng hóa.

Không những vậy, Hermes còn tuyển thêm gần 400 nhân viên để đảm bảo duy trì hoạt động của tập đoàn. Tính đến cuối tháng 6 năm 2021, hãng đã tuyển dụng tổng cộng 16.966 người, trong đó có 10.607 người tại Pháp.

Rất nhiều thương hiệu của Hermes đã khai trương loạt cửa hàng mới, chẳng hạn như cửa hàng tại Macao trong tháng 4, cửa hàng tại Omotesando, Tokyo vào tháng 2 cho thấy khả năng kinh doanh mạnh mẽ và ấn tượng của ông trùm trong giới đồ xa xỉ.

Hạnh Chi

Theo Bloomberg

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dai-dich-khong-lam-giam-nhu-cau-hang-xa-xi-doanh-so-cua-hermes-van-tang-truong-manh-20180504224256702.htm