Đại dịch virus Corona: 'Cú sốc' của nền kinh tế toàn cầu

Cùng với những ca nhiễm mới và số người tử vong do virus Corona chủng mới gia tăng mỗi ngày, đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm này đang gây tác động hết sức tới nền kinh tế toàn cầu, trước hết là Trung Quốc, nơi khởi phát của dịch bệnh và là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.

Đại dịch Corona đang tác động hết sức tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc - trước hết là lĩnh vực dịch vụ và giải trí

Đại dịch Corona đang tác động hết sức tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc - trước hết là lĩnh vực dịch vụ và giải trí

Tác động tiêu cực ngày càng gia tăng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc Liên Duy Lương ngày 3-2 đã phải lên tiếng thừa nhận rằng, nền kinh tế nước này đang đối mặt với tác động tiêu cực ngày càng gia tăng từ sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra. Tuy nhiên, trong động thái được cho là nhằm trấn an, ông Liên Duy Lương lại đưa ra nhận định là, dịch bệnh này sẽ chỉ tác động tạm thời trong ngắn hạn đối với kinh tế Trung Quốc và nước này hoàn toàn đủ khả năng giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với kinh tế.

Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh 2019-nCoV đang gia tăng mỗi ngày ở Trung Quốc thì trấn an của quan chức Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc chưa thể khiến bất cứ ai an tâm. Theo số liệu mới nhất do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố, tính đến sáng 3-2, số người nhiễm chủng virus Corona mới (2019-nCoV) tại Trung Quốc đã hơn 17.200 người, trong đó 2.829 ca nhiễm mới và 57 trường hợp tử vong (trong đó có tới 56 ca ở tỉnh Hồ Bắc) chỉ trong một ngày trước đó, nâng tổng số trường hợp tử vong tại Trung Quốc lên 361 người và 1 trường hợp tại Philippines.

Trước diễn biến ngày càng nghiêm trọng và chưa được kiểm soát của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona (2019-nCoV) tại Trung Quốc, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra ước tính về thiệt hại kinh tế mà nước này có thể phải gánh chịu, dù con số khó tính toán chính xác ở thời điểm hiện tại. Các nhà kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể giảm tới 2% trong quý I này, tương đương với khoản tổn thất tới 62 tỷ USD.

Chịu thiệt hại nặng nề nhất vào lúc này là các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giải trí… của Trung Quốc. Giới kinh tế ước tính, dịch bệnh 2019-nCoV có thể gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ NDT (tương đương 144 tỷ USD) cho các nhà hàng, ngành du lịch và phim ảnh trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Các ngành du lịch và điện ảnh cũng đang gặp khó khăn lớn khi các công ty lữ hành được yêu cầu đình chỉ tất cả các nhóm du lịch, các điểm du lịch lớn đã bị đóng cửa và tất cả 8 bộ phim dự kiến ra mắt trong kỳ nghỉ đã bị thu hồi.

Dịch bệnh càng kéo dài, tổn thất càng nặng nề

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong trường hợp khả quan nhất, nếu như dịch bệnh 2019-nCoV có thể nhanh chóng được ngăn chặn và chấm dứt vào tháng 4 tới, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 6,1% trong năm 2019 xuống còn 5,4% trong năm 2020 này. Tuy nhiên, nếu như dịch bệnh kéo dài hơn thời gian trên, ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Trung Quốc có thể chỉ đạt 5%, mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua.

Là các quốc gia láng giềng và những nền kinh tế lớn của châu Á, dịch bệnh 2019-nCoV cũng tác động tiêu cực tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhà kinh tế Takahide Kiuchi thuộc Viện Nghiên cứu Nomura cho biết, GDP của Nhật Bản năm 2020 có thể giảm 0,45%, hay 2.480 tỷ yen (khoảng 22,7 tỷ USD), nếu dịch 2019-nCoV tác động đến lượng du khách nước ngoài đến nước này kéo dài trong một năm. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu kinh tế Hyundai có trụ sở ở Seoul cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ giảm khoảng 0,1-0,2% trong năm 2020 do tác động từ dịch 2019-nCoV ở Trung Quốc.

Với nền kinh tế toàn cầu, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng dịch 2019-nCoV cũng mang lại “cú sốc” lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS-CoV (Hội chứng hô hấp cấp) vào năm 2003. Theo đó, ước tính tổn thất trực tiếp có thể lên đến 160 tỷ USD.

Cú giáng của 2019-nCoV vào nền kinh tế Trung Quốc cũng như toàn cầu mạnh tới cỡ nào còn tùy thuộc vào việc đại dịch này được ngăn chặn sớm hay muộn và các biện pháp kinh tế ứng phó. Để hỗ trợ nền kinh tế trong khi dịch bệnh nguy hiểm đang hoành hành, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) ngày 2-2 thông báo sẽ “bơm” 1.200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 173,8 tỷ USD) vào các thị trường. Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF) ngày 3-2 cũng cho biết, sẽ trợ cấp thanh toán lãi suất cho một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các khoản trợ cấp sẽ dựa trên 50% lãi suất cho vay do Ngân hàng Trung ương công bố trong vòng 1 năm nhằm giúp các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/dai-dich-virus-corona-cu-soc-cua-nen-kinh-te-toan-cau/841507.antd