Đại diện Bộ GD&ĐT thăm hỏi 3 trẻ mầm non bị bỏng cồn

Hiện sức khỏe của cả 3 cháu đã tạm thời ổn định, đang được điều trị chống sốc, chống nhiễm trùng, giảm đau.

Ông Nguyễn Bá Minh tặng quà và động viên phụ huynh các cháu bị bỏng đang được điều trị tại Viện bỏng Quốc gia. Ảnh: GD&TĐ

Ông Nguyễn Bá Minh tặng quà và động viên phụ huynh các cháu bị bỏng đang được điều trị tại Viện bỏng Quốc gia. Ảnh: GD&TĐ

Chiều ngày 11/8, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT đã đến Viện bỏng Quốc gia thăm 3 trẻ mầm non bị bỏng do lửa cồn gây ra trong lúc học kỹ năng sống, báo Giáo dục & Thời đại đưa tin.

Đại diện Bộ đã gặp mặt, tặng quà động viên các phụ huynh đang trực tiếp trông, nuôi các cháu tại đây.

Chị Nguyễn Thị Hường - mẹ cháu Nguyễn Ngọc Hà L. (5 tuổi) chia sẻ về tình hình tiến triển sức khỏe của con mình: "Cháu đã đỡ nhiều, uống được sữa và ăn được một chút hoa quả. Hiện được các bác sĩ theo dõi và điều trị tích cực"

“Các gia đình cố gắng chăm sóc các cháu và mong muốn trẻ nhanh chóng bình phục. Về phần các cô giáo, gia đình cũng biết đây là sự cố ngoài mong muốn nên rất thông cảm với các cô giáo. Với ngành GD&ĐT, là phụ huynh, chỉ mong ngành có những giải pháp nâng cao các điều kiện chăm sóc trẻ cả ở trường công lập và trường tư thục để các bà mẹ yên tâm trong việc gửi trẻ", phụ huynh cháu Phạm Bùi Gia Kh. cho biết.

Về bệnh tình của 3 trẻ, bác sĩ thông tin kết quả chuẩn đoán sơ bộ tình trạng bỏng do lửa cồn gây ra cho các cháu. Cụ thể, cháu Nguyễn Ngọc Hà L. (5 tuổi) bị bỏng 52%. Cháu Nguyễn Anh T. (3 tuổi) bị bỏng 52%. Cháu Phạm Bùi Gia Kh. ( 4 tuổi) bị bỏng 37%.

Trước đó, vào chiều 9/8, tại lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ (Hà Nam) đã xảy ra sự việc cô giáo dùng cồn đổ vào mâm rồi châm lửa đốt để dạy phòng chống cháy nổ. Không may, gió từ cửa sổ thổi vào đã tạt ngọn lửa đang cháy vào người 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng, phải đưa đi cấp cứu.

Trao đổi với TTXVN, BS. Lê Quang Thảo, Khoa Hồi sức cấp cứu Viện Bỏng Quốc gia cho biết: "Cả 3 cháu bé đều bị bỏng rất nặng, diện tích lên tới 50-60%, các bé đều vào viện trong tình trạng sốc. Hiện các bệnh nhi đang phải truyền dịch, chống sốc, giảm đau an thần..."

Dù các bác sĩ đang phải tích cực chống sốc cho các bệnh nhi nhưng việc điều trị vẫn rất khó khăn, các chức năng sống như: Hô hấp, tuần hoàn, chức năng thận... vẫn đang bị đe dọa.

"Trong những trường hợp này, để kịp thời sơ cứu người bị bỏng cồn, ngay khi xảy ra, người dân cần khẩn trương thực hiện các biện pháp như: Cách ly người ra khỏi lửa, loại bỏ các quần áo đang cháy trên cơ thể. Nếu ở nơi gần nhất có nguồn nước thì dội trực tiếp nước lạnh, nước sạch (có nhiệt độ từ 16-20 độ) xối liên tục lên người, làm loại bỏ tác nhân gây bỏng, cách này có thể làm giảm độ sâu vết thương bỏng. Sau khi sơ cứu, chuyển người bị bỏng đến nơi cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu ban đầu”, BS. Thảo khuyến cáo.

PV

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giao-duc/dai-dien-bo-gddt-tham-hoi-3-tre-mam-non-bi-bong-con-152410.html