Đại đức Chau Bên tốt việc đạo, đảm việc đời

Chúng tôi xuống công tác tại xã biên giới Mỹ Đức (Hà Tiên, Kiên Giang) và may mắn được gặp ông Chau Bên, người được phong Đại đức và bổ nhiệm trụ trì chùa năm 24 tuổi. Bước chân qua cổng chính chùa Khetaparivena (chùa Xà Xía mới), tôi như lạc vào một khu vườn rợp mát bóng cây, với nhiều loài hoa khoe sắc, tỏa hương. Khuôn viên chùa rộng rãi, chánh điện lớn nổi bật với bộ mái cao được lợp tôn đỏ. Sự đổi thay của nhà chùa hiện nay có một phần đóng góp đáng kể của Đại đức Chau Bên.

Đại đức Chau Bên (bìa phải) trao đổi thông tin, bàn bạc nội dung tuyên truyền cho phật tử, đồng bào với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Ảnh: Lạc Âu Thành

Được phật tử và nhân dân tôn kính

Dẫn tôi đi vãn cảnh, trụ trì Chau Bên chia sẻ: Cách ngôi chùa mới khoảng 2km là chùa Xà Xía cũ đổ nát bởi bị quân Pôn Pốt phá hủy trong chiến tranh biên giới năm 1979. Ngôi chùa khang trang và đẹp hiện nay được xây dựng năm 2000 từ sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và sự đóng góp, ủng hộ của đông đảo phật tử. Hiện nay, chùa cũ được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Còn chùa mới không chỉ là địa điểm tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng của phật tử, đồng bào Khmer ở Hà Tiên, mà còn là địa điểm du lịch, tham quan đối với du khách khi đến với vùng đất này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Sơ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mỹ Đức cho biết: “Năm 1995, lúc mới 14 tuổi, Chau Bên đã vào chùa tu tập và gắn bó với mọi hoạt động của nhà chùa cho đến nay. Với trái tim nhân hậu, sự hiểu biết của mình, sư Chau Bên đã luôn đồng hành với mọi hoạt động của nhân dân Khmer, tín đồ trên địa bàn Hà Tiên. Sư Chau Bên bàn bạc thống nhất trong Ban Trị sự mở lớp dạy chữ Khmer, dạy nghề truyền thống cho hơn 1.000 lượt con em của đồng bào dân tộc trong chùa. Sư trở thành nhịp cầu lưu truyền, kết nối văn hóa của dân tộc và cũng chính là người lưu giữ các hiện vật từ đồ thờ cúng, điêu khắc, trạm trổ và giá trị nhất là bộ dụng cụ nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer... Chính vì thế, sư rất có uy tín trong phật tử. Từ những đóng góp cho sự phát triển của nhà chùa, thuyết pháp của mình, năm 2005, nhà sư Chau Bên được phong Đại đức và bổ nhiệm trụ trì khi mới 24 tuổi”.

Đối với người dân Khmer ở Hà Tiên cũng như đông đảo tín đồ Phật giáo thuộc hệ phái Nam tông ở miền Tây thì Đại đức Chau Bên là người có uy tín và ảnh hưởng rất lớn cả việc đạo lẫn việc đời. Cụ A Cha Chau Lul, ngụ ấp Xà Xía cho biết: “Đại đức Chau Bên là con em của đồng bào Khmer, được sinh ra và lớn lên ngay ở mảnh đất Mỹ Đức thân yêu này. Các công việc của gia đình cũng như sinh hoạt văn hóa, lễ hội của cộng đồng Khmer Hà Tiên đều có sự tham dự của Đại đức. Bà con xem Đại đức Chau Bên là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy, giáo hóa chúng sinh và luôn là người thầy được tôn kính, tin tưởng”.

Gắn bó với biên giới và BĐBP

Không hẹn mà nên, cũng trong chuyến công tác này, tôi tình cờ được dự buổi làm việc giữa Đại đức Chau Bên với 2 cán bộ của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên xoay quanh một số nội dung phối hợp tuyên truyền cho phật tử, đồng bào Khmer. Thiếu tá Danh Tâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết: Trước đây, vì đời sống kinh tế khó khăn, theo sự lôi kéo của các đối tượng xấu, một số phật tử và đồng bào trên địa bàn xã Mỹ Đức có tham gia vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua biên giới. Sau khi được Đại đức Chau Bên phối hợp cùng đồn và chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục, tìm việc làm phù hợp để có thu nhập, dần dần họ nhận ra cái sai, chí thú làm ăn, không còn tham gia vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua biên giới nữa. Đời sống của nhân dân trong xã nông thôn mới ở biên giới này đang ngày càng phát triển tốt đẹp hơn...

Nhiều năm qua, cùng với việc thường xuyên thuyết giảng về Phật pháp, Đại đức Chau Bên còn phối hợp với đơn vị, chính quyền địa phương tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân, tín đồ trên địa bàn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến biên giới quốc gia, tham gia phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng năm 2017, Đại đức Chau Bên đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được 24 cuộc, cho 1.086 lượt phật tử dự nghe. Đặc biệt, trong đó có gần 100 phật tử là người Campuchia.

Ông Trần Văn Sơ cho biết: “Với người dân cũng như các phật tử trên địa bàn xã, Đại đức Chau Bên là người mẫu mực. Còn đối với chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng, Đại đức là một chức sắc tôn giáo có uy tín, có nhiều đóng góp cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự tại địa phương. Chính nhờ sự đức độ, lòng từ bi của Đại đức mà bà con luôn nghe và tin theo”.

Chia tay chúng tôi, Đại đức Chau Bên tâm sự: “Niềm tin yêu và cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của các phật tử cũng như đồng bào Khmer trên địa bàn chính là phần thưởng to lớn nhất đối với tôi”.

Lạc Âu Thành

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dai-duc-chau-ben-tot-viec-dao-dam-viec-doi/