Đại dương ô nhiễm Covid-19

Các bãi biển ở Côte d'Azur của Pháp như Cannes hay St. Tropez nằm trong số những điểm nghỉ mát được thèm muốn nhất thế giới, nhưng đại dịch Covid-19 đã để lại vô số ô nhiễm trong nước: khẩu trang và găng tay bị vứt bỏ. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều vùng biển khắp thế giới.

Vấn đề nghiêm trọng

"Bạn có muốn bơi với Covid-19 vào mùa hè này không?" - Laurent Lombard, thợ lặn và người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Opération Mer Propre (Chiến dịch Biển sạch), đặt câu hỏi trong một bài đăng trên Facebook vào tháng 5. Tổ chức của ông đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về việc tìm thấy thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và chai nước khử trùng bị vứt xuống biển. Lombard cảnh báo trên Facebook rằng "có thể sớm đến lúc có nhiều khẩu trang hơn sứa" ở biển Địa Trung Hải.

Julie Hellec, người phát ngôn của Opération Mer Propre, nói với CNN rằng phải giải quyết điều này thật nghiêm túc. Bà ước tính rác thải Covid được thu hồi trong quá trình làm sạch biển chưa tới 5% tổng lượng chất thải Opération Mer Propre thường thu gom, nhưng tổ chức lo ngại điều này có thể gia tăng nhanh chóng. "Nếu ai đó đã cảnh báo chúng ta về vấn đề chai nhựa và túi nhựa ngay từ đầu, liệu chúng ta có tiếp tục?" - Hellec nói. Opération Mer Propre muốn nâng cao nhận thức về cách tránh xả rác là rất quan trọng để giữ cho đại dương sạch sẽ.

"Một cử chỉ đơn giản như không ném găng tay xuống đất là cứu hành tinh. Về rác thải Covid, chúng ta phải ưu tiên khẩu trang và găng tay có thể tái sử dụng và cấm dùng 1 lần" - Hellec nói với CNN.

Các bãi biển Pháp không phải là nơi duy nhất phát hiện rác thải Covid. Vào cuối tháng 2, tổ chức OceansAsia có trụ sở tại Hồng Kông đã báo cáo về việc phát hiện "hàng loạt khẩu trang phẫu thuật nằm đầy trên bờ biển" ở quần đảo Soko. Sử dụng khẩu trang để giảm sự lây lan của virus là cần thiết, nhưng OceansAsia ghi nhận sự khác biệt rõ rệt. "Khi bạn đột nhiên có dân số 7 triệu người đeo 1-2 khẩu trang mỗi ngày, lượng rác được tạo ra sẽ rất lớn" - OceansAsia viết trên trang web của họ.

Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Môi trường, Khoa học - Công nghệ ước tính 129 tỷ khẩu trang và 65 tỷ găng tay đang được sử dụng mỗi tháng. Nick Mallos, giám đốc cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận Ocean Conservancy, gọi những con số này là "đáng kinh ngạc". Từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4 năm nay, hơn 1 tỷ mặt hàng thiết bị PPE đã được đưa ra sử dụng chỉ riêng ở Anh. Hàng triệu găng tay và khẩu trang được sử dụng sau đó bị vứt đi mỗi ngày. Khẩu trang bị úng nước, găng tay, chai khử trùng tay và các loại rác thải coronavirus khác đã được tìm thấy dưới đáy biển hay dạt vào các bãi biển, can thiệp vào các hoạt động hàng ngày trong hệ sinh thái đại dương của hành tinh.

Nếu các vật phẩm như khẩu trang và găng tay trôi xuống đại dương, các loài như chim biển và rùa biển có thể bị vướng vào hoặc ăn chúng. "Chúng ta biết rằng rùa biển thường ăn những thứ như túi nhựa và bóng bay trong môi trường biển, vì vậy rất có khả năng chúng ta sẽ thấy điều tương tự với PPE" - Mallos nói. "Với khả năng tồn tại tới 450 năm, những chiếc khẩu trang này sẽ mang đến những hậu quả môi trường lâu dài đối với hành tinh của chúng ta" - Éric Pauget, một chính trị gia vùng Côte d’Azur, đã viết trong lá thư gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, kêu gọi Tổng thống làm nhiều hơn để giải quyết hậu quả môi trường của khẩu trang dùng một lần.

Không chỉ có đại dương

Mallos và những người khác lạc quan rằng thời điểm này sẽ giúp tạo ra nhận thức nhiều hơn về tầm quan trọng của việc quản lý rác thải và đưa ra các quyết định có ý thức về môi trường. Đó là điều các nhà bảo tồn đã làm việc cật lực trong nhiều năm để giúp mọi người, chính phủ và doanh nghiệp nhận thức được. Erin Simon, người đứng đầu chương trình khoa học vật liệu và đóng gói tại WWF, nói với báo giới rằng mặc dù đại dịch đưa ra những thách thức mới cho bảo tồn môi trường, nhưng thực sự cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục công việc này.

Có thể vài người cảm thấy quá sức khi xử lý chất thải Covid trên chất thải nhựa con người sản xuất. Trong những năm trước đại dịch, các nhà môi trường đã cảnh báo về mối đe dọa đối với đại dương và sinh vật biển trước tăng vọt ô nhiễm nhựa. Theo ước tính năm 2018 của Cơ quan Môi trường LHQ, có tới 13 triệu tấn nhựa đi vào đại dương mỗi năm. Địa Trung Hải là nơi hứng chịu 570.000 tấn nhựa chảy vào hàng năm - một lượng WWF mô tả tương đương với việc đổ 33.800 chai nhựa mỗi phút xuống biển.

Một nghiên cứu ước tính rằng chỉ riêng ở Anh, nếu mỗi người sử dụng khẩu trang dùng 1 lần mỗi ngày trong 1 năm, nó sẽ tạo ra thêm 66.000 tấn chất thải bị ô nhiễm và 57.000 tấn bao bì nhựa. Rác thải nhựa sử dụng 1 lần không phải là tác động duy nhất Covid-19 gây ra cho môi trường. Dù vấn đề khí thải carbon sẽ giảm vì giãn cách xã hội khi ít người đi lại và ít hoạt động công nghiệp, nhưng có những lo ngại về đại dịch sẽ khiến các chính phủ phải chú ý nhiều vấn đề khác và xao lãng các vấn đề xanh. Hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 của LHP, được tổ chức vào tháng 11-2020 đã bị hoãn. Ở một số thành phố của Mỹ, chương trình tái chế bị tạm dừng, trong khi các khu vực bị dịch bệnh tấn công ở Italia và Tây Ban Nha cũng tạm dừng việc tái chế.

Trước thực trạng trên, ông Mallos nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng xung quanh việc sử dụng PPE, đồng thời cắt giảm các sản phẩm nhựa có các lựa chọn thay thế an toàn và phù hợp, như lấy các hộp đựng hoặc túi nhựa. "Chúng ta phải nghiêm túc trong việc giảm lượng nhựa sử dụng 1 lần trong xã hội khi phù hợp, đồng thời, đảm bảo chúng ta có các hệ thống phù hợp để quản lý chất thải phát sinh từ vật liệu cứu sinh như các thiết bị PPE" - Mallos chia sẻ.

Vĩnh Cẩm

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/dai-duong-o-nhiem-covid19-81747.html