Đại gia BĐS vướng lao lý, tài sản CEO Vietjet thăng hạng

Trong khi nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp bị khởi tố thì tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 1.200 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày...

Đại gia bất động sản Dương Thị Bạch Diệp bị bắt

Ngày 18/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại UBND TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và Agribank chi nhánh TP.HCM.

Liên quan đến vụ án này, nữ đại gia bất động sản Dương Thị Bạch Diệp, Chủ tịch Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương, cũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để phục vụ quá trình điều tra.

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp

Nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Bà nổi tiếng trong giới bất động sản TP.HCM từ những năm 90 của thế kỷ trước. Một số dự án bất động sản khách sạn 5 sao thuộc sở hữu của bà phải kể tới Diep Bach Duong’s Senla Boutique (Senla Boutique); dự án Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp tại số 179 Bis, Hai Bà Trưng (quận 3); 7 mặt bằng tại tại số 31 Lê Duẩn (quận 1)...

Bên cạnh đó, bà Dương Thị Bạch Diệp cũng được dư luận biết đến rộng rãi khi nữ doanh nhân này chi gần 1,4 triệu USD để mua chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 vào năm 2008.

Thời điểm đó, đây mới là chiếc Phantom thứ 6 được nhập về Việt Nam và có giá trị cao nhất.

Nữ đại gia Phú Yên phải cho chính doanh nghiệp của mình vay tiền

Công ty cổ phần Thuận Thảo - doanh nghiệp gắn với tên tuổi nữ doanh nhân nổi tiếng Phú Yên, Võ Thị Thanh mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2018. Báo cáo lần này tiếp tục cho thấy những khó khăn rất lớn về tài chính mà doanh nghiệp đang gặp phải khi chưa thể tiếp cận nguồn vốn mới từ ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Thuận Thảo có giá trị khoảng 747 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả đã lên tới 1.542 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do khoản lỗ lũy kế tính đến cuối kỳ vừa qua của công ty này đã lên tới 1.241 tỷ đồng, và vốn chủ sở hữu âm gần 795 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng, nhưng số tiền vay và nợ thuê tài chính gần như không thay đổi, cho thấy công ty vẫn mắc kẹt với các khoản nợ vay hiện tại và chưa thể có thêm nguồn vốn vay mới.

Không tiếp cận được nguồn vốn mới, Thuận Thảo đang phải trông chờ vào các khoản vay từ chính ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Năm qua, bà Võ Thị Thanh đã phải tiếp tục cho chính doanh nghiệp của mình vay thêm 7,5 tỷ đồng, nâng tổng số cho vay lên gần 17 tỷ đồng. Thuận Thảo cũng đã chi 750 triệu đồng để trả tiền lãi cho vị nữ chủ tịch này.

Riêng số tiền nữ doanh nhân này cho Thuận Thảo vay đã chiếm 25% tổng số tiền công ty vay được trong năm qua.

Trước đó, để duy trì hoạt động của công ty, bà Thanh phải chi hàng chục tỷ đồng tiền túi cho công ty vay lại, chủ yếu đều không tính lãi. Hiện tại, ngoài 17 tỷ đồng vay trực tiếp, Thuận Thảo còn đang nợ bà Thanh gần 17 tỷ đồng khác là tiền phải trả cổ tức, lương và thù lao.

Ngoài ra, công ty cũng đang nợ tiền lương và thù lao của 6 cổ đông sáng lập (chủ yếu là người thân của bà Thanh) với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.

Tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng hơn 1.200 tỷ đồng trong 3 ngày

Tính đến phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/1, cổ phiếu VJC của hãng bay Vietjet Air đã tăng phiên thứ 3 liên tiếp. Trong phiên cuối tuần, mã này tăng 4.500 đồng tương ứng 3,81% lên 122.500 đồng/cổ phiếu.

Tính chung trong 3 phiên, mã này tăng tổng cộng 7.500 đồng/cổ phiếu, qua đó, cân bằng được thị giá cổ phiếu trong 1 tháng giao dịch đầy biến động vừa qua. Hiện tại, so với 1 tháng trước, VJC vẫn đạt được trạng thái tăng 0,49%.

Nhờ mức tăng của cổ phiếu, trong 3 ngày vừa qua, giá trị tài sản trên sàn của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet đã tăng thêm 1.263,8 tỷ đồng. Thống kê của Forbes cho thấy, bà Thảo vẫn đang xếp trong danh sách 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới, giá trị tài sản ròng đạt 2,4 tỷ USD.

Năm biến động 'đốt' hơn 1.000 tỷ đồng của vợ chồng bầu Kiên

Thời gian qua, mặc dù đã thực hiện rút gần hết vốn khỏi Vietbank, song ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và người thân vẫn còn sở hữu lớn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Gia đình bầu Kiên đang nắm trên 10% cổ phần ACB và cùng gia đình ông Trần Mộng Hùng đồng sở hữu trên 5% cổ phần thông qua nhóm công ty của Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG).

Trong đó, ông Kiên sở hữu 31,57 triệu cổ phiếu còn bà Đặng Ngọc Lan sở hữu trên 38,5 triệu cổ phiếu ACB.

Cổ phiếu ACB trong thời gian gần đây gần như đi ngang với mức tăng khiêm tốn trong suốt 1 tháng giao dịch qua đạt 0,69% và ghi nhận sụt giảm 10,14% trong 1 năm.

ACB từng đạt mức giá hơn 44.400 đồng vào 9/4/2018, thời điểm thị trường đang tăng nóng. Tuy nhiên, sự thoái trào của chỉ số sau đó cũng kéo theo mức giảm tại các mã cổ phiếu ở trên sàn. So với mức đỉnh, ACB hiện đã mất 15.067 đồng/cổ phiếu, mất 34,04% giá trị.

Tính theo thị giá của ACB thì vợ chồng bầu Kiên đang có 2.046 tỷ đồng, giảm tới 1.055,7 tỷ đồng so với mức đỉnh tháng 4/2018.

Điều này có thể được cải thiện nếu giá cổ phiếu ACB tiếp tục phục hồi tốt trong bối cảnh ngân hàng này đã tăng lãi tới 2,4 lần trong năm 2018, đạt 6.388 tỷ đồng.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/dai-gia-bds-vuong-lao-ly-tai-san-ceo-vietjet-thang-hang-3373581/