Đại gia Nguyệt Hường 'tháo chạy' khỏi tập đoàn Dệt may

Sau 5 năm đầu tư vào tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tập đoàn của bà Nguyệt Hường vừa chính thức rút sạch vốn tại ông lớn dệt may này.

Tập đoàn của doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường không còn là cổ đông của Vinatex.

Tập đoàn của doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường không còn là cổ đông của Vinatex.

Tin từ tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, CTCP Đầu tư Phát triển VNTEX vừa bán toàn bộ 35 triệu cổ phiếu VGT của Vinatex và không còn là cổ đông lớn của tập đoàn này.

Cụ thể, VNTEX chính thức thoái sạch vốn tại Vinatex vào ngày 30/1. Giao dịch thỏa thuận được thực hiện trong phiên giao dịch 30/1. Số lượng cổ phiếu nói trên có giá trị ước tính khoảng 385 tỷ đồng.

Hiện danh tính bên mua vẫn chưa được công bố nhưng đã xuất hiện đồn đoán cho rằng đó là doanh nghiệp đến từ Nhật Bản Itochu. Trước đó, hồi tháng 3/2018, VNTEX của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã bán ra 35 triệu cổ phiếu VGT trong tổng số 70 triệu cổ phiếu nắm giữ và bên mua là Itochu sau đó công bố đã mua thêm 50 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 15 triệu cổ phiếu lên 65 triệu, tương đương tỷ lệ 13%.

Nếu đồn đoán này là có cơ sở thì Itochu sẽ tăng sở hữu lên 20%, đứng thứ 2 sau bộ Công Thương sở hữu 53,49%, trong khi cổ đông chiến lược Vingroup chỉ sở hữu 10%.

Được biết, Itochu mong muốn việc đầu tư vào Vinatex sẽ đẩy mạnh sản xuất hàng may mặc hiệu suất cao tại Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm sang Nhật, châu Âu và Hoa Kỳ.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

VNTEX có tiền thân là tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tịch. Đơn vị này đã cùng với Vingroup đầu tư vào Vinatex trong đợt IPO vào tháng 9/2014.

Thời điểm này đã có nhiều ý kiến cho rằng, đại gia bất động sản Nguyệt Hường thực sự nhắm đến quỹ đất dồi dào của Vinatex. Bởi Vinatex được giao quản lý và sử dụng quỹ đất 490,000 m2, trong đó hơn 16% tỷ trọng tập trung tại thủ đô Hà Nội, tương đương 81,875 m2; tại TP.HCM hơn 3,742 m2 và con số tại thành phố Đà Nẵng là 26,955 m2. Ngoài ra, hơn 378,428 m2 còn lại rải rác tại các tỉnh thành trên cả nước như Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ngãi…

Thành lập năm 2006, VID Group của bà Nguyệt Hường là một tập đoàn đầu tư đa ngành quy mô lớn ở Việt Nam, bao gồm hạ tầng các khu công nghiệp và kinh doanh bất động sản. Hệ thống các khu công nghiệp rộng lớn của VID Group có thể kể đến như KCN Quang Minh, Hà Nội – Đài Tư, Đồng Văn 2, Nam Sách, Quế Võ 3,…

Bà Hường trước đó từng là đại biểu HĐND TP.Hà Nội khóa 12, 13 và đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Bà còn có thời gian giữ các chức vụ: Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP.Hà Nội; Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam.

Năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bãi nhiệm đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và bác tư cách đại biểu Quốc hội do vi phạm liên quan đến quốc tịch và kê khai tài sản.

Nói về Vinatex thì tại hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động SXKD năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 diễn ra mới đây, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc tập đoàn cho biết, xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2018 cao hơn dự kiến và ước đạt 36,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2017, nằm trong top 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Lợi nhuận công ty mẹ Vinatex ước đạt 345 tỷ đồng, bằng 113,1% kế hoạch năm 2018, tăng 35% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân người lao động đạt 7.550 nghìn đồng/người/tháng, tăng 6,3% so cùng kỳ.

Minh Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dai-gia-nguyet-huong-thao-chay-khoi-tap-doan-det-may-a421961.html