“Đại gia” PVC chây ỳ trả nợ?

Gần 3 năm nai lưng vận chuyển nội địa gói thiết bị chính của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Liên danh nhà thầu Thành Trang – Tagi không được Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thanh toán. Hi hữu, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp để xử lý việc chây ỳ của đại gia PVC.

95% khối lượng hàng được vận chuyển an toàn

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, PVC làm tổng thầu.

Ngày 8/11/2013, PVC ký kết hợp đồng kinh tế số 22 với Liên danh nhà thầu Thành Trang - Tagi (viết tắt là Cty Thành Trang). Theo đó, Cty Thành Trang thực hiện việc thông quan và vận chuyển gói thiết bị chính của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tại tỉnh Thái Bình.

Đại diện Cty Thành Trang cho biết, trong gần 3 năm, Cty Thành Trang thực hiện theo đúng các điều khoản trong hợp đồng, vận chuyển trên 95% khối lượng hàng hóa (gần 100.000 tấn) về đến tận công trình an toàn...

Hơn nữa, trên tinh thần hợp tác, nỗ lực, Cty Thành Trang đã phải dùng kinh phí riêng của mình để tạm ứng trên 30 tỷ đồng trang trải các chi phí lưu kho bãi... mà đáng lẽ PVC phải trả để đảm bảo thực hiện thông quan, vận chuyển thiết bị hàng hóa kịp tiến độ cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Gần 3 năm Cty Thành Trang cần mẫn vận chuyển hàng. Ảnh: TĐ

Tuy nhiên, đến khi Cty Thành Trang hoàn thiện hồ sơ thanh toán (từng đơn hàng) gửi nhiều lần đến PVC thì dù hồ sơ đã quá thời hạn thanh toán nhưng PVC vẫn ngó lơ, không muốn trả tiền cho Cty Thành Trang. Luật sư Hoàng Ngọc Giao, đại diện cho Cty Thành Trang cho biết: “Không những không chịu thanh toán, PVC còn tìm đến các cơ quan quản lý Nhà nước để gây áp lực lên nhà thầu nhằm né tránh nghĩa vụ thanh toán”. Điều đó gây rất nhiều khó khăn cho Cty Thành Trang.

Hiện Cty Thành Trang không còn đủ năng lực tài chính để tiếp tục tạm ứng cho PVC để thực hiện hợp đồng. PCV không những chây ỳ không chịu thanh toán cho Cty Thành Trang mà còn đơn phương vi phạm hợp đồng, mời Cty khác trực tiếp vào thực hiện vận chuyển 2 lô hàng, trong khi hai bên chưa thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng. Trước tình hình này, Cty Thành Trang chưa thể bàn giao hồ sơ của lô hàng DL0203 hiện đang nằm tại cảng cho PVC.

Cầu cứu, tạo áp lực?

Để có thể nhận được lô hàng DL0203 mà không phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng và hoàn trả khoản tiền gần 100 tỷ đồng, PVC đã “cầu cứu” Bộ Giao thông Vận tải - Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Cty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Cty Cổ phần Cảng Hải Phòng - Cty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu can thiệp buộc Cty Thành Trang sớm làm thủ tục trả lô hàng DL0203 cho PVC.

Trước câu chuyện rõ như ban ngày, các cơ quan này sau khi xem xét hồ sơ đều đã yêu cầu PVC làm việc với CTy Thành Trang để giải quyết theo pháp luật. Cục Hàng hải Việt Nam nêu: “Sau khi nhận được văn bản của Cty Dầu khí PVC, Cục Hàng hải Việt Nam có ý kiến như sau: Để giải phóng lô hàng DL0203, đề nghị Tổng Cty PVC phối hợp chặt chẽ với Cty Thành Trang để bàn giao hồ sơ, chứng từ hàng hóa có liên quan, đồng thời thanh toán các khoản phí, lệ phí theo quy định để giải phóng lô hàng được thuận tiện”.

Còn Cty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu lại có quan điểm rất rõ ràng: “Lô hàng DL0203 quý Cty (PVC) đã ủy quyền nhận lô hàng cho Cty Thành Trang đứng tên trên lệnh. Cty Thành Trang đã tiến hành làm các thủ tục để lấy hàng ra khỏi Cảng Hoàng Diệu từ ngày 29/4/2016 đến 2/5/2016 (rút được 782.216 tấn). Chốt đến thời điểm 3/5/2016, Cty Thành Trang còn nợ Cảng Hoàng Diệu số tiền là 3.839.118.470 đồng cho nên Cảng Hoàng Diệu đã tạm dừng giao số lượng hàng còn lại 262 tấn”; “Quý Cty đã ủy quyền cho Thành Trang, các chứng từ đều đứng tên Thành Trang, cho nên Cảng Hoàng Diệu không thể giao nốt số lượng hàng thiết bị còn lại 262 tấn cho quý Cty khi các chứng từ và lệnh giao hàng đứng tên Cty Thành Trang”.

Trong khi đó, rất nhiều lần Cty Thành Trang đề nghị PVC trả tiền để Thành Trang có tiền trả cho Cảng Hoàng Diệu nhưng Cty Dầu khí PVC vẫn... phớt lờ.

Cuộc làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Ảnh: TĐ

Tiếp đó, PVC tiếp tục báo cáo tỉnh Thái Bình mong chờ UBND tỉnh “tạo sức ép bằng mệnh lệnh hành chính” với Cty Thành Trang về lô hàng DL0203. Tại cuộc họp có đại diện các bên liên quan, ông Nguyễn Hồng Diên – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nói: "Vụ việc giải quyết ngay trên cơ sở tuân thủ các quy định hợp đồng và pháp luật hiện hành. Trước mắt PVC phải trả ngay các khoản thanh toán theo hợp đồng và giải tỏa bảo lãnh ngân hàng của Liên danh Thành Trang liên quan đến thực hiện hợp đồng. Những nội dung tranh chấp đã không giải quyết được, hai bên thống nhất đưa ra Tòa án nhân dân để giải quyết”.

Có lẽ, cái lôgic ai cũng có thể nhận ra là, về pháp lý, Cty Thành Trang không có nghĩa vụ và trách nhiệm ràng buộc dưới sự điều chỉnh và phán quyết hành chính của UBND tỉnh Thái Bình. Bởi lẽ Tổng Giám đốc Cty Thành Trang (và cả PVC) trước nhất cần tuân thủ các điều khoản hợp đồng kinh tế số 22. Mọi tranh chấp nếu có sẽ được đưa ra Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sự cầu thị, nghiêm túc và cả khẩn thiết của đại diện Cty Thành Trang trong cuộc làm việc này đã gián tiếp cho thấy cách hành xử không đúng luật, lại càng không đẹp của “đại gia” PVC.

Tổng Giám đốc Cty Thành Trang - ông Nguyễn Đức Dũng chua xót nói: “Tôi chỉ là một ông lái xe ba gác, nai lưng ra mấy năm trời chỉ đơn giản “cõng” hàng cho PVC để lấy tiền công... mà không lấy được tiền! Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với sự thật, thực hiện nghiêm túc pháp luật. Và chúng tôi sẽ khởi kiện vụ việc này ra tòa án kinh tế”.

Trọng Đức

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/dai-gia-pvc-chay-y-tra-no_t114c39n114354