Đại gia Việt chơi ngông, dát vàng bể cảnh: Sự thật khác

Cây sanh Đại thế vân tùng triển lãm tại huyện Hải Hậu được phát giá 10 tỷ đồng nhưng chủ nhân trước tiết lộ bán cây với giá chỉ vài trăm triệu.

Triển lãm sinh vật cảnh huyện Hải Hậu - Nam Định đang khiến mọi người trao đao khi xuất hiện cây xanh có dáng "Đại thế vân tùng" được chủ nhân là một người ở Q.12, TP. HCM cho biết mua với giá 10 tỷ đồng mấy năm về trước.

Để thêm phần sang trọng, đại gia này còn bỏ ra 5 cây vàng dát vào bể cảnh làm tôn thêm vẻ nổi bật của cây. Khi trưng bày tại triển lãm, cây sanh này được trải thảm đỏ, căng dây bảo vệ và Ban tổ chức phải cắt cử người trông coi ngày đêm.

Theo tìm hiểu, cây sanh này đã trải qua 5 đời chủ. Nguồn gốc của cây bắt đầu từ Phú Thượng (Hà Nội), được một người ở Nam Điền (Nam Trực, Nam Định) bán cho anh Nguyễn Văn Oai (Thái Bình).

Cây sanh Đại thế vân tùng triển lãm tại Hải Hậu - Nam Định.

Anh Cao Văn Phú (đại gia Q.12, TP. HCM) mua lại với giá gần 10 tỷ, sau đó cho dát 5 cây vàng trị giá 185 triệu vào chậu. Cây cao 3,8m, rộng 2,7m, có tuổi đời trên 60 năm.

Tuy nhiên, ngày 31/8/2018, trao đổi với Đất Việt, anh Nguyễn Văn Oai cho biết: "Tôi bán cây này chỉ vài trăm triệu thôi chứ không lên tới chục tỷ như người ta đồn thổi".

Ngoài ra, anh Oai còn khẳng định, chính mình là người dát vàng lên chậu cây cảnh chứ không phải anh Phú.

"Cây có vài trăm mà bỏ ra vài trăm triệu dát vàng bể cảnh thì khó nghe quá" - anh Oai nói.

Nói về cây "Đại thế vân tùng" với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Thống - Trưởng ban Nghệ nhân huyện Hải Hậu, thành viên Ban tổ chức triển lãm lại khẳng định: "Đây là 1 trong 3 cây sanh đẹp nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại".

Sau nhiều ngày triển lãm tại hội trợ, đã có người đến trả giá 13 tỷ đồng và đòi đưa cây đi ngay nhưng ông Thống và các thành viên khác trong ban tổ chức không đồng ý.

"Vị này đặt cọc 2 triệu cho cây sanh Đại thế vân tùng, hẹn sau khi hết triển lãm sẽ đưa cây đi và trả nốt tiền" - ông Thông cho biết.

Việc dát vàng bẻ cảnh của chủ nhân Đại thế vân tùng đang gặp nhiều ý kiến dư luận.

Nói về việc dát vàng bể cảnh, ông Thông cho biết, chủ nhân cây "Đại thế vân tùng" muốn tăng thêm phần sang trọng, nổi bật, giá trị của cây nên mới làm thế.

Tuy nhiên, vị nghệ nhân này cũng thừa nhận, việc dát vàng trên bể cảnh thực ra chỉ là "cách chơi của mỗi người" chứ không được bền.

"Chậu cảnh bằng bê tông, thường để dưới trời mưa nắng nên việc dát vàng dễ bị bào mòn, bong tróc. Đúng ra thì nên dát đồng sẽ bền và đẹp hơn. Hiện nay ít có ai chịu chơi, bỏ vàng dát vào bể cảnh như anh Phú. Nhưng thú chơi thì tùy sở thích mỗi người..." - ông Thông cho biết.

Trao đổi thêm với Đất Việt về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Hùng - một thợ dát vàng lâu năm ở làng nghề Kiêu Kỵ (Hà Nội) chia sẻ: "Thực ra việc dát vàng không tốn như mọi người vẫn nghĩ. Với nghệ nhân dát vàng thì người thuê yêu cầu như thế nào thì sẽ đáp ứng được như thế đó".

Nhìn vào bể cảnh cây Đại thế vân tùng, anh Hùng cho rằng: "Nước dát cũng chưa được nhẵn, điều đó chứng tỏ người dát chưa phải là một thợ điêu luyện. Các chỗ dát vàng cũng mỏng, không hẳn lên tới 5 lượng vàng. Tôi có thể chỉ dùng 1 lượng vàng cũng có thể dát được như thế này".

Vân Du

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/dai-gia-viet-choi-ngong-dat-vang-be-canh-su-that-khac-3364707/