Đại học Đà Nẵng tăng chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2017

Năm 2017, Đại học Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh trình độ đại học là 12.642 chỉ tiêu, tăng 1.522 chỉ tiêu so với năm 2016.

Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng cho thí sinh tại Trường Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Tuy nhiên, ở trình độ cao đẳng, chỉ tiêu năm nay của đại học Đà Nẵng là 2.250, giảm 900 chỉ tiêu so với năm 2016.

Đại học Đà Nẵng vừa quyết định thành lập mới hai khoa đào tạo trình độ đại học là Khoa Công nghệ và Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông, dự kiến sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2017. Như vậy, cơ hội cho thí sinh trúng tuyển vào Đại học Đà Nẵng sẽ rộng mở hơn những năm trước.

Năm nay, Đại học Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo các trường và các ban chức năng chú trọng đẩy mạnh các hoạt động quảng bá tuyển sinh bằng các hình thức phong phú, mang tính thực chất như: tổ chức các đoàn tư vấn tuyển sinh đến các tỉnh, thành ở miền Trung và Tây Nguyên.

Tổ chức ngày hội tuyển sinh, ngày hội mở - tư vấn tuyển sinh qua trang web và mạng xã hội, tham gia các sự kiện tuyển sinh,... Thông tin tuyển sinh sẽ được cập nhật thường xuyên; các thắc mắc của thí sinh đảm bảo được giải đáp nhanh chóng.

Về những đổi mới trong Quy chế tuyển sinh 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh , Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, để hạn chế tối đa tình trạng trúng tuyển ảo khi không giới hạn nguyện vọng đăng ký của thí sinh, Bộ đã đưa ra giải pháp kỹ thuật bằng cách xét tuyển có điều chỉnh.

Theo đó, các trường sẽ xét tuyển lần 1 và cập nhật kết quả lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó phần mềm xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo loại ảo và trả kết quả về các trường để xét tuyển chính thức.

Giải pháp kỹ thuật này sẽ có hiệu quả cao nếu các trường thực hiện nghiêm việc gửi, nhận dữ liệu theo các mốc thời gian quy định; đồng thời việc xét tuyển phải thực hiện lặp lại nhiều lần giữa trường và phần mềm xét tuyển chung. Việc chạy phần mềm chung để đưa ra kết quả cuối cùng sẽ được thực hiện tốt nhất nếu có liên lạc chung trực tuyến của tất cả các trường trong quá trình xử lý lặp lại chương trình xét tuyển.

Đối với thí sinh, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh, quy chế tuyển sinh năm nay mang lại một số điểm thuận lợi như: Thí sinh không bị giới hạn số trường đăng ký xét tuyển, số ngành trong từng trường nên có thể đăng ký cùng một ngành ở nhiều trường khác nhau, nhiều cơ hội để đạt được nguyện vọng về ngành nghề hoặc ngôi trường mình yêu thích.

Thí sinh đăng ký tuyển sinh lúc đăng ký dự thi trung học phổ thông và được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi trung học phổ thông. Đây là thay đổi có nhiều thuận lợi cho thí sinh.

Thí sinh có nhiều thời gian để suy nghĩ, lựa chọn và điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã biết kết quả thi trung học phổ thông. Đối với các trường, điều chỉnh này cũng giúp giảm áp lực trong việc phải xử lý một lượng lớn hồ sơ đăng ký xét tuyển trong một thời gian ngắn như 2 năm vừa qua.

Quy định điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1 sẽ loại bỏ được tình trạng thí sinh điểm thấp trúng tuyển, trong khi thí sinh điểm cao không được vào học. Do đó, thí sinh sẽ có tâm lý yên tâm hơn khi đã được có tên trong danh sách trúng tuyển đợt 1 để xác định nhập học.

Ngoài việc tạo sự công bằng giữa các thí sinh, quy định này sẽ góp phần hạn chế tình trạng trúng tuyển ảo của năm 2016.

Cao Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/dai-hoc-da-nang-tang-chi-tieu-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2017-20170210155251777.htm