Đại học Nhật bị tố sửa điểm thi để hạn chế thí sinh nữ trúng tuyển

Đại học Y Tokyo bị tố thay đổi điểm thi của các ứng viên nữ nhằm hạn chế lượng nữ giới trúng tuyển. Lý do đưa ra là phụ nữ thường bỏ nghề sớm hơn nam giới.

Theo nhật báo Yomiuri ngày 2/8, hành vi thao túng điểm thi bị tố giác trong vụ bê bối liên quan đến cáo buộc Đại học Y Tokyo nhận con trai của một quan chức Bộ Giáo dục vào trường trái quy định.

Dẫn nguồn tin giấu tên, Yomiuri cho hay Đại học Y Tokyo bắt đầu hạ điểm thi của thí sinh nữ từ năm 2011, do kết quả năm 2010 cho thấy số lượng thí sinh nữ trúng tuyển tăng gấp đôi so với năm trước đó, đạt khoảng 40%. Trường này sau đó cố duy trì số lượng sinh viên nữ ở 30% với lý do “phụ nữ thường bỏ nghề khi họ kết hôn và có con”, nguồn tin của Yomiuri cho biết.

Tờ báo cho hay ban tuyển sinh hạ điểm của tất cả thí sinh nữ theo một hệ số cố định. Theo NHK, điểm của thí sinh nữ có những năm bị giảm 10%.

Cổng vào Đại học Y Tokyo ngày 2/8. Ảnh: Kyodo News.

Năm 2018, tỷ lệ nữ sinh vượt qua vòng thi đầu là 14,5%, con số tương ứng với nam giới là 18,9%. Tuy nhiên, đến vòng hai và vòng thi cuối, chỉ 2,9% ứng viên nữ trúng tuyển, trong khi tỷ lệ nam giới được tuyển là 8,8%.

Phòng quan hệ đối ngoại của trường này cho biết trường bất ngờ về thông tin từ Yomiuri, khẳng định không biết về hành vi thay đổi điểm thi và hứa sẽ điều tra vụ việc.

Theo Bộ trưởng Giáo dục Yoshimasa Hayashi, bộ sẽ có quyết định sau khi nhận được kết quả điều tra. “Những kỳ thi đầu vào phân biệt đối xử với nữ giới là hoàn toàn không thể chấp nhận”, ông khẳng định.

Tỷ lệ bác sĩ nữ tại Nhật Bản duy trì quanh mức 30% trong hơn 20 năm qua. Ảnh: Reuters.

Phụ nữ Nhật nói chung có trình độ học vấn cao. Tuy nhiên, giờ làm việc dài, khắt khe tại nước này khiến nhiều người buộc phải bỏ việc sau khi lập gia đình.

Năm nay, Bộ Lao động Nhật Bản kêu gọi các cơ sở y khoa tạo điều kiện cho bác sĩ nữ quay trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản, giúp họ cân bằng công việc với trách nhiệm gia đình. Hồi tháng 6, Quốc hội Nhật Bản thông qua đạo luật cải cách phương thức làm việc nhằm giải quyết vấn nạn tử vong do làm việc quá sức.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng đang nỗ lực hướng đến nền kinh tế phụ nữ (womenomics) nhằm thúc đẩy phụ nữ đi làm và giữ các chức vụ cao. Tuy nhiên, tiến độ của chính sách này còn chậm chạp.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dai-hoc-nhat-bi-to-sua-diem-thi-de-han-che-thi-sinh-nu-trung-tuyen-post865679.html