Đại học sĩ Đỗ Nhuận và những dấu ấn tại Văn Miếu

Sáng 12/11, nhân kỷ niệm 553 năm ngày đại đăng khoa (1466-2019) của Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học 'Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận – Con người và sự nghiệp' nhằm đánh giá, tôn vinh danh nhân Đỗ Nhuận đã được ghi danh trên bảng vàng, bia đá và khẳng định những đóng góp của ông đối với quê hương, đất nước.

Theo sử ghi chép, Tiến sĩ Đỗ Nhuận (sinh năm 1446, không rõ năm mất) là người xã Kim Hoa, huyện Kim Hoa, thừa tuyên Kinh Bắc – nay thuộc thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Hà Nội. Năm Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ bảy (1466), ông thi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Sự nghiệp của Đỗ Nhuận được ghi lại trong khá nhiều tư liệu lịch sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử cương mục tiết yếu, văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Hội thảo khoa học "Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận con người và sự nghiệp"

Hội thảo khoa học "Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận con người và sự nghiệp"

Tiến sĩ Đỗ Nhuận đã để lại nhiều dấu ấn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Năm Tân Mão (1471), ông được nhậm chức Đông các Hiệu thư. Ông cũng từng giữ chức Độc quyển của các khoa thi 1475, 1481, 1487, 1493 và làm quan chủ yếu dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497).

Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ tại Văn Miếu. Nhà vua đã giao cho Tiến sĩ Đỗ Nhuận cùng các quan đồng triều như Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Đào Cử… chia nhau soạn văn bia tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 đến khoa thi năm 1481. Tiến sĩ Đỗ Nhuận đã được giao viết bài văn bia khoa thi năm 1448.

Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận được ghi danh trên 05 tấm bia Tiến sĩ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám của các khoa thi năm Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448), năm Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), năm Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), năm Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) và năm Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487). Trên quê hương Bạch Đa, xã Kim Hoa, hậu duệ của Tiến sĩ Đỗ Nhuận đã chung tay tôn tạo phần mộ của Tiến sĩ khang trang vào năm 2006. Đỗ Nhuận còn được nhân dân phối thờ tại đền Bạch Đa. Tập quán thờ Tiến sĩ Đỗ Nhuận của dòng họ Đỗ ở thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa vào 28 tháng 2 âm lịch hàng năm đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội.

Tài năng văn chương của Đỗ Nhuận được vua yêu mến, nhiều sáng tác của ông có trong tác phẩm tiêu biểu của Hội Tao đàn. Đánh giá về ông, nhà sử học Phan Huy Chú xếp ông là một trong mười tám người phò tá có công lao, tài đức thời Lê sơ; nhóm sử quan biên soạn Đại Nam nhất thống chí ghi nhận ông là một trong những nhân vật tiêu biểu dưới thời Lê của tỉnh Bắc Ninh xưa.

Sự nghiệp của Tiến sĩ Đỗ Nhuận được ghi lại trong khá nhiều tư liệu lịch sử, như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử cương mục tiết yếu, trên văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Tài năng văn chương của Tiến sĩ Đỗ Nhuận được vua yêu mến. Nhiều sáng tác của ông ở trong số các tác phẩm tiêu biểu của Hội Tao đàn, do vua Lê Thánh Tông lập ra và đồng thời là “chủ soái”. Một số trước tác của Đỗ Nhuận còn được chép trong Anh hoa hiếu trị thi tập, Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú, Toàn Việt thi lục… Ngoài ra, ông là đồng biên soạn các sách “Thiên Nam dư hạ tập” và “Thân chinh ký sự”.

Tháng 11 năm Ất Mão (1495), vua Lê Thánh Tông lập Hội Tao Đàn, quy tụ các nhà thơ, nhà văn giỏi nhất đất nước gồm có 28 người ứng với 28 vì sao trên trời gọi là Tao Đàn nhị thập bát tú. Lê Thánh Tông làm Nguyên Súy, Đỗ Nhuận cùng tiến sĩ Thân Nhân Trung được cử làm Phó Nguyên Súy, Trạng nguyên Lương Thế Vinh làm Sái Phu Tao Đàn.

Là Phó Nguyên Súy, Đỗ Nhuận giúp vua điều hành các buổi ngâm vịnh và soạn một loạt sách về văn học và sử học để lại cho hậu thế. Điển hình là cuốn Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca (Chín ca khúc vườn Quỳnh), Hiệu trị anh hoa tập… Đến nay, còn lưu giữ được 12 bài thơ “cận thể” của ông chép trong sách Toàn viện thi lục của Bảng nhãn Lê Quý Đôn, trong đó có 8 bài “họa vần” trong tập “Cửu ca”.

Thượng thư Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận đã góp phần làm rạng danh cho mảnh đất Kim Hoa nói riêng và Mê Linh nói chung. Ông được nhân dân tưởng nhớ, tri ân tại đền Bạch Đa trên quê hương Kim Hoa và nhiều nơi khác ở Hà Nội và Hải Dương.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dai-hoc-si-do-nhuan-va-nhung-dau-an-tai-van-mieu-99528.html