Đại học sư phạm Hà Nội áp dụng 5 phương thức tuyển sinh, lấy 4,4 nghìn chỉ tiêu

Năm 2024 Trường Đại học sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 4.400 sinh viên bằng 5 phương thức.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa chính thức công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, nhà trường vẫn dành nhiều cơ hội cho thí sinh xét tuyển bằng học bạ.

Cụ thể, năm 2024 Trường Đại học sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 4.400 sinh viên bằng 5 phương thức.

Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh 4.400 chỉ tiêu (ảnh nguồn internet).

Phương thức 1 (PT1) là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức này cần đạt hạnh kiểm khá ở 3 năm THPT trở lên.

Phương thức 2 (PT2) là xét tuyển thẳng, áp dụng với thí sinh có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trong cả 3 năm, đồng thời đáp ứng một trong các điều kiện:

Từng thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia; học sinh trường chuyên hoặc trường THPT thuộc Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh;

Đoạt giải Nhất, Nhì, Ba thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL iBT, TOEIC (tiếng Anh); DELF, TCF (tiếng Pháp); HSK, HSKK (tiếng Trung Quốc); chứng chỉ tin học quốc tế MOS.

Phương thức 3 (PT3) là xét học bạ THPT theo các môn trong tổ hợp xét tuyển ở mỗi ngành. Đối với các ngành đào tạo giáo viên, thí sinh phải có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi ở tất cả kỳ học, riêng ngành Sư phạm Công nghệ chỉ cần lớp 12 học lực giỏi.

Đối với các ngành ngoài sư phạm, tiêu chuẩn là học lực và hạnh kiểm khá. Phương thức 4 (PT4) là xét tuyển kết hợp điểm thi năng khiếu với điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp hoặc thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do trường tổ chức.

Phương thức này áp dụng với thí sinh thi vào ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục mầm non và Giáo dục mầm non - Sư phạm Tiếng Anh. Điều kiện chung là thí sinh có hạnh kiểm các kỳ đạt khá trở lên.

Phương thức cuối cùng (PT5) là dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do Trường Đại học sư phạm Hà Nội hoặc Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức, kết hợp với học bạ hoặc điểm thi năng khiếu (với ngành Giáo dục mầm non hoặc Giáo dục mầm non - Sư phạm tiếng Anh).

Thí sinh được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng xét tuyển theo PT5; có thể đăng ký 2 tổ hợp khác nhau để xét tuyển vào cùng một ngành đào tạo, nếu có.

Liên quan đến kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, nhà trường thông tin cụ thể như sau: Các môn thi đánh giá năng lực gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Trong đó, Ngữ văn có 30% câu hỏi dạng trắc nghiệm và 70% tự luận, môn Tiếng Anh có tỷ lệ câu hỏi trắc nghiệm tự luận là 80 - 20, các môn còn lại là 70 - 30%. Theo GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội, phần tự luận nhằm giúp nhà trường đánh giá được khả năng diễn đạt cho người khác hiểu của thí sinh. Đây là tố chất giáo viên cần có.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường đại học sư phạm diễn ra vào 1 ngày (11/5/2024) theo các ca thi khác nhau tại 3 địa điểm: Trường đại học sư phạm Hà Nội, Trường đại học Quy Nhơn và Trường đại học sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Cùng với đó, nhà trường cũng tổ chức thi các môn năng khiếu đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mầm non - Sư phạm Tiếng Anh.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-hoc-su-pham-ha-noi-ap-dung-5-phuong-thuc-tuyen-sinh-lay-44-nghin-chi-tieu-post282862.html