Đại học Thủy lợi 'mắc kẹt' ở Phố Hiến

Việc đưa 3.000 sinh viên xuống Cơ sở Phố Hiến (Tiên Lữ, Hưng Yên) học thử 1 kỳ năm học 2016 - 2017 cho ra 1 kết quả nhãn tiền, tác động ngay đến công tác tuyển sinh của Đại học Thủy lợi: Các em sinh viên sử dụng mạng xã hội chia sẻ về việc phải học ở Hưng Yên cùng các bình luận tiêu cực.

Cảnh vắng lặng tại Trường Đại học Thủy lợi - Cơ sở Phố Hiến.

Năm học 2017 -2018, lần đầu tiên, việc tuyển sinh của trường tụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 70% chỉ tiêu - là kết quả “sơ bộ” của bi kịch từ khoản vay nghìn tỉ đồng xây trường rồi… ế.

Gần 10 năm lập quy hoạch và trình duyệt dự án; thêm nhiều năm nữa để huy động cả nghìn tỉ đồng (trong đó phần lớn là tiền vay từ nước ngoài) thực hiện, song đổi lại, cả khối trường đồ sộ tại Phố Hiến (Tiên Lữ, Hưng Yên), giờ quạnh vắng như chùa bà Đanh. Lãnh đạo Đại học Thủy lợi thừa nhận, sự ảm đạm này sẽ còn tiếp diễn thêm nhiều năm nữa.

Khu kí túc xá khang trang của trường cũng chịu chung cảnh đìu hiu.

Chỉ 400/15.000 sinh viên theo học

Từ trụ sở chính Trường Đại học Thủy lợi (phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) có nhiều cách để đến Cơ sở Phố Hiến (Tiên Lữ, Hưng Yên), nhưng nhanh nhất và gần nhất là theo cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, đến nút giao Vực Vòng (Hà Nam) thì rẽ phải vào QL 38B, đi đến cầu Yên Lệnh, qua TP.Hưng Yên tầm 10 km là sẽ thấy cụm trường này sừng sững ở ven đường, rộng bạt ngàn. Mặc dù đã là quãng đường tối ưu nhất, nhưng trên thực tế vẫn dài gần 70km và nhóm PV Báo Lao Động cần hơn 1 giờ rưỡi chạy xe, đồng thời tiêu tốn gần 100 nghìn chỉ tính riêng phí cầu đường để qua lại giữa 2 địa chỉ.

Nằm ở ven lộ, nhưng trái với cảnh nhộn nhịp, ngược xuôi phía ngoài, sau cánh cổng sắt nặng nề đã có chỗ hoen rỉ, lại là cảnh ảm đạm đã xảy ra từ nhiều năm nay. Trường Đại học Thủy lợi Cơ sở Phố Hiến tọa lạc trên 1 diện tích rộng lớn gồm nhiều tòa nhà cao tầng rất bề thế.

Trong đó, khu giảng đường hiện đại gồm 2 dãy nhà chạy dài quay mặt ra hồ nước lớn kè đá hình chữ nhật; khu kí túc xá (KTX) gồm 3 tòa nhà màu ghi nhạt nằm tách biệt ở 1 góc cùng hệ thống dụng cụ thể dục - thể thao; hệ thống hạ tầng cơ bản đã hoàn chỉnh với đường nội bộ rộng rãi, đồng bộ cùng hệ thống chiếu sáng, hệ thống hồ nước, tiểu cảnh…

Toàn trường rất rộng và to đẹp nhưng vắng ngắt.

Thế nhưng, chẳng cần “tinh tế” cũng có thể nhận thấy thực tế rất buồn đang diễn ra tại nơi đây, nhiều vật dụng đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hằn vết thời gian. Cả khu trường lặng ngắt như tờ, cỏ dại mọc um tùm khắp nơi, tua tủa trổ ra cả từ những khe gạch lát vỉa hè; hồ nước bị bèo lục bình phủ kín… Thi thoảng lắm mới gặp được 1 bóng người thì lại chỉ là những công nhân được thuê đến để lau dọn, cắt cỏ.

Tiến vào khu vực giảng đường. Quả thực, đó chính xác là những gì các thế hệ sinh viên đều mong muốn: Hành lang lớp học rộng thênh thang, phòng học to đẹp, hiện đại, có điều hòa và máy chiếu. Nhà vệ sinh sạch sẽ, chia ngăn và có hệ thống xả tự động… Vậy nhưng, cũng giống như tình cảnh chung của toàn trường, phần lớn các phòng học đều đã bụi phủ mờ, không thấy có dấu hiệu đã được sử dụng, dù chỉ 1 lần…

Tổ trưởng Tổ Bảo vệ trường đã nhiều tuổi và rất hiếu khách, vồn vã chia sẻ với chúng tôi về những gì đang diễn ra tại “cơ sở nghìn tỉ” của trường đại học danh tiếng này: Dù có thể đáp ứng việc dạy và học cho gần 15.000 sinh viên, nhưng tại thời điểm tháng 5.2018, cả trường chỉ có khoảng… 400 sinh viên đang theo học và ăn ở luôn trong hệ thống KTX. Đã thế, cả 400 sinh viên này cũng không phải đến để học văn hóa, mà là học một số chương trình ngoại khóa, chỉ lưu lại một vài tuần rồi lại về trụ sở chính ở Hà Nội…

Trò chuyện với một số sinh viên đang tập trung tại khu vực KTX, được biết, các em đều là sinh viên khóa 59 của trường. Tâm lý chung của các em trong thời gian học tập tại Cơ sở Phố Hiến là “buồn”, “muốn được sớm về Hà Nội” nhưng “trường phân thì phải nghe chứ không biết làm sao”…

Thậm chí, có em còn chia sẻ, học ngoại khóa thì còn được, nếu trường bắt học chính cả năm tại đây thì các em “thà nghỉ học còn hơn”. Bởi, cả khu vực hiện chỉ có duy nhất ngôi trường đại học này, mọi dịch vụ đi kèm đều không có hoặc rất kém trong khi đó, mặt bằng dân trí chưa cao. “Nếu học ở đây, chắc chắn bọn em sẽ tụt hậu so với các bạn học tại Hà Nội. Cơ hội làm thêm để trang trải cuộc sống cũng không có. Không được va chạm, cọ sát, ra trường bọn em làm sao có thể cạnh tranh được việc làm?” - một sinh viên nữ đề nghị giấu tên tâm sự.

Bàn học phủ mờ bụi bẩn.

Bối rối tìm giải pháp

Tại buổi làm việc với PV Báo Lao Động, GS.TS Trần Viết Ổn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy Lợi - thừa nhận những khó khăn nhà trường đang mắc kẹt tại Cơ sở Phố Hiến. Ông Ổn cung cấp các tài liệu chứng minh chủ trương xây dựng Cơ sở Phố Hiến là hoàn toàn đúng quy trình, là cần thiết và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, năm 2005, Hiệu trưởng thời đó là GS.TS Đào Xuân Học đã khởi động xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủy Lợi giai đoạn 2006 - 2020 với sự hỗ trợ kinh phí từ dự án DANIDA, sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế. Chiến lược này sau đó được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NNPTNT) phê duyệt. Kinh phí thực hiện dự án từ nhiều nguồn, trong đó có vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Cùng năm, Trường ĐH Thủy lợi có văn bản gửi tỉnh Hà Tây (cũ) xin cấp đất tại huyện Chương Mỹ. Năm 2008, Bộ NNPTNT phê duyệt dự án đầu tư (lần 1) là 914,75 tỉ đồng, trong đó vốn vay ADB là 622,5 tỉ đồng. Năm 2010, dự án được Bộ NNPTNT điều chỉnh tăng lên thành 1.664,65 tỉ đồng, trong đó vốn vay ADB là 1.063 tỉ đồng và vẫn đặt tại Chương Mỹ.

Vậy nhưng, theo lời vị Phó hiệu trưởng nhà trường, do không thể đáp ứng được kinh phí để giải phóng mặt bằng tại Chương Mỹ (lúc này đã nhập về Hà Nội), nên sau khi đưa ra một vài giải pháp để lựa chọn, Bộ NNPTNT đã xin chính phủ cho chuyển trường về tận… Hưng Yên. Theo lý giải, là phù hợp với tầm nhìn về 1 khu gồm nhiều trường đặt tại huyện Tiên Lữ, gọi là Khu Đại học Phố Hiến.

Trên cơ sở đó, ngày 17.7.2012, Bộ NNPTNT chính thức phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư mở rộng trường ĐH Thủy Lợi về Khu ĐH Phố Hiến tỉnh Hưng Yên. Trong đó đầu tư giai đoạn 1 với điện tích 56,35 ha. Tổng mức đầu tư là 1.421,54 tỉ đồng. Nguồn vốn bao gồm: Vốn vay ADB là 1.238,4 tỉ đồng (59,5 triệu USD); vốn trong nước là 183 tỉ đồng.

Sau khi hoàn thành các gói thầu và đưa vào sử dụng hồi cuối năm 2016, nhà trường đã trình Bộ NNPTNT phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Theo đó, lúc này tổng mức đầu tư giảm xuống còn 1.137,35 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ADB là 986,103 tỉ đồng; vốn trong nước là 151,23 tỉ đồng; vốn NSNN là 142,61 tỉ đồng và nhà trường chỉ có vỏn vẹn 8,63 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, trường cơ bản đã quyết toán hết cho các nhà thầu.

Về hiệu quả hoạt động của Cơ sở Phố Hiến, theo lời ông Ổn, cả ông cũng như ban giám hiệu đều không lường được mọi việc lại diễn biến theo chiều hướng xấu như vậy. Ông giải thích, theo quy hoạch, Khu Đại học Phố Hiến sẽ có rất nhiều trường cùng chuyển về, đi từ Hà Nội chưa mất đến 1 giờ đồng hồ, nhưng trên thực tế mọi việc lại khác quá nhiều. Hiện cả khu này chỉ có duy nhất 1 trường, chính là Cơ sở Phố Hiến.

Hành lang lớp học rộng rãi nhưng từ lâu không có người qua lại.

“Năm ngoái (khóa 58), nhà trường đã cho 3.000 sinh viên xuống đó học thử 1 kỳ, nhưng hậu quả đã tác động ngay đến công tác tuyển sinh của trường. Các em sinh viên sử dụng mạng xã hội chia sẻ về việc phải học ở Hưng Yên cùng các bình luận tiêu cực. Khiến cho năm học vừa rồi, lần đầu tiên, việc tuyển dụng của nhà trường bị tụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 70% chỉ tiêu. Chúng tôi lập tức phải rút các em trở lại Hà Nội” - vị GS.TS nói.

Ông Trần Viết Ổn cũng cho biết, tâm lý chung của sinh viên là đều muốn học tại nơi phố xá, có nhiều dịch vụ tiện ích. Trong khi đó, sinh viên của trường lại có xu hướng đi làm thêm, do đó, việc thuyết phục các em về Hưng Yên hiện vẫn đang là bài toán quá khó mà nhà trường chưa thể tìm được giải pháp hiệu quả.

Theo lời vị lãnh đạo, trước mắt, nhà trường vẫn sẽ bố trí sinh viên xuống Phố Hiến học các lớp ngoại khóa như Quốc Phòng, An ninh. Đồng thời sẽ tăng cường liên kết giáo dục, cho thuê cơ sở vật chất, tuyển sinh riêng sinh viên cho Cơ Sở Phố Hiến với đầu vào ưu đãi và nhiều đãi ngộ trong quá tình học tập…

Ông này cũng nhận định, với những gì thực tế đã xảy ra, việc khai thác cơ sở Phố Hiến chắc chắn chưa đạt hiệu quả, nhưng cũng nói, có thể từ 5 đến 7 năm nữa, khi các em đã quen dần thì mọi việc sẽ có thể tiến triển tốt hơn...

LONG NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/dai-hoc-thuy-loi-mac-ket-o-pho-hien-608173.ldo