Đại hội đồng LHQ bắt đầu tuần họp giữa bối cảnh thế giới căng thẳng vì xung đột và khủng hoảng

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bước vào tuần làm việc quan trọng trong bối cảnh thế giới căng thẳng vì xung đột và khủng hoảng.

Từ ngày 20-9 đến ngày 26-9, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra kỳ họp khóa 77, bước vào Tuần lễ cấp cao với các phiên họp quan trọng trong bối cảnh thế giới đang căng thẳng với xung đột và khủng hoảng.

Kỳ họp được tổ chức tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ). Đây là kỳ họp đánh dấu sự gặp mặt trực tiếp của các nhà lãnh đạo sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch.

Kỳ họp có sự tham gia của đại diện tất cả các quốc gia thành viên của LHQ.

Rất nhiều vấn đề được bàn

Mỗi phiên họp trong kỳ họp thảo luận về các chủ đề do các quốc gia thành viên hoặc các cơ quan khác của LHQ đề xuất.

Cuộc chiến ở Ukraine, biến đổi khí hậu và giải trừ vũ khí hạt nhân có khả năng chi phối các bài phát biểu và thảo luận trong kỳ họp thường niên lần này.

Nhiều vấn đề phủ bóng kỳ họp lần này của Đại hội đồng LHQ như xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài gần 7 tháng, cuộc tranh chấp hàng thập niên giữa Israel và Palestine. Ngoài ra kỳ họp sẽ còn bàn những vấn đề khác như: biến đổi khí hậu, giá nhiên liệu tăng vọt, thiếu lương thực, bất bình đẳng kinh tế, di cư, thông tin sai lệch, phân biệt đối xử, sức khỏe cộng đồng,...

Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp ngày 20-9, Tổng thư ký LHQ - ông Antonio Guterres nhận xét rằng “chúng ta đang mắc kẹt trong tình trạng rối loạn chức năng toàn cầu”, “thế giới của chúng ta đang lâm vào tình trạng nguy hiểm - và tê liệt”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - ông Antonio Guterres phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 77 ở trụ sở Liên Hợp Quốc, thành phố New York (Mỹ) ngày 20-9. Ảnh: AP

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - ông Antonio Guterres phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 77 ở trụ sở Liên Hợp Quốc, thành phố New York (Mỹ) ngày 20-9. Ảnh: AP

Sự chia rẽ địa chính trị

Ông Guterres đã lưu ý rằng sự chia rẽ địa chính trị đang làm xói mòn hoạt động của Hội đồng Bảo an LHQ và luật pháp quốc tế, cũng như xói mòn lòng tin của người dân vào các thể chế và các hình thức hợp tác quốc tế.

Theo Tổng thư ký LHQ, “những căng thẳng địa chính trị và sự thiếu tin tưởng đã phá hủy mọi lĩnh vực hợp tác toàn cầu”, và sự bất bình đẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

Quan điểm khác nhau giữa các quốc gia về sự cân bằng giữa hợp tác quốc tế và lợi ích của nước mình đặt ra câu hỏi về việc liệu có cần thiết lập một “trật tự quốc tế” mới hay không.

Tổng thống Senegal - ông Macky Sall nói rằng ông “muốn một chủ nghĩa đa phương cởi mở và tôn trọng sự khác biệt của chúng tôi”. Ông nói thêm rằng LHQ chỉ có thể giành được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia “trên cơ sở lý tưởng chung, chứ không phải các giá trị địa phương được xây dựng như các chuẩn mực chung”.

Gần 150 đại diện quốc gia đã đăng ký phát biểu trong “Cuộc tranh luận chung” kéo dài gần một tuần. Con số cao minh chứng cho sự khác biệt của các thành viên LHQ.

Xung đột Nga - Ukraine phủ bóng

Xung đột Nga - Ukraine đứng đầu trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia.

Cuộc xung đột này đã trở thành cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai và đã mở ra sự rạn nứt giữa các cường quốc theo cách chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Xung đột làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.

Trong khi đó, việc mất nguồn cung ngũ cốc và phân bón quan trọng từ Ukraine và Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Lạm phát cũng như sinh hoạt phí tăng cao ở nhiều quốc gia.

Các nhà lãnh đạo đang cố gắng ngăn chặn cuộc chiến lan rộng và khôi phục hòa bình ở châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng.

Tổng thống Brazil - ông Jair Bolsonaro đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, bảo vệ dân thường và “duy trì tất cả các kênh đối thoại giữa các bên”. Tuy nhiên ông phản đối các biện pháp trừng phạt “đơn phương” của phương Tây, cho rằng các biện pháp này làm tổn hại đến sự phục hồi kinh tế và đe dọa những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Cả Ukraine và Nga đều chưa có động thái lên tiếng.

Đại Hội đồng đã đồng ý cho phép Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky phát biểu qua video. Điều này vấp phải sự phản đối của Nga và các đồng minh của Moscow.

Tổng thống Zelensky dự kiến sẽ phát biểu vào ngày 21-9, cùng ngày với bài phát biểu trực tiếp từ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bộ trưởng Ngoại giao Nga - ông Sergey Lavrov sẽ có bài phát biểu vào ngày 24-9.

Vấn đề hạt nhân Iran

Phương Tây và Iran vẫn bất đồng về việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) điều tra dấu vết uranium tại 3 địa điểm ở Iran.

Ngày 20-9, Mỹ cho biết nước này không mong đợi một bước đột phá trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ vào tuần này.

Phát biểu tại Washington, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng - ông Jake Sullivan cho biết ông không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào trong các cuộc họp của LHQ trong tuần này.

Tuy nhiên, ông nhắc lại việc Mỹ sẵn sàng khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015, theo đó Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Tehran đã thúc đẩy Washington cam kết chấm dứt các cuộc điều tra của IAEA, sau đó Iran sẽ thực hiện theo các yêu cầu để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây bác bỏ lập trường đó và cho rằng các cuộc điều tra chỉ có thể kết thúc khi Iran đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho IAEA.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-hoi-dong-lhq-bat-dau-tuan-hop-giua-boi-canh-the-gioi-cang-thang-vi-xung-dot-va-khung-hoang-post699503.html