Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73: Tương lai nằm ở sự đoàn kết

Chủ nghĩa đa phương là giải pháp khả thi duy nhất cho những thách thức mà nhân loại đang phải đối diện và chỉ có sự đoàn kết giữa các quốc gia mới có thể đem lại một thế giới hòa bình hơn, công bằng hơn và phát triển bền vững.

Đó là thông điệp xuyên suốt các phiên họp, các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ và bên lề kỳ họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 73 quy tụ các nhà lãnh đạo, các quan chức cấp cao của 193 quốc gia thành viên.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa Garces phát biểu tại Khóa họp 73 Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ ngày 21/9. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp với những xu hướng mới đan xen cả thuận lợi lẫn thách thức khó lường và phức tạp, cùng những mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng cực đoan, ly khai, dân túy hay tác động của những hành động đơn phương, của sự mâu thuẫn và chia rẽ, thông điệp tại kỳ họp này trở nên đặc biệt có ý nghĩa.

Tổng cộng có 196 đại biểu từ 193 quốc gia thành viên và 3 quan sát viên thường trực có bài phát biểu trước toàn thể ĐHĐ. Những bài phát biểu vang lên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, song hầu hết đều có chung nhận định rằng tương lai của thế giới nằm ở sự đoàn kết giữa các quốc gia. Có thể kể đến một số thông điệp nổi bật, gây tiếng vang tại phòng họp của ĐHĐ.

Đơn cử như thông điệp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng "chỉ có chung tay, chúng ta mới có thể đảm bảo chủ quyền và bình đẳng cho những người dân mà chúng ta đại diện. Đó là lý do vì sao chúng ta phải cùng hành động giải quyết các thách thức về khí hậu, dân số và kỹ thuật số. Không nước nào có thể đơn độc giải quyết chúng".

Trong khi đó, người đứng đầu chính phủ một cường quốc châu Âu khác, Thủ tướng Anh Theresa May, khẳng định chăm lo cho công dân của nước mình không thể đồng nghĩa với việc từ bỏ hợp tác toàn cầu và những giá trị, quy định và lý tưởng làm nên điều này. Cùng chung nhận định như vậy, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutter nhấn mạnh không hề có sự xung đột giữa chủ nghĩa đa phương và lợi ích quốc gia, đồng thời ông bày tỏ sự tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương mang tính xây dựng.

Đặc biệt, thông điệp về trách nhiệm kép mà Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mang tới diễn đàn LHQ đã nhận được sự đón nhận tích cực từ các quốc gia thành viên. Trên cơ sở khẳng định rằng không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh tới sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh, tới vai trò quan trọng hàng đầu của LHQ trong giải quyết các vấn đề chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp Hoa Kỳ về thu hút đầu tư tại Việt Nam trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0 . Ảnh: Thống Nhất –TTXVN

Mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu, ý nghĩa của "trách nhiệm kép" trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện Việt Nam mong muốn thúc đẩy sự đóng góp và trách nhiệm bình đẳng của các quốc gia và người dân toàn cầu đối với những vấn đề liên quan tới lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, tới hòa bình và phát triển. Việc thể hiện trách nhiệm toàn cầu cũng chính là cách để mỗi quốc gia khẳng định vai trò và vị thế của mình trên trường quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở những phát biểu, tinh thần đoàn kết còn được 193 quốc gia thành viên LHQ thể hiện cụ thể hơn tại 400 sự kiện bên lề. Mối quan tâm và trách nhiệm của các nước đối với những thách thức chung toàn cầu đang cho thấy một sự chuyển biến lớn: trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, mối tương tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia cũng ngày càng chặt chẽ, chia sẻ nhiều lợi ích chung, đồng thời phải đối mặt với những mối đe dọa giống nhau. Đà điều này đòi hỏi các quốc gia phải cùng phối hợp hành động.

Trước hết phải nói đến sự kiện do Tổng thống Mỹ Donlad Trump phát động nhằm kêu gọi cả thế giới hành động chống ma túy diễn ra ngày 24/9 ngay trước thềm buổi khai mạc phiên họp cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 73. Tại sự kiện này, gần 130 nước ký một cam kết do Mỹ soạn thảo để đấu tranh với vấn nạn ma túy toàn cầu. Bản tuyên bố chứa đựng những cam kết phát triển kế hoạch quốc gia, giảm bớt mức cầu ma túy bất hợp pháp thông qua việc giáo dục, mở rộng các nỗ lực chữa trị, củng cố sự hợp tác quốc tế về tư pháp, thi hành luật pháp và y tế, và cắt nguồn cung cấp bằng cách chấm dứt sản xuất ma túy... thể hiện thái độ rõ ràng của cộng đồng quốc tế đồng tâm hợp lực ngăn chặn một trong những vấn nạn toàn cầu.

Sự đoàn kết cũng được thể hiện rõ nét tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu “Một hành tinh” lần thứ hai được tổ chức trong khuôn khổ kỳ họp ĐHĐ. Sự kiện này được đánh giá là bước quan trọng, góp phần thổi luồng sinh khí mới thúc đẩy việc thực thi các cam kết về cắt giảm khí thải nhà kính và tăng cường biện pháp bảo vệ môi trường theo Hiệp định Paris. Những cam kết, sáng kiến đưa ra tại hội nghị không chỉ là động lực "tiếp sức" cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mà đó còn là sự chia sẻ trách nhiệm của các nước khi thách thức về môi trường đang đe dọa cả hành tinh.

Trong lĩnh vực y tế, các quốc gia thành viên LHQ đã thông qua 2 tuyên bố chính trị mang tính bước ngoặt về bệnh lao và bệnh không truyền nhiễm LHQ. Tại hai phiên họp quy tụ diễn ra trong 2 ngày liên tiếp, những người đứng đầu ngành y tế từ các quốc gia thành viên LHQ cùng các đối tác đã thể hiện cam kết chính trị chấm dứt bệnh lao và các bệnh không truyền nhiễm vào năm 2030. Để hiện thực hóa hai cam kết này, tới đây các quốc gia sẽ thúc đẩy việc chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm, thuốc men, tiến bộ y tế và tài chính, để cùng chung tay xóa sổ những căn bệnh này.

Tổng kết những thành tựu của kỳ họp cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 73 không thể không nói đến các cuộc họp bên lề nhằm mục đích củng cố các mối quan hệ và đạt tiến triển trong chương trình nghị sự đa phương, cũng như thúc đẩy các mối quan hệ song phương và khu vực.

Đơn cử như tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN, các bên đã thống nhất rằng sẽ ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các vị trí tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác; khẳng định đây là biểu hiện của đoàn kết ASEAN và cũng là bước đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng, quảng bá hình ảnh của ASEAN trên trường quốc tế. Việc các bộ trưởng ASEAN nhất trí cần tiếp tục duy trì đoàn kết thống nhất, kiên định cách tiếp cận cân bằng dựa trên chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại, đã góp phần nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của ASEAN như một tổ chức khu vực vững mạnh, có uy tín và đóng góp quan trọng trong các vấn đề toàn cầu.

Có thể nói, thông điệp về sự đoàn kết, chung tay góp sức là điểm sáng nổi bật và là kết quả quan trọng nhất của kỳ họp ĐHĐ lần này. Bên cạnh đó, vai trò của LHQ như một cơ chế đa phương quốc tế quan trọng và hiệu quả cũng một lần nữa được khẳng định. Cách tiếp cận chung này sẽ tạo tiền đề thuận lợi để ĐHĐ khóa 73 thực thi chương trình nghị sự của mình trong năm tới, đồng thời các nước cũng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm phối hợp để LHQ trở nên vững mạnh hơn, tiếp tục thực hiện sứ mệnh duy trì hòa bình, ổn định, và sự phát triển bền vững cho mọi quốc gia trên thế giới.

Minh Nga (Phóng viên TTXVN tại LHQ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-khoa-73-tuong-lai-nam-o-su-doan-ket-20181002120958276.htm