Đại hội lần thứ VII, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội: Dấu ấn nhiệm kỳ đổi mới, sáng tạo

Nhiệm kỳ 2015-2020 của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đánh dấu sự đổi mới, sáng tạo cũng như phát triển không ngừng của báo chí Thủ đô, hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp, hiệu quả, nhân văn. Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí cũng đặt ra thách thức mà báo chí Thủ đô phải vượt qua trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Đoàn cán bộ, phóng viên của Hội Nhà báo Hà Nội trong chuyến công tác tại Đồn Biên phòng Khánh Tiến (tỉnh Cà Mau), tháng 11-2019. Ảnh: Viết Thành

Dấu ấn đổi mới

Thủ đô hiện có 20 cơ quan báo chí, gồm 12 cơ quan báo in, 7 tạp chí và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Đội ngũ làm công tác nghiệp vụ báo chí có hơn 1.000 người.

Đánh giá về nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Tô Quang Phán cho rằng, 5 năm qua là giai đoạn hoạt động sôi nổi, tích cực của báo chí Thủ đô. Hội và các liên chi hội, chi hội nhà báo đã thực hiện đợt tuyên truyền sâu rộng về Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI; Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; 8 chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, báo chí Hà Nội tập trung nêu bật thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô.

“Nhiều bài viết có tính bình luận cao, tham gia mạnh mẽ vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và tệ nạn xã hội; vạch trần luận điệu sai trái của thế lực thù địch làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết và lợi ích dân tộc. Không ít tác phẩm được thực hiện công phu, tạo được sự đồng thuận lớn trong công chúng, được trao giải thưởng báo chí quốc gia và thành phố”, đồng chí Tô Quang Phán nhận xét.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hội hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiều công việc quan trọng, như: Bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; tổ chức nhiều hoạt động xã hội, từ thiện; duy trì tổ chức Giải Báo chí Ngô Tất Tố; phối hợp thực hiện hai giải báo chí của Thành ủy về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội, về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Đặc biệt, Hội đã động viên, hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của hội viên trong việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhất là trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. Về điều này, trong các cuộc họp giao ban hằng ngày, hằng tháng với cán bộ, phóng viên, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Nguyễn Hoàng Long thường xuyên lưu ý: Một cơ quan báo mạnh là phải rõ tính kỷ luật, chuẩn hóa quy trình xuất bản và cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải tuân thủ nghiêm túc quy trình này. Hiện nay, Báo Hànôịmới là cơ quan báo chí thể hiện rõ sự đổi mới, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý và quy trình làm báo. Những thành công mà Báo Hànôịmới đạt được trong giai đoạn vừa qua, mới nhất là trong dịp tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã khẳng định điều này.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, báo chí Thủ đô đã góp phần quan trọng vào sự phát triển vững mạnh của báo chí Việt Nam. Trong 5 năm qua, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã làm tốt vai trò “đầu tàu”, hỗ trợ hội viên vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội Nguyễn Viêm Hoàng, người làm báo thời nay luôn phải trau dồi kỹ năng ứng dụng công nghệ để có thể cùng lúc thực hiện nhiều việc, như viết tin bài, chụp ảnh, quay video…

Nói về thách thức đối với báo chí Thủ đô, theo đồng chí Tô Quang Phán, công nghệ giúp người làm báo tiệm cận xu hướng báo chí thế giới, có thể thực hiện tác phẩm báo chí công phu dưới hình thức Megastory, Longform, E-magazine..., nhưng báo chí Thủ đô phải đối mặt với sự sụt giảm về doanh thu quảng cáo; không ít nơi phải giảm kỳ phát hành, giảm số trang báo để giảm chi phí…

Hơn nữa, báo chí Thủ đô đang tham gia thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo lộ trình, số lượng cơ quan báo chí sẽ giảm, ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của nhiều người, dù việc quy hoạch là chủ trương đúng đắn, nhằm xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiệu quả. Theo đồng chí Tô Quang Phán, có thể thời gian đầu các cơ quan báo chí sẽ gặp khó khăn, đời sống của người làm báo bị ảnh hưởng, nhưng chúng ta cần xem đây là cơ hội đổi mới mô hình tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thách thức lớn đòi hỏi Hội phát huy vai trò “đầu tàu” để công tác tổ chức, sắp xếp các cơ quan báo chí đạt hiệu quả, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên. Báo chí Thủ đô cần đặt mục tiêu xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện làm nòng cốt, xây dựng đội ngũ đủ năng lực, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới của đất nước và Thủ đô.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/973639/dai-hoi-lan-thu-vii-hoi-nha-bao-thanh-pho-ha-noi-dau-an-nhiem-ky-doi-moi-sang-tao