Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Lắng nghe để thấu hiểu người lao động

Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra.

Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương trao quà cho công nhân lao động gặp khó khăn. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN

Tăng cường đối thoại, giải quyết tranh chấp

Có thể thấy, nhiệm kỳ qua là quãng thời gian thể hiện rõ nét vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Quán triệt chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp Công đoàn đã phân công cán bộ bám sát cơ sở, thường xuyên lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt tại các doanh nghiệp, thiết lập các kênh thông tin đa chiều từ cơ sở.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, một trong những hoạt động quan trọng của tổ chức Công đoàn là tăng cường đối thoại ở nhiều cấp, phát hiện sớm và giải quyết kịp thời các tranh chấp hoặc nguy cơ tranh chấp lao động, góp phần giảm 53% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013 - 2018.

Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, đơn vị, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Trong nhiệm kỳ, đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở (tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ).

Đồng hành cùng người lao động trong đại dịch

Khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ tư, ảnh hưởng lớn đến việc làm, sức khỏe, đời sống của đoàn viên, người lao động, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản, hướng dẫn các cấp Công đoàn triển khai các biện pháp phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Tổng Liên đoàn đã ban hành và tổ chức triển khai 05 gói hỗ trợ với quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng, trang thiết bị cho lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm Công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do COVID-19... với tổng số tiền hỗ trợ gần 6 nghìn tỷ đồng, có hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng.

Tại các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, Công đoàn là thành viên quan trọng, tích cực tham gia Ban Chỉ đạo, tổ phòng, chống dịch tại cơ sở, nhất là những địa bàn tập trung đông công nhân; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, nỗ lực vượt khó, chia sẻ với doanh nghiệp, tổ chức sản xuất an toàn tại doanh nghiệp đủ điều kiện.

Thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đến hết năm 2023, các cấp Công đoàn đã chi hỗ trợ cho gần 82 nghìn đoàn viên, người lao động đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ hơn 114 tỷ đồng; dự kiến sẽ có hơn 90 nghìn đoàn viên, người lao động tiếp tục được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng số tiền ước khoảng 145 tỷ đồng.

Tại Chương trình Lễ vinh danh "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động 2023", Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, trong quá trình trưởng thành, phát triển của mỗi doanh nghiệp, người lao động chính là nguồn lực sản xuất, là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Người lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển chung của doanh nghiệp. Người lao động là động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng khẳng định, việc chăm lo, bảo vệ và tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động, xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững, tiến bộ cũng chính là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; đồng thời đề nghị tiếp tục xây dựng, triển khai hiệu quả phong trào thi đua học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt đời trong công nhân lao động.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu tổ chức Công đoàn tăng cường các hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật để người lao động tuân thủ và hiểu biết pháp luật trong lao động, hỗ trợ kịp thời người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động; tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với những người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.

Công nhân lao động Công ty Xích líp Đông Anh (Hà Nội) thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Sáng kiến vượt khó, sáng tạo

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai phong trào “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Theo đó, Công đoàn Việt Nam đã cụ thể hóa bằng Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” với nhiều đổi mới về cách thức, biện pháp thực hiện, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động trực tiếp tham gia, đã thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn, đóng góp tích cực trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” được đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định là hoạt động thi đua quan trọng nhất của các cấp Công đoàn và đoàn viên, công nhân viên chức lao động giai đoạn 2022 - 2023, đồng thời là nội dung thi đua chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Chương trình đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật, đạt mục tiêu 1 triệu sáng kiến vượt tiến độ trước 332 ngày. Đến thời điểm kết thúc chương trình (ngày 31/8/2023), hơn 2,4 triệu sáng kiến đã gửi tham gia chương trình, tổng giá trị làm lợi ước tính đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng. 59/82 đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, trong đó có 14 đơn vị đạt trên 200% chỉ tiêu. Nội dung các sáng kiến tham gia chương trình đa dạng trên các lĩnh vực nhưng đều có điểm chung là đã được công nhận, đánh giá hiệu quả, áp dụng trong thực tiễn, tập trung vào việc tạo ra sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, kịp thời thích ứng với điều kiện sống, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cũng như trong giai đoạn bình thường mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết: Chương trình đã được các cấp Công đoàn triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng loại hình ngành, nghề, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia. Ông Trần Thanh Hải đánh giá cao những công nhân, viên chức, lao động - những người trực tiếp có những sáng kiến, sáng tạo tham gia chương trình. Nhiều con số làm lợi của các sáng kiến, sáng tạo rất có ý nghĩa. Có sáng kiến làm lợi trên 500 tỷ đồng, nhiều sáng kiến làm lợi trên 100 tỷ đồng, con số làm lợi trên 30 tỷ đồng là rất nhiều.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác góp phần quyết định sự thành công của chương trình - chính là những người sử dụng lao động. Theo đó, nhiều người sử dụng lao động đã có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời, từ đó tạo niềm tin và động lực cho người lao động.

Tại Lễ tôn vinh điển hình “Sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, qua một năm triển khai, chương trình được đánh giá thành công cả ở ba phương diện: Phát động, tổ chức thực hiện, kết quả mang lại cao và hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh, với cách làm mới, sáng tạo, linh hoạt, Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động cả nước; đồng thời đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm, triển khai thực hiện các giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh của giai cấp công nhân trong tiến trình phát triển của đất nước.

Lắng nghe để thấu hiểu

Một trong những hoạt động ý nghĩa được tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ qua thực hiện là phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức thành công Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.

Tại diễn đàn, người lao động đã có cơ hội chia sẻ tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của mình; được lãnh đạo các cơ quan chức năng giải đáp những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến các nhóm vấn đề như: tạo việc làm; nâng cao thu nhập; các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng và tiếp cận về nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tổ chức Công đoàn trong việc phối hợp, tổ chức diễn đàn dành riêng cho người lao động. Qua đó, đã phát huy hơn nữa vai trò làm chủ, tham gia xây dựng chính sách của người dân, người lao động, góp phần bảo đảm quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế của Quốc hội sát thực, khả thi, có ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đồng hành, ghi nhận, đánh giá cao tinh thần cách mạng, những nỗ lực, quyết tâm vượt khó, cống hiến, đóng góp to lớn, bền bỉ của giai cấp công nhân, người lao động đối với sự phát triển của đất nước, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ luật cao trong lao động.

Thành công của Diễn đàn tiếp tục khẳng định tinh thần luôn đổi mới, hành động quyết liệt của Quốc hội vì lợi ích của nhân dân, của giai cấp công nhân; đồng thời khẳng định vai trò chủ động, tích cực của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dai-hoi-xiii-cong-doan-viet-nam-lang-nghe-de-thau-hieu-nguoi-lao-dong-20231128142320207.htm