Đại hội XIII của Đảng: Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển

Với phương châm Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội, định hướng tương lai của cả dân tộc. Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay với nhiều thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có sự tham dự của 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỉ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%...

Đại biểu khách mời có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu…

Phiên trù bị Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào sáng nay (ngày 25/1).

Phiên trù bị Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào sáng nay (ngày 25/1).

Đến năm 2030 là nước thu nhập trung bình cao

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, Đại hội XIII của Đảng có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhìn lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 - 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Đại hội XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

Đại hội XIII xác định tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Các mục tiêu nêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể mà Đại hội đề ra là cơ sở hết sức quan trọng để xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, vừa đáp ứng được yêu cầu lâu dài, vừa có trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên triển khai thực hiện; tạo thống nhất từ nhận thức cho đến hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự phiên họp trù bị Đại hội XIII của Đảng. (Nguồn: TTXVN).

Năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm

Trong dự thảo Báo cáo chính trị lần này dành ra một mục riêng là quan điểm chỉ đạo với 5 nội dung quan trọng, có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ta đã đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt, đã nhấn mạnh không chỉ "kiên định và vận dụng" mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định cần phải "khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc..., khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam"...

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 - 2030, sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với những nội dung mới, quan trọng. Dự thảo lần này đã điều chỉnh, xác định rõ, chuẩn xác hơn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời bổ sung mối quan hệ mới là giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Dự thảo lần này đã bổ sung, cụ thể hóa ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là một trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Nhấn mạnh tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước, tuy nhiên, dự thảo lần này đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới trong đó xác định "phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số".

Một trong những sự kiện kinh tế nổi bật của năm qua là Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành quyết định về chuyển đổi số, đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn tầm toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 1/5 GDP và hỗ trợ năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm và sau đó, thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 28- 62 tỷ USD, tương đương mức tăng 7-16% GDP đến năm 2030.

Nội dung, chương trình của Đại hội tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 201-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

NGUYỄN SÍU

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dai-hoi-xiii-cua-dang-doan-ket-dan-chu-ky-cuong-sang-tao-phat-trien-20210125105837677.htm