Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024: Lan tỏa tình yêu thương và thông điệp hòa bình

Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024 là ngày lễ lớn có ý nghĩa quan trọng đối với các tăng ni, Phật tử cả nước cũng như Thủ đô Hà Nội.

Đây là dịp để các tín đồ phật tử và đồng bào mến mộ Phật giáo phát tâm sống theo giáo pháp của nhà Phật. Đó là từ bi, tri thức đạo đức, tính nhân văn cao cả, qua đó góp phần lan tỏa tình yêu thương và thông điệp hòa bình trong cộng đồng.

Các tăng ni, Phật tử cùng đông đảo người dân đến lễ tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) sáng 22-5. Ảnh: Đình Hiệp

Các tăng ni, Phật tử cùng đông đảo người dân đến lễ tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) sáng 22-5. Ảnh: Đình Hiệp

Đón một mùa Phật đản an vui, hạnh phúc

Năm nay, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 diễn ra trong vòng 2 tuần, từ ngày 1 đến 15 tháng Tư năm Giáp Thìn (tức ngày 8-5 đến 22-5-2024 Dương lịch). Hòa trong không khí hoan hỉ, những ngày qua nhiều ngôi chùa trên khắp cả nước cũng như ở Hà Nội được trang hoàng rực rỡ để đón một đại lễ thật ý nghĩa, trang trọng.

Có mặt từ rất sớm cùng các tăng ni, Phật tử tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) sáng 22-5, bà Nguyễn Minh Thu (trú tại quận Long Biên) chia sẻ, từ nhiều năm nay, năm nào bà cũng đến đây lễ Phật vào ngày trọng đại này để “thân tâm an lạc” và cầu mong cho mọi người được bình an.

Điểm nhấn của Đại lễ Phật đản năm nay là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội phát động cuộc thi chấm điểm xe hoa và trao giải tại chương trình Đại lễ Phật đản chính thức của thành phố. Vì vậy, đêm 21-5, tất cả Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo của 30 quận, huyện, thị xã đều tổ chức trang trí những chiếc xe hoa thật công phu, sáng tạo và mang nét đặc trưng riêng để tham gia vào lễ diễu hành đón mừng đại lễ quan trọng này.

Các tăng ni, Phật tử cùng đông đảo người dân đến lễ tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) sáng 22-5. Ảnh: Đình Hiệp

Các tăng ni, Phật tử cùng đông đảo người dân đến lễ tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) sáng 22-5. Ảnh: Đình Hiệp

Cùng với các địa phương khác, huyện Gia Lâm tổ chức trọng thể Đại lễ Phật đản tại chùa Cự Đà. Với bà con Phật tử nơi đây, mùa Phật đản là dịp để ôn lại lịch sử Đức Phật, chiêm nghiệm những lời dạy của Ngài về ý nghĩa hòa bình, xây dựng một thế giới hạnh phúc và phát triển bền vững, không còn khổ đau.

Tại chùa Lôi Tử, thôn Lưu Xá, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), các hoạt động lễ và hội chào mừng Đại lễ Phật đản diễn ra trang trọng, sôi nổi. “Ngoài các nghi lễ cúng đạo tràng, các chương trình văn hóa, nghệ thuật do các đoàn thể, nhân dân trên địa bàn tổ chức tạo nên không khí hạnh phúc, an lạc, đưa đạo Phật đến gần hơn với đời sống nhân dân” - sư thầy trụ trì chùa Lôi Tử Thích Đàm Thủy thông tin.

Trình bày diễn văn kỷ niệm Đại lễ Phật đản diễn ra sáng 22-5 tại chùa Quán Sứ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình, thịnh vượng. Mỗi chúng ta cần phải biết ơn và trân trọng sự hy sinh thiêng liêng của biết bao thế hệ cha ông đã giành lại độc lập, tự do cho dân tộc”.

Đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô, đất nước

Với những triết lý sâu sắc và tinh thần “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, các hoạt động của Phật giáo thành phố Hà Nội thời gian qua luôn hướng đến con người, vì hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển phồn vinh của Thủ đô và đất nước.

Lãnh đạo huyện Phú Xuyên chúc mừng các tầng lớp Đại đức, tăng ni, Phật tử tại chùa Khánh Hưng, xã Nam Triều. Ảnh: Đình Hiệp

Lãnh đạo huyện Phú Xuyên chúc mừng các tầng lớp Đại đức, tăng ni, Phật tử tại chùa Khánh Hưng, xã Nam Triều. Ảnh: Đình Hiệp

Phát biểu tại lễ Phật đản do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận Đống Đa tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường bày tỏ tin tưởng, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận cùng toàn thể tăng ni, Phật tử tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo” và “Phong trào xây dựng gia đình Phật tử văn hóa”. Trong đó, các tăng ni, Phật tử tiếp tục gương mẫu tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong khi đó, Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên Thường trực Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ) bày tỏ niềm vui mừng khi thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Phật tử đón những mùa Phật đản an vui, hạnh phúc.

“Các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như thành phố luôn sát cánh cùng toàn dân, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung” - Hòa thượng Thích Thanh Nhã nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội mới đây, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương mong muốn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp thành phố tiếp tục phát huy tinh thần nhập thế, lấy việc phục vụ chúng sinh, đại chúng, ích đạo, lợi đời, ích nước, lợi dân, hướng thiện làm phương hướng tu hành.

“Các quý vị Chư tôn đức giáo phẩm cùng toàn thể tăng ni, Phật tử tiếp tục cùng nhân dân thành phố đoàn kết, đồng thuận nỗ lực thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương; hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động. Đồng thời, chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc", đồng chí Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dai-le-phat-dan-phat-lich-2568-duong-lich-2024-lan-toa-tinh-yeu-thuong-va-thong-diep-hoa-binh-667091.html