Đại lễ Phật Đản và ý nghĩa lịch sử lễ Phật Đản tại Việt Nam

Lễ Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời

Mục lục

Lịch sử ngày Đại lễ Phật Đản
Ngày Đại lễ Phật Đản 2024 diễn ra vào ngày nào?
Các hoạt động truyền thống Đại lễ Phật Đản ở Việt Nam
Các hoạt động vào tuần lễ Phật Đản 2024
1. Ngày 8/4/Giáp Thìn (15/5/2024 dương lịch):
2. Ngày 15/4/Giáp Thìn (22/5/2024 dương lịch):
Người lao động có được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày Lễ Phật Đản 2024 hay không?

Lịch sử ngày Đại lễ Phật Đản

Đại lễ Phật Đản hay Lễ Phật Đản sinh là từ tôn kính nói về lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật, Giáo chủ của đạo Phật. Theo lịch sử Phật giáo, Đức Phật lúc nhỏ là Thái tử Tất Đạt Đa, sinh ra tại vườn Lâm Tì Ni vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng tâm linh theo quan niệm của người Ấn Độ cổ), năm 624 trước Công nguyên.

Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo). Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).

Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Việt Nam đã hai lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc.

Lần thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đăng cai và phố hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak 2008 tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam đã mời 80 nước và vùng lãnh thổ có Phật giáo tham dự; nhận lời mời 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có Phật giáo đã tham gia với trên 850 vị khách quốc tế là đại biểu chính thức, trên 10 ngàn tăng, ni, Phật tử trong và ngoài nước tham dự với nhiều diễn đàn và hoạt động.

Lần thứ hai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak năm 2014 tại Bái Đính tỉnh Ninh Bình nơi có ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, với sự giúp đỡ của Nhà nước về đảm bảo an ninh và an toàn y tế. Việt Nam mời 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, 95 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với trên 1.050 đại biểu quốc tế chính thức và hơn 600 du khách quốc tế tham dự. Đại lễ với sự tham gia của trên 20 ngàn tăng, ni, Phật tử trong và ngoài nước với nhiều hoạt động phong phú.

Hai lần Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong tình cảm bạn bè và Phật giáo thế giới về đất nước, con người Việt Nam, thể hiện sự lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam,…

Ngày Đại lễ Phật Đản 2024 diễn ra vào ngày nào?

Thời gian tổ chức tuần lễ Phật Đản năm 2024: Từ ngày 1/4 đến 15/4 - Giáp Thìn (tức 8/5 đến 22/5/2024 dương lịch).

Trong đó:

- Tuần lễ Phật Đản năm 2024: Từ ngày mùng 8-4 đến 15-4-Giáp Thìn (tức 15/5 đến 22/5/2024 dương lịch);

- Chính lễ (Ngày lễ Phật Đản năm 2024 chính thức): ngày 15 tháng 4 năm Giáp Thìn (tức 22/5/2024 dương lịch).

Các hoạt động truyền thống Đại lễ Phật Đản ở Việt Nam

Theo truyền thống Đại lễ Phật Đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như:

Làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ,

Diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông,

Thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật... để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.

Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Ngoài ra, trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật…. Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”./.

Các hoạt động vào tuần lễ Phật Đản 2024

Tại Thông bạch 88/TB-HĐTS năm 2024 có hướng dẫn chương trình đại lễ Phật Đản sinh lần thứ 2648 năm 2024 sẽ tổ chức các hoạt động như sau:

1. Ngày 8/4/Giáp Thìn (15/5/2024 dương lịch):

- Đúng 4 giờ sáng, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước cử 3 hồi chuông trống Bát-nhã Kính mừng Đức Phật Đản sinh, cầu nguyện quốc thái dân an.

- Tổ chức tuần lễ tụng kinh Kính mừng Phật Đản, kinh Chuyển Pháp luân, và các kinh cầu an…, cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình.

2. Ngày 15/4/Giáp Thìn (22/5/2024 dương lịch):

(1). Đúng 4 giờ sáng, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước cử 3 hồi chuông trống Bát-nhã rước Đức Phật Đản sinh.

(2). Cử hành Đại lễ Phật Đản:

- Niệm Phật cầu gia bị.

- Cử Quốc ca, Đạo ca.

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự, chương trình Đại lễ.

- Dâng hoa kính mừng Phật Đản.

- Tuyên đọc Thông điệp Phật Đản Phật lịch 2568 của Đức Pháp chủ GHPGVN.

- Diễn văn Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2568 của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

- Phát biểu của đại diện chính quyền.

- Nghi thức tụng niệm kính mừng Phật Đản.

- Nghi thức Tắm Phật.

- Hồi hướng.

- Thả chim bồ câu và bóng bay hòa bình.

- Cảm tạ của Ban Tổ chức.

3. Chương trình thuyết giảng, diễu hành xe hoa, sự kiện văn hóa: tại chùa, cơ sở tự viện; tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, triển lãm chào mừng và diễu hành xe hoa (nếu có điều kiện)…

Thông tin chi tiết chương trình xem tại đây: Thông bạch 88/TB-HĐTS năm 2024

Người lao động có được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày Lễ Phật Đản 2024 hay không?

Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 chỉ quy định trường hợp lao động nữ được hỗ trợ về sớm trong trường hợp tại Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định về bảo vệ thai sản.

Còn những trường hợp người lao động xin nghỉ trong trường hợp tham dự Lễ Phật Đản không được pháp luật hiện hành quy định.

Tuy nhiên, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận về việc xin nghỉ ngày lễ Phật Đản theo các trường hợp khác được đi trễ, về sớm hoặc thực hiện xin nghỉ theo nội quy lao động của người sử dụng lao động để được hưởng nguyên lương vào ngày này.

Kiên Trung

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dai-le-phat-dan-va-y-nghia-lich-su-le-phat-dan-tai-viet-nam-212554.html