Dải lụa vắt qua thành phố

Trong tâm thức người Hà Nội xưa nay, sông Hồng được ví như dải lụa vắt qua TP, không chỉ là sự mĩ miều của thơ ca, mà còn là chứng nhân lịch sử chuyên chở theo con nước.

Sông Hồng với phù sa và bồi bãi ven sông cả không gian văn hóa, bề dày văn hiến, sự phồn thịnh của kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội nay; chở theo cả những khát vọng phát triển mà Hà Nội đang ấp ủ và hướng tới...

1. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi sông Hồng là sông Cái (sông Mẹ). Con sông ngàn đời chở nặng phù sa đã làm nên những bãi bồi không chỉ nuôi dưỡng cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà còn ẩn chứa biết bao yếu tố văn hóa gắn với những vùng đất nó đi qua, đặc biệt là Thăng Long - Hà Nội. Chỉ là một đoạn ngắn so với chiều dài con sông, nhưng đoạn sông vắt qua Hà Nội ấy cũng ghi dấu bao đặc trưng của vùng văn hóa sông nước, ghi dấu bao phong tục tập quán đậm đà phong vị Việt.

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 1.000 năm trước, vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La xây dựng kinh thành Thăng Long. Các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn khẳng định lâu nay: vua Lý đã sớm nhận thấy địa thế “tựa núi, nhìn sông” của vùng đất này.

Đúng là với vị thế trung tâm vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nằm bên con sông lớn khiến giao thông của Thăng Long - Hà Nội với các địa phương khác trở nên dễ dàng, thuận tiện. Dòng sông Hồng không chỉ lắng đọng phù sa, tạo thành miền đất trù phú “đất lành chim đậu”, mà còn khiến nơi đây trở thành vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng hồn núi sông, thu hút nhân tài, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa từ bốn phương, tạo nên những làng nghề, phố nghề nức tiếng đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ.

Sông Hồng đoạn chảy qua TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Sông Hồng đoạn chảy qua TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Văn hóa Thăng Long được bồi đắp một phần cũng từ dòng chảy chở nặng phù sa ấy. Tín ngưỡng thờ thủy thần sinh ra từ mong muốn sống hòa thuận với thiên nhiên của cư dân hai bên bờ sông, vì thế mà dọc sông Hồng có nhiều dấu tích miếu thờ thủy thần cho đến tận hôm nay.

Dấu tích văn hóa đó được hình thành bởi những truyền thuyết sinh ra từ dòng sông Hồng như: truyền thuyết Lý Ông Trọng chém con giải trên sông, từ đó có đình Chèm thờ Lý Ông Trọng; truyền thuyết về đền Cầu Nhi thờ con chó nhỏ mang trên mình chữ Vương được sông Hồng cưu mang khi bơi qua dòng chảy rộng dài, sau này được vua Lý xây đền thờ tại hồ Trúc Bạch… Sông Hồng và dọc hai bên sông Hồng cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội, lớn như lễ hội đèn Quảng Chiếu và lễ hội âm nhạc mùa Thu, độc đáo như lễ hội đền Bạch Mã với nghi lễ rước nước từ sông Hồng về. Rồi lễ hội đền Và, đình Chèm, đình Tứ Liên, đình Đức Thắng...

Dọc bờ sông Hồng còn xuất hiện nhiều làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm nay như: làng giấy Yên Thái, làng đào Nhật Tân (Tây Hồ), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm)... Đối với làng gốm Bát Tràng, sông Hồng là nhân chứng cho sự hình thành và phát triển của cư dân làng cổ. Sông Hồng giúp người dân giao thương, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Chính vì phát triển, trên bến, dưới thuyền mà khu làng cổ có đặc trưng là tường cao, ngõ nhỏ, bảo vệ làng xóm. Các lễ hội văn hóa của làng đều gắn với sông Hồng như tục rước nước, thả hoa đăng... Còn làng đào Nhật Tân, người dân luôn biết ơn dòng sông đã đắp bồi lên vùng đất bãi và nguồn nước đỏ nặng phù sa để dưỡng thành những cánh hoa đào thắm ở Dinh đào làm nên làng đào Nhật Tân nức tiếng xưa nay...

Sông Hồng vắt qua Hà Nội, đoạn ấy trở thành đầu mối giao thông đường thủy của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hàng hóa, hành khách phía Đông Bắc, Tây Bắc, cảng biển vận chuyển về Hà Nội và sau đó chuyển đi các nơi. Giờ thì Hà Nội có các tour du lịch khám phá sông Hồng bằng tàu thủy, du khách trải nghiệm chuyến đi lộng gió ấy sẽ hiểu thêm về sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội khi hòa mình vào cảnh quan sông nước hữu tình, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các làng cổ, tham quan những ngôi đền chùa dọc ven sông…

2. Trong nhiều nhiệm vụ lớn đang được triển khai, Hà Nội luôn chú trọng các yếu tố văn hóa, lịch sử nhằm tạo ra các trục không gian văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí mới mang tính biểu tượng của Thủ đô, gắn với xây dựng TP hiện đại đặc trưng ven sông Hồng. Bởi những dòng sông trong lòng TP luôn là không gian đặc biệt, có sức cuốn hút khó tả.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 định hướng sông Hồng là một trong 5 trục phát triển của Thủ đô - trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Định hướng này là tiền đề cho những ý tưởng độc đáo, các giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian cảnh quan hấp dẫn hai bên bờ sông và khu vực bãi sông, tạo diện mạo mới cho Hà Nội.

Trục cảnh quan quan trọng, tập trung vào khu vực bãi giữa sông Hồng đã được định hướng rõ nét với hệ thống công viên ven sông có quy mô lên tới 4.200ha toàn tuyến, trong đó có 3.858ha thuộc 9 bãi sông và 342ha nằm ở bãi giữa sau khi chỉnh trị sông Hồng, phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các dòng sông có đê được Thủ tướng Chính phủ duyệt. Đáng chú ý, theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở) được TP phê duyệt năm 2022, khu vực bãi giữa sông Hồng được định hướng quy hoạch thành hệ thống công viên cây xanh, cảnh quan, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, các quảng trường đô thị và công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô.

Đặc biệt hơn, ngoài 5 bãi sông được nghiên cứu để phát triển đô thị, các bãi sông còn lại được nghiên cứu để phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động công viên văn hóa đa chức năng không gây cản trở cho dòng chảy; được phép xây dựng công trình công cộng dịch vụ…

Hướng tới cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp với các quận Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ phát động cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Các nhà quản lý cũng như chuyên gia quy hoạch đô thị đều cho rằng, Hà Nội đã hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi để phát triển khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông, việc này không chỉ tạo trục cảnh quan sông Hồng mà còn là cơ hội khai thác hiệu quả tiềm năng của nguồn tài nguyên đất bãi bấy lâu vẫn ngủ yên bình.

Sông Hồng - dải lụa đỏ vắt ngang qua TP một khi được đánh thức, chắc chắn sẽ tạo diện mạo mới cho Thủ đô Hà Nội phát triển hài hòa giữa cũ và mới, giữa văn hiến cổ xưa 36 phố phường bên cạnh TP hiện đại hai bên bờ sông.

Thục Trinh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dai-lua-vat-qua-thanh-pho.html