Đãi ngộ để thu hút nhân lực khoa học và công nghệ

Hiện nay, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc trong nước nhằm thu hút nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN) vẫn còn hạn chế khiến nhiều người lựa chọn làm việc cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu của nước ngoài, dẫn đến tình trạng “chảy máu” chất xám. Do đó, Nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút các nhà khoa học trong lĩnh vực này.

Chế độ đãi ngộ còn hạn chế

PGS, TS Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho biết, một trong những thách thức hiện nay trong phát triển nguồn nhân lực tại các viện nghiên cứu trong nước là vấn đề suy giảm nguồn nhân lực chất lượng cao. Tình trạng “chảy máu” chất xám đang là thách thức rất lớn ở nhiều ngành KHCN mũi nhọn của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam do sự cạnh tranh từ các khu vực tư, công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài về KHCN.

Thực tế hiện nay, lực lượng cán bộ khoa học của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam chưa đồng đều trong các lĩnh vực, chủ yếu tập trung vào một số ngành nghiên cứu cơ bản, trọng tâm và một số viện nghiên cứu thành viên có thế mạnh về nghiên cứu cơ bản. Số lượng giáo sư, phó giáo sư các ngành nghiên cứu công nghệ và ứng dụng có xu thế giảm dần.

">

">

Các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Lý giải về điều này, theo PGS, TS Trần Tuấn Anh, nguyên nhân chủ yếu do những vấn đề trong cơ chế, chính sách đãi ngộ các nhà khoa học còn hạn chế, chưa đủ sức thu hút các nhà khoa học về làm việc. Mặt khác, công tác tuyển dụng vào biên chế của nhiều đơn vị công lập có xu thế giảm do phải tinh giản biên chế theo quy định; số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học tự nhiên, nhất là các chuyên ngành khoa học cơ bản ngày càng ít, chất lượng nhìn chung chưa đồng đều, khó khăn trong công tác tuyển dụng.

Trong khi đó, Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia (NAFOSTED) với chức năng tài trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nhiệm vụ đột xuất, tiềm năng đang gặp nhiều vướng mắc liên quan tới cơ chế quản lý kinh phí cấp cho quỹ. Theo quy định của pháp luật, Quỹ NAFOSTED hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập với kinh phí hoạt động theo cơ chế lập kế hoạch và giao dự toán hằng năm. Tuy nhiên, các đề tài nghiên cứu phải được thực hiện thường xuyên, không nên chờ việc duyệt và cấp kinh phí theo kế hoạch hằng năm như các cơ quan hành chính sự nghiệp. Do đó, theo các chuyên gia, cần xây dựng một quy chế tài chính cho quỹ phù hợp với đặc thù nghiên cứu khoa học, bảo đảm quỹ được vận hành theo đúng mô hình là cơ quan tài trợ nghiên cứu.

Ưu tiên nhà khoa học trẻ tham gia đề tài khoa học

Nhằm thu hút các nhà khoa học trẻ về làm việc, Đảng ủy Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã ban hành nghị quyết nhằm phát triển các nhà khoa học trẻ (nhà khoa học dưới 40 tuổi) và các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Công tác đào tạo có sự ưu tiên cho các nhà khoa học trẻ mặc dù chưa vào biên chế được tham gia những đề tài khoa học, với mục tiêu đầu ra là sẽ tìm kiếm các nhà khoa học có trình độ năng lực tốt để tiếp tục cống hiến cho viện hàn lâm. Lãnh đạo viện cũng giao cho các ban chức năng xây dựng những chương trình nghiên cứu để khuyến khích các nhóm nghiên cứu nêu trên, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tham dự và có đầu ra tiêu chuẩn rõ ràng. Như thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được hỗ trợ kinh phí trong vòng 3 năm để tiếp tục nâng cao hướng nghiên cứu của mình; có đề tài độc lập dành cho các cán bộ trẻ, có những đề tài cho các nhóm nghiên cứu trẻ…

PGS, TS Trần Tuấn Anh thông tin: Năm 2023, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam hỗ trợ các hoạt động KHCN cấp cơ sở cho các cán bộ khoa học trẻ, cụ thể là cho 64 cán bộ trẻ (gồm 32 tiến sĩ, 28 thạc sĩ, 4 kỹ sư và cử nhân). Việc hỗ trợ hoạt động KHCN cho các cán bộ trẻ đã tạo điều kiện, động lực để nhà khoa học trẻ nâng cao kiến thức, kinh nghiệm của mình, trưởng thành hơn trong công tác nghiên cứu.

TS Trần Quang Tuấn, Phó cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KHCN) đề xuất, Nhà nước cần có chính sách đặc thù đột phá ươm mầm tài năng khoa học trẻ để họ trở thành chuyên gia, nhà khoa học đầu đàn, tổng công trình sư trong tương lai. “Cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ để họ tiếp tục duy trì đam mê, cống hiến cho đất nước; có những hỗ trợ kịp thời trong đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, lan tỏa phong trào nghiên cứu, khát vọng phát triển đất nước dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo”, TS Trần Quang Tuấn nhấn mạnh.

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần bảo đảm việc chi ngân sách hằng năm dành cho KHCN; tăng cường kiểm tra, giám sát để các nghị định, thông tư đã ban hành được thực hiện nghiêm túc nhất, đầy đủ nhất. Ngoài ra, các đơn vị cần tin tưởng giao việc, tạo điều kiện về môi trường làm việc, chế độ thu nhập thỏa đáng cho các nhà khoa học để họ yên tâm nghiên cứu, cống hiến trí tuệ xây dựng đất nước.

nGuồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/dai-ngo-de-thu-hut-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe-764013

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/642562-dai-ngo-de-thu-hut-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe.html