Đài phun đáng sợ nhất thế giới làm từ thủy ngân

Thay vì dùng nước như thông thường, đài phun đặc biệt tại Barcelona (Tây Ban Nha) lại sử dụng một trong những chất lỏng độc nhất thế giới, đó chính là thủy ngân.

Nằm trong bảo tàng Fundacío Joan Miró ở Barcelona, Tây Ban Nha, đài phun thủy ngân Calder’s Mercury là một trong những tác phẩm nghệ thuật đáng sợ nhất đang tồn tại trên thế giới. Được chính tác giả tặng cho bảo tàng, đài phun này được giữ sau lồng kính để bảo vệ du khách khỏi dung dịch có độc tính cao, cũng chính là điểm nhấn của tác phẩm.

Đài phun đặc biệt này dùng thủy ngân - kim loại lỏng duy nhất trên thế giới. Ảnh: Culturetrip.

Đài phun đặc biệt này dùng thủy ngân - kim loại lỏng duy nhất trên thế giới. Ảnh: Culturetrip.

Thủy ngân là kim loại duy nhất trên thế giới tồn tại ở dạng lỏng trong điều kiện nhiệt độ thường. Đây được xem là một trong những vật chất bí ẩn được nhiều nền văn minh trên khắp thế giới quan tâm do sở hữu các đặc tính khác thường.

Tương truyền, vào thế kỷ 9, Pharaoh Khumarawayh ibn Ahmad ibn Tulun của Ai Cập nằm ngủ trên một tấm đệm bồng bềnh trong bể thủy ngân. Tần Thủy Hoàng, Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, được cho là chết vì nhiễm độc thủy ngân, hậu quả của việc xem chất này như bí quyết trường sinh bất lão.

Tất nhiên, vào thời đó, con người chưa biết rằng thủy ngân là chất có độc tính cao, có thể dẫn tới rối loạn các giác quan, cảm giác ngứa rát và cuối cùng là tử vong. Đến tận giữa thế kỷ 20, các nhà khoa học mới nghiên cứu rõ về mối nguy hiểm khi tiếp xúc với kim loại lỏng này.

Những đặc tính khác thường của thủy ngân khiến chất này thường được sử dụng trong khoa học và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Vào đầu thế kỷ 20, ngành khai thác thủy ngân phát triển mạnh và nhu cầu sử dụng kim loại này tăng cao. Thời điểm đó, một trong những mỏ thủy ngân lớn nhất nằm ở thị trấn Almadén, Tây Ban Nha, được cho là cung cấp tới 60% sản lượng kim loại này trên thế giới.

Thủy ngân có độc tính cao. Ảnh: Art.

Năm 1936, nội chiến nổ ra ở Tây Ban Nha. Trong thời kỳ cao điểm, quân của Tướng Franco tấn công thị trấn Almadén và chiếm giữ mỏ thủy ngân. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha, do thủy ngân là nguồn ngoại tệ lớn và còn là nguyên liệu để chế tạo vũ khí.

Do đó, vào năm 1937, trong lúc tìm cách lấy lại quyền kiểm soát Almadén, chính phủ đã yêu cầu nghệ sĩ Alexander Calder tạo ra một công trình lên án vụ chiếm giữ thị trấn này để trưng bày tại Triển lãm thế giới ở Paris, Pháp. Đây không phải là tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý duy nhất được thực hiện vì lý do này, một tác phẩm khác chính là bức tranh Guernica nổi tiếng của danh họa Picasso.

Ngày nay, đài phun thủy ngân nằm tại bảo tàng Fundacío Joan Miró trên đồi Montjuïc. Tuy nhiên, để bảo vệ du khách tránh khỏi hơi độc phát ra từ thủy ngân, đài phun được đặt trong lồng kính. Ít du khách tới đây biết được lịch sử phía sau tác phẩm này. Vẻ đẹp kỳ lạ, quyến rũ chết người của thủy ngân gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan.

An Ngọc
Theo Culture Trip

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dai-phun-dang-so-nhat-the-gioi-lam-tu-thuy-ngan-post890088.html