Đại sứ Kritenbrink: Mỹ không nhấn chìm đối tác trong biển nợ

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam tái khẳng định cam kết của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước sự cạnh tranh của 'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khẳng định Washington chỉ tìm kiếm đối tác, không mưu cầu sự thống trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời cảnh báo các nước trong khu vực cẩn trọng với các khoản cho vay xây dựng hạ tầng để không rơi vào "biển nợ".

Phát biểu trước các đại biểu tham dự Đối thoại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sáng 7/12 tại TP. HCM, ông Daniel Kritenbrink tái khẳng định cam kết của Washington tại khu vực và tầm nhìn của Tổng thống Donald Trump.

Tổng đầu tư của Mỹ ở khu vực là 1.400 tỷ USD

"Mỹ có truyền thống lâu đời về hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục làm sâu sắc mối liên kết này. Thúc đẩy tầm nhìn của Tổng thống (Trump) về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là nỗ lực của toàn chính phủ dựa trên những giá trị rõ ràng", ông nói, khẳng định cam kết của Mỹ "chưa bao giờ mạnh mẽ hơn".

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Ảnh: Liêu Lãm.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Ảnh: Liêu Lãm.

Chính sách của ông Trump đối với châu Á chính thức được công bố hồi tháng 11 năm ngoái, tập trung vào cả hai lĩnh vực an ninh và kinh tế. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều hoài nghi về chiến lược của Washington tại khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng trên toàn cầu.

Theo đại sứ, Mỹ đã cung cấp hơn nửa tỷ USD cho viện trợ an ninh tại khu vực trong năm 2018, bao gồm 385 triệu USD thuộc chương trình Tài chính Quân sự Nước ngoài, nhiều hơn 3 năm trước cộng lại. Tổng đầu tư của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện đạt mức 1.400 tỷ USD, nhiều hơn đầu tư của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Đại sứ Mỹ nhấn mạnh hỗ trợ về phát triển và hạ tầng phải "được xem xét kỹ lưỡng tương tự cách mọi người quản lý tài chính cá nhân của mình" và rằng "những thứ quá tốt thì không có thật". Phát biểu này gợi lên âm hưởng về cái mà giới quan sát gọi là "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc.

Dưới chương trình "Vành đai, Con đường" đầy tham vọng, Trung Quốc đã cho nhiều nước trong khu vực vay vốn để xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, không phải lúc nào Bắc Kinh cũng quan tâm đến khả năng tài chính của các nước này, khiến họ lâm vào tình trạng nợ nần.

Một ví dụ điển hình là năm 2017, Sri Lanka quyết định bàn giao cảng Hambantota chiến lược cho một công ty nhà nước Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm để trả nợ cho Bắc Kinh. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sau khi nhậm chức hồi tháng 5 đã hoãn hàng loạt dự án đầu tư của Trung Quốc, lo ngại đất nước rơi vào bẫy nợ. Maldives cũng đang đứng trước nguy cơ nợ nần với các khoản vay từ Bắc Kinh.

"Một nguyên tắc là: Cái gì có vẻ quá tốt thì có thể không có thật. Nhiều khoản vay hạ tầng với những điều khoản thiếu minh bạch trong các dự án có cơ sở kinh tế đáng ngờ thường xuyên đi cùng những ràng buộc và dẫn đến nợ nần không thể trả", ông Kritenbrink nói.

"Như Phó tổng thống Pence phát biểu tại Hội nghị CEO APEC tháng trước: Mỹ mang đến một lựa chọn tốt hơn. Chúng tôi không nhấn chìm đối tác trong biển nợ. Chúng tôi không cưỡng bức hay làm phương hại đến nền độc lập của một quốc gia".

Hội nghị APEC tháng 11/2018 ở Papua New Guinea chứng kiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến việc không ra được tuyên bố chung. Trong ảnh: Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (hàng trên, giữa) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (quay lưng) chuẩn bị chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: Reuters.

Trong khi Trung Quốc vốn bị chỉ trích về việc đưa lao động nước nhà đến làm việc cho các dự án ở nước ngoài, ông Kritenbrink nói các công ty Mỹ thuê và đào tạo nhân công của nước sở tại.

"Họ không phục vụ cho một thủ đô xa xôi nào đó; họ trực tiếp làm lợi cho khu vực", ông nói.

Lạc quan về hợp tác Việt - Mỹ

Đại sứ Kritenbrink nói ông lạc quan về những cơ hội hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Nhắc lại việc Tổng thống Trump chọn hội nghị APEC tại Đà Nẵng năm ngoái để công bố tầm nhìn về "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", ông nhấn mạnh Việt Nam "là một trong những đối tác song phương quan trọng nhất của Mỹ".

"Mỹ đang làm việc để tăng cường năng lực quân sự của Việt Nam để Việt Nam có thể đóng vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy lợi ích của chính mình", ông Kritenbrink cho biết. "Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ có thể hợp tác với Mỹ trong việc đóng góp cho an ninh khu vực".

Đối thoại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sự kiện do Diễn đàn Kinh tế Châu Á tổ chức. Sự kiện diễn ra sau khi Mỹ gần đây công bố một chiến lược mới về thương mại tại khu vực trong bối cảnh hành lang kinh tế ASEAN đang đứng giữa ngã tư đường với sự cạnh tranh giữa sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. Ảnh: Liêu Lãm.

Phát biểu tại đối thoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Phạm Quang Vinh nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN đối với sự phát triển và an ninh, thịnh vượng của khu vực.

"ASEAN đóng vai trò trung tâm tại khu vực, đặc biệt trong việc quan hệ đối tác với các cường quốc trên thế giới, và chúng ta cần tiếp tục phát triển các mối quan hệ này", ông nói.

Thứ trưởng khẳng định Việt Nam tiếp tục ủng hộ các sáng kiến mang tính mở và bao trùm, bao gồm chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở" của Mỹ.

"Mỹ đã có ý định tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc... Việt Nam mong muốn tham gia vào tất cả những tiến trình này", ông nói.

Vũ Mạnh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dai-su-kritenbrink-my-khong-nhan-chim-doi-tac-trong-bien-no-post896784.html