Đại sứ Na Uy tại Việt Nam: Chuyến thăm sẽ đưa hợp tác hai nước thực chất, hiệu quả hơn

Chuyến thăm chính thức Na Uy lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ khẳng định, củng cố tình hữu nghị truyền thống và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác Na Uy-Việt Nam theo hướng thực chất hơn và hiệu quả hơn - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen trả lời phỏng vấn riêng cho Báo TG&VN.

Đại sứ có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về chuyến thăm chính thức Na Uy lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen. (Nguồn: ĐSQ)

Mặc dù Thủ tướng Nauy và Thủ tướng Việt Nam đã gặp gỡ tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 (tháng 6/2018) và Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12) vào tháng 10/2018, nhưng đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Na Uy kể từ năm 1999. Sự kiện này góp phần khẳng định lại mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống, và tăng cường quan hệ hợp tác Na Uy-Việt Nam theo hướng thực chất hơn và hiệu quả hơn.

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Na Uy sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021). 48 năm trước, Na Uy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Hai nước đã và vẫn đang duy trì các hoạt động tiếp xúc cấp cao. Mới đây nhất, Thủ tướng Na Uy, Erna Solberg, đã thăm chính thức Việt Nam vào tháng 4/2015. Đầu tháng 11/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng sang thăm Na Uy.

Đại sứ Grete Lochen giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Chiến lược mới của Na Uy về vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và an ninh. (Nguồn: ĐSQ)

Đại sứ đánh giá thế nào về các thành tựu cũng như triển vọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Na Uy?

Hơn 4 thập kỷ qua, mối quan hệ của chúng ta đã phát triển lành mạnh và ổn định trên nhiều lĩnh vực như thủy sản, dầu khí, môi trường, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và quyền con người. Na Uy đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 2,8 tỷ Krone ODA (tương đương với 320 triệu USD). Chúng tôi vui mừng khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Điều này đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Giờ đây, chúng ta không còn là nước tài trợ và nhận tài trợ nữa, mà đã trở thành các đối tác đa phương và song phương bình đẳng của nhau.

Không chỉ duy trì cơ chế tham vấn chính trị định kỳ, hai nước đều quan tâm thúc đẩy thương mại, đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải/kinh tế biển và năng lượng sạch. Chúng ta cũng đang chung tay giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu như bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kể cả kinh tế biển bền vững, và thúc đẩy một Liên hiệp quốc mạnh mẽ và hiệu quả.

Hiện có khoảng 40 công ty Na Uy đang hoạt động ở Việt Nam, và con số này sẽ còn tăng. Kể từ khi nhận nhiệm kỳ ở Việt Nam tháng 9/2018, tôi đã gặp hơn 20 doanh nghiệp Na Uy sang Việt Nam nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chế biến phụ phẩm thủy sản, năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Đây là những lĩnh vực thế mạnh của Na Uy với nhiều công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Các công ty của chúng tôi sẽ đóng góp tích cực cho Việt Nam thông qua những thông lệ kinh doanh bền vững và có trách nhiệm. Cảm nhận được nhiệt huyết cũng như hy vọng của các doanh nghiệp Na Uy, tôi rất tin tưởng vào tương lai hợp tác to lớn giữa hai nước.

Tuần trước, một số công ty thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã sang Na Uy để học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản của chúng tôi, đặc biệt là phương pháp sản xuất cá hồi giống có chất lượng cao. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Na Uy có nhiều bài học quý giá để chia sẻ với Việt Nam, giúp các bạn thực hiện thành công kế hoạch xây dựng thương hiệu quốc tế cho sản phẩm cá tra của mình.

Diễn đàn doanh nghiệp Na Uy-Việt Nam được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm lần này của Thủ tướng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Hy vọng, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ tận dụng được tất cả những cơ hội đó.

Đại sứ đặt ra những ưu tiên gì trong nhiệm kỳ công tác của mình ở Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước?

Gần nửa thập kỷ quan hệ là nền tảng vững chắc để tình hữu nghị của chúng ta tiếp tục đơm hoa kết trái. Theo tôi, chúng ta có thể hợp tác tốt hơn và hiệu quả hơn trong những lĩnh vực sau: Kinh tế biển xanh và bền vững. Việt Nam và Na Uy đều là các quốc gia có đường bờ biển dài và đã phát triển nghề cá trong nhiều thế kỷ. Hiện, chúng ta đều nằm trong tốp 10 quốc gia thủy sản lớn nhất thế giới. Na Uy và Việt Nam luôn tự hào về 30 năm hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, từ xây dựng chính sách tới hợp tác về giáo dục, đào tạo, và kinh doanh.

Chính phủ Na Uy vừa ban hành một Chiến lược Đại dương Xanh đầy tham vọng chú trọng tới mục tiêu phát triển kinh tế biển an toàn hơn, xanh hơn và bền vững hơn trong những năm tới. Chiến lược này đặt ra những vấn đề mang tính quốc gia và quốc tế như công nghệ xanh, số hóa, sử dụng sáng tạo nguồn lợi biển, ngoại giao quốc tế, phòng chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU), và ô nhiễm nhựa.

Thật vui khi nhận thấy hai chính phủ đều nhận thức được sự cần thiết phải giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa nghiêm trọng trên biển để gìn giữ các đại dương trong lành cho con cháu chúng ta và các thế hệ mai sau. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg là người hùng của Sáng kiến Đại dương - Kinh tế Biển bền vững. Ngài Thủ tướng cũng đã đề cao mối quan tâm tới vấn đề này và mới đây đã kêu gọi sự chung tay để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.

Năng lượng bền vững cũng là ngành thế mạnh của Na Uy. Quá trình xây dựng và hiện đại hóa ở Na Uy được khởi động cách đây 125 năm khi chúng tôi bắt đầu làm thủy điện dựa vào hệ thống sông và thác nước. Thủy điện đã, đang và sẽ tiếp tục là trụ cột chính của Na Uy. Bên cạnh đó là các giải pháp tiên tiến của Na Uy về năng lượng mặt trời và khí LNG. Với thế mạnh về công nghệ xanh, tiên tiến và những giải pháp kỹ thuật bền vững, các công ty Na Uy sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với Việt Nam trong những lĩnh vực cả hai cùng quan tâm. Các công ty của chúng tôi sẽ đóng góp tích cực cho Việt Nam thông qua những thông lệ kinh doanh bền vững và có trách nhiệm.

Na Uy và Việt Nam đều ủng hộ cơ chế hợp tác đa phương. Na Uy luôn ủng hộ hết mình Liên hợp quốc và một trật tự thế giới dựa trên luật pháp. Các thách thức toàn cầu cần phải có các giải pháp toàn cầu. Chúng ta có thể cùng nhau biến giấc mơ thành hiện thực. Như Việt Nam, Na Uy cũng đang ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021-2022. Chúng tôi sẵn sàng phục vụ và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.

Bên cạnh đó, ASEAN đã trở thành một cộng đồng với nhiều kỳ vọng về kinh tế và thương mại. Na Uy trở thành đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN năm 2015, và đã bổ nhiệm một đại sứ chuyên trách tại ASEAN ở Jakarta. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của ASEAN đối với Na Uy. Năm 2020, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, tôi tin rằng chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội để củng cố hơn nữa mối quan hệ Na Uy - Việt Nam trong bối cảnh khu vực.

Tôi mong chờ được chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Na Uy. Thật vinh dự khi được đón tiếp Thủ tướng tại thành phố quê hương Oslo của tôi.

Xin cám ơn Đại sứ!

Hằng Phạm

(Thực hiện)

Phạm Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-na-uy-tai-viet-nam-chuyen-tham-se-dua-hop-tac-hai-nuoc-thuc-chat-hieu-qua-hon-94264.html