Đại sứ Na Uy tại Việt Nam: Tết Việt trong tôi

Năm 2023 là năm đầu tiên chúng tôi đón Tết ở Việt Nam. Khi đó, mọi người hỏi tôi về Tết nhưng tôi không biết nói gì nhiều ngoài cảm giác hào hứng thêm chút tò mò. Vì thế, chúng tôi quyết định ở lại Thủ đô Hà Nội để trải nghiệm cái Tết đầu tiên. Một mùa Xuân nữa lại về. Năm nay, tôi đã biết nhiều hơn về Tết Việt.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken.

Tết là mùa sum họp

Tôi biết Tết là kỳ nghỉ quan trọng nhất của người Việt. Thông thường, Tết chỉ kéo dài chính thức ba ngày nhưng tôi nhận thấy người Việt ngày nay ăn Tết dài hơn có khi đến một tuần. Điều thú vị là Tết Nguyên đán của người Việt cũng giống với kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới ở Na Uy.

Đây là dịp để mọi người đoàn viên với gia đình, gặp gỡ bạn bè và những người yêu quý. Nhiều người đi làm xa sẽ tranh thủ dịp này để về nhà ăn Tết và tận hưởng quãng thời gian quý giá bên gia đình, tỏ lòng thành kính với tổ tiên và giao lưu với những người bạn lâu ngày không gặp. Nhiều cơ quan và công ty sẽ đóng cửa để tạo điều kiện cho nhân viên và công nhân của mình có thêm thời gian bên gia đình.

Tôi thích Tết vì đây là dịp đặc biệt người Việt Nam không chỉ bày tỏ sự biết ơn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà còn để tại ơn các vị thần linh như ông Công ông Táo, Ngọc Hoàng và Mẫu…

Tết đậm sắc màu và hương vị

Tôi thích cảm giác nhìn phố xá Hà Nội đông đúc và nhiều sắc màu hơn khi Tết đến. Hoa lá đầy màu sắc tràn ngập phố phường, được bán khắp nơi từ phố lớn tới ngõ nhỏ. Màu đỏ hay hồng của hoa đào tới màu vàng của mai quất là các màu chủ đạo.

Người Việt có nhiều món ăn truyền thống nhân dịp Tết, trong đó phải kể tới bánh chưng và nem rán. Con gái tôi đặc biệt thích nem rán. Còn bánh chưng, chúng tôi thấy khá ngon mặc dù nó không giống bất cứ món ăn nào của Na Uy. Thêm một điểm nữa, vì là nước nhiệt đới, các bạn có rất nhiều loại mứt Tết làm từ hoa quả, như mứt dừa, mứt sen, mứt xoài, rồi cả mứt gừng, mứt khoai, mứt cà rốt... Na Uy không làm mứt như thế này mà theo truyền thống, chúng tôi thường làm bảy loại bánh quy trong dịp Giáng sinh và Năm mới. Mặc dù vậy, tôi chưa bao giờ làm được quá ba loại bánh.

Phải nói là người Việt Nam “ăn Tết” rất to, vì thế các bạn phải chuẩn bị rất nhiều thứ cho Tết. Tôi có cảm giác phụ nữ phải vất vả hơn vào thời gian này.

Tết và các phong tục Tết

Năm mới, dù ở Na Uy hay Việt Nam, đều là dịp để mọi người nhìn lại những công việc đã hoàn thành hoặc thậm chí còn dang dở của mình trong năm cũ. Nhưng quan trọng hơn cả là để dự định và lên kế hoạch cho Năm mới.

Tết Việt Nam có rất nhiều phong tục mang tính biểu tượng rất thú vị. Đầu tiên phải kể tới là phong tục lì xì. Một phong bì đỏ với một số tiền, không cần lớn, trong đó, được coi là lời chúc Năm mới may mắn và tốt lành cho các em nhỏ, để sự bày tỏ sự kính trọng và tình yêu với người lớn tuổi.

Tục lệ xông đất cũng hay. Năm ngoái, tôi được chọn là người xông đất của Đại sứ quán. Người đầu tiên đặt chân vào nhà sau Giao thừa được cho là người sẽ ảnh hưởng tới vận may và sự thành công của gia chủ và cả gia đình trong suốt năm đó. “Sứ mệnh” quan trọng này của người xông đất khiến tôi có chút áp lực. Tôi nghĩ mình đã hoàn thành tốt sứ mệnh này, vì trong năm 2023 mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Na Uy đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, trong đó phải kể tới chuyến thăm chính thức Na Uy của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Bên cạnh đó là rất nhiều chuyến thăm và sự kiện trao đổi khác giữa các cơ quan cũng như doanh nghiệp hai nước.

Tết là khám phá

Tết năm ngoái, chồng tôi cũng mua một cành đào về cắm tại nhà riêng ở Hà Nội. Chúng tôi thích đào bích Việt Nam vì màu đỏ là tượng trưng cho may mắn và niềm vui. Chúng tôi đã trang trí cành đào theo cách mà người Na Uy hay làm, đó là treo lên đó những mẩu giấy đỏ viết những lời chúc và mong ước Năm mới của các thành viên trong gia đình.

Mùng Một hay ngày đầu Năm mới có lẽ là dịp hiếm hoi mà chúng tôi thấy Hà Nội ít người và xe cộ hơn hẳn. Gia đình tôi tranh thủ đi dạo nhiều hơn và chụp ảnh ở khu vực Bờ Hồ và phố cổ. Chúng tôi đến thăm Văn Miếu, tìm hiểu về lịch sử trường đại học đầu tiên của Việt Nam và “xin chữ”. Chúng tôi gặp một thầy đồ rất trẻ và thầy đã tặng gia đình tôi chữ Hạnh Phúc.

Tết năm nay, chắc chúng tôi sẽ đi du lịch. Chúng tôi rất háo hức khám phá không khí Tết ở những vùng miền khác của Việt Nam.

Nhân dịp Xuân mới, tôi chúc độc giả của Báo Thế giới & Việt Nam đón Tết vui vẻ và ấm áp. Chúc các bạn một năm Giáp Thìn hạnh phúc, mạnh khỏe và thịnh vượng! Chúc mừng Năm mới!

Hilde Solbakken

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-na-uy-tai-viet-nam-tet-viet-trong-toi-260042.html