Đại sứ Nga giữa tâm chấn Lebanon

'Chúng tôi nằm trong khu vực tâm chấn sự kiện, song không phải là đối tượng gây hấn của những người biểu tình'

Sputnik ngày 15/1 trích dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Đại sứ quán Nga tại Beirut (Lebanon) không phải là đối tượng gây hấn và đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát, tuy nhiên, tòa nhà nằm trong tâm chấn biểu tình.

"Chúng tôi nằm trong khu vực tâm chấn sự kiện, song không phải là đối tượng gây hấn của những người biểu tình, bởi vì trong thời điểm này họ đang tập trung trước tòa nhà cảnh sát bên cạnh yêu cầu thả những người ủng hộ họ bị bắt giữ", một nhà ngoại giao nói.

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình nổ ra gần Đại sứ quán Nga tại Beirut (Lebanon) ngày 15/1.

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình nổ ra gần Đại sứ quán Nga tại Beirut (Lebanon) ngày 15/1.

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga, nhân viên phái đoàn ngoại giao Nga không có ai bị thương. Có một vài quả pháo nổ nhỏ rơi vào khuôn viên Đại sứ quán.

Cảnh sát Lebanon đã sử dụng vũ lực để giải tán đoàn người biểu tình tập trung cạnh trụ sở cảnh sát Sakanet Helou, sau khi những người này kích động lực lượng an ninh trong hơn nửa giờ và ném gạch đá vào họ.

Hội Chữ thập đỏ Lebanon cho biết "đến thời điểm hiện tại, đã có 35 người bị thương được đưa đến bệnh viện và mười người khác đang được chăm sóc y tế tại chỗ".

Vụ bạo động nổ ra hôm 15/1 là diễn biến mới nhất của phong trào biểu tình kéo dài từ ngày 17/1/2019 ở Lebanon để phản đối đề xuất của chính quyền muốn đánh thuế các cuộc gọi trực tuyến qua mạng xã hội WhatsApp.

Thủ tướng Saad al-Hariri đã tuyên bố từ chức hôm 29/10/2019 nhưng chính quyền của ông vẫn chịu trách nhiệm điều hành đất nước khi chưa có dấu hiệu nào về việc thành lập một bộ máy mới.

Người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường đòi cải cách đất nước trong bối cảnh nền kinh tế Lebanon đang chìm trong khủng hoảng kéo dài. Họ yêu cầu thành lập nội các mới bao gồm những chuyên gia độc lập không liên quan tới các đảng chính trị truyền thống.

Tuy nhiên, những cuộc tham vấn Quốc hội về vấn đề này chưa rõ khi nào diễn ra, trong khi việc hình thành chính phủ ở Lebanon thường mất nhiều tháng.

Ngân hàng Thế giới cho biết, khoảng 1/3 người Lebanon sống trong nghèo đói, đồng thời cảnh báo tình hình kinh tế của nước này có thể tồi tệ hơn nếu nội các mới không được thành lập nhanh chóng.

Ngọc Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dai-su-nga-giua-tam-chan-lebanon-3395271/