Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường 'bật mí' về tiềm năng hợp tác Việt Nam-Bangladesh, mục tiêu 2 tỷ USD trong tầm tay

Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có chuyến thăm chính thức Bangladesh (21-23/9), Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Nguyễn Mạnh Cường đã chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm và những tiềm năng trong hợp tác kinh tế song phương.

Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Sân bay quốc tế Hazart Shahjalal, thủ đô Dhaka, Bangladesh. (Nguồn: TTXVN)

Xin Đại sứ chia sẻ về ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Bangladesh lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?

Trong bối cảnh hai nước tích cực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm chính thức Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo xung lực mới cho sự phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Với chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ta tiếp tục khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Bangladesh.

Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Nguyễn Mạnh Cường. (Ảnh: ĐSQ)

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngoài đảng cầm quyền, Đoàn sẽ có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Đảng Cộng sản, Đảng Công nhân… và Hội hữu nghị Bangladesh-Việt Nam.

Sau hơn ba năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, đây là thời điểm để hai bên rà soát lại những nội dung và việc triển khai các thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực để có các biện pháp phù hợp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tình hình mới.

Lãnh đạo Quốc hội hai nước sẽ trao đổi tổng thể về quan hệ song phương trên các mặt chính trị-ngoại giao, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, tình hình khu vực và thế giới mà hai bên quan tâm...

Trong dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ tham dự và phát biểu tại Học viện Ngoại giao Bangladesh, làm rõ hơn chính sách phát triển nói chung của Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Bangladesh.

Quan hệ gắn bó giữa hai Quốc hội sẽ được nâng lên một bước thông qua các cuộc hội đàm, trao đổi theo hướng hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn Nghị viện khu vực và quốc tế, nhất là tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á (APPF)… đóng góp vào sự phát triển chung vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên sẽ thông tin, trao đổi về những kết quả quan trọng của Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức hết sức thành công tại Hà Nội từ ngày 14-17/9 vừa qua, đây là một trong những nội dung Quốc hội bạn rất quan tâm.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên hai bên chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội; Thỏa thuận hợp tác giữa các Cơ quan tham mưu, giúp việc của hai Quốc hội; chính thức công bố thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Bangladesh.

"Đây là lần đầu tiên hai bên chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội; Thỏa thuận hợp tác giữa các Cơ quan tham mưu, giúp việc của hai Quốc hội; chính thức công bố thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Bangladesh".

Với mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại tăng từ 1,5 tỷ USD vào năm 2022 lên 2 tỷ USD trong thời gian tới, hai bên sẽ tập trung trao đổi về các biện pháp nhằm tạo đột phá trong quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư… giữa hai nước. Trong thời gian chuyến thăm, lãnh đạo nhiều phòng thương mại-công nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Bangladesh sẽ tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng tham dự và phát biểu, chứng kiến ký kết hợp tác kinh doanh giữa một số doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Bangladesh tại “Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Bangladesh” được tổ chức tại Thủ đô Dhaka, Bangladesh.

Năm nay, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, xin Đại sứ đánh giá về những nét nổi bật nhất của quan hệ song phương trong 5 thậy kỷ qua?

Để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, từ đầu năm đến nay hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực như tổ chức kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (11/2/1973 - 11/2/2023), kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tham khảo chính trị… Có thể nói, trong suốt 5 thập kỷ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước tiếp tục được củng cố, phát triển và ngày càng sâu sắc hơn trên tất cả các kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, quan hệ Quốc hội và giao lưu nhân dân.

Ngay sau khi Bangladesh tuyên bố độc lập vào tháng 3/1971, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh và chính thức thiết lập quan hệ ở cấp cao nhất - cấp đại sứ. Tương tự, Bangladesh là quốc gia đầu tiên tại Nam Á công nhận (26/7/1973) và thiết lập quan hệ ngoại giao cũng ở cấp cao nhất với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tháng 10/1973).

Việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao là những dấu ấn quan trọng tăng cường, làm sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó giữa hai nước. Về phía ta, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Bangladesh (3/2004), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 136 tại Bangladesh (2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp nhà nước Bangladesh (3/2018).

Về phía bạn, Thủ tướng Khaleda Zia thăm chính thức Việt Nam (5/2005), Thủ tướng Sheikh Hasina thăm chính thức Việt Nam (11/2012), Tổng thống Abdul Hamid thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (8/2015), Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury thăm chính thức Việt Nam (7/2017). Ngoài ra, lãnh đạo hai nước thường xuyên có các cuộc tiếp xúc bên lề các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai nước luôn dành sự ủng hộ lẫn nhau trong việc ứng cử các vị trí trong các tổ chức quốc tế đa phương quan trọng.

Ngoài Đảng cầm quyền, Đảng ta vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với các chính đảng khác như Đảng Cộng sản, Đảng Công nhân Bangladesh... Giao lưu nhân dân không ngừng được phát triển, đa dạng về hình thức. Người dân Bangladesh luôn yêu mến, cảm phục Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và ngưỡng mộ trước sự phát triển của Việt Nam ngày nay. Trong những năm qua, nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch sang tiếng Bangladesh được đông đảo người dân Bangladesh đón đọc. Tháng 3 vừa qua, Hội Hữu nghị Bangladesh-Việt Nam được thành lập là dấu ấn quan trọng cho việc tăng cường hợp tác, giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Quốc hội hai nước luôn duy trì và phát triển mối quan hệ chặt chẽ; trao đổi kinh nghiệm, thông tin cho nhau về tình hình mỗi nước và quốc tế. Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, Quốc hội hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn Nghị viện khu vực và quốc tế, nhất là tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á (APPF)… đóng góp vào sự phát triển chung vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Mới đây nhất, Quốc hội Bangladesh đã sớm cử Đoàn đại biểu gồm 4 nghị sỹ trẻ tham dự Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội.

Về kinh tế-thương mại, Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Thương mại song phương có sự phát triển vượt bậc trong những năm gân đây. Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước mới chỉ đạt khoảng 750 triệu USD nhưng đến năm 2022 đã đạt khoảng 1,5 tỷ USD và còn tiếp tục tăng.

Như Đại sứ nhấn mạnh, Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam ở khu vực Nam Á, hai nước đang hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đề ra. Đại sứ nhận định thế nào về tiềm năng hợp tác kinh tế song phương?

Bangladesh là nền kinh tế mới nổi, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng là một trong những nước có tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Với dân số đông khoảng 170 triệu người, đa số là lao động trẻ, nhu cầu tiêu dùng lớn và khá dễ tính, phù hợp với việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư và xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh.

Bên cạnh đó, Bangladesh đã xây dựng Tầm nhìn quốc gia, đặt mục tiêu thoát khỏi nhóm các nước nghèo vào năm 2026, quốc gia có trung bình cao vào năm 2035, quốc gia thông minh vào năm 2041. Để đạt được các mục tiêu đó, Bangladesh đang tích cực tìm kiếm mở rộng đối tác kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài; xác định mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Có thể nói Bangladesh là thị trường mới, tiềm năng cho các đối tác Việt Nam và Bangladesh trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thực phẩm, chế tạo máy, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, du lịch… Với mối quan hệ mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và những thỏa thuận hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực, tiềm năng hợp tác kinh tế song phương sẽ được khai phá mạnh mẽ và mục tiêu 2 tỷ USD kim ngạch thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ đạt được trong thời gian tới.

"Với mối quan hệ mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và những thỏa thuận hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực, tiềm năng hợp tác kinh tế song phương sẽ được khai phá mạnh mẽ và mục tiêu 2 tỷ USD kim ngạch thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ đạt được trong thời gian tới".

Tại kỳ họp thứ 2 Tham khảo chính trị giữa Việt Nam và Bangladesh tháng 5 vừa qua, phía Bangladesh đã khẳng định sẽ có nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư Việt Nam, Đại sứ có những gợi ý như thế nào đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Bangladesh?

Sau 6 năm bị gián đoạn, Tham khảo Chính trị Việt Nam-Bangladesh lần hai (phía Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu) vừa qua tại thủ đô Dhaka, Bangladesh đã thành công tốt đẹp.

Tại kỳ họp này, bạn hoan nghênh doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Bangladesh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, chế biến thực phẩm…; cho biết Bangladesh hiện có khoảng 100 khu công nghiệp, khu công viên phần mềm, công nghệ cao với nhiều ưu đãi (tuy nhiên, cho đến nay mới có khoảng 16 khu công nhiệp đi vào hoạt động).

Là một thị trường mới nổi, rất nhiều tiềm năng nhưng có nhiều khác biệt trong chính sách, pháp luật với Việt Nam, cả về vấn đề tôn giáo, văn hóa… Các doanh nghiệp Việt Nam khi có dự định đầu tư vào Bangladesh cần tìm hiểu kỹ thị trường, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh của Bangladesh, đặc biệt là chính sách về thuế, cơ chế chuyển lợi nhuận về nước, các thủ tục hành chính liên quan… Việc tìm hiểu kỹ về đối tác và chặt chẽ trong ký kết hợp đồng làm ăn là những yếu tố quan trọng khi đầu tư kinh doanh vào thị trường Bangladesh.

Khải Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-manh-cuong-bat-mi-ve-tiem-nang-hop-tac-viet-nam-bangladesh-muc-tieu-2-ty-usd-trong-tam-tay-242965.html