Đại sứ Thụy Sỹ Ivo Sieber nói về cái Tết 'kỳ diệu' của người Việt

Nhân dịp Tết đến Xuân về, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam về quan hệ song phương và những trải nghiệm về Tết Việt.

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber. (Nguồn: Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam)

Xin Đại sứ chia sẻ về một số nét nổi bật về quan hệ Việt Nam – Thụy Sỹ trong năm 2021, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao? Kỳ vọng của Đại sứ về hợp tác song phương năm 2022?

Năm 2021 mang lại nhiều cơ hội tốt để củng cố mối quan hệ và tăng cường hợp tác năng động giữa hai nước bất chấp những rủi ro từ đại dịch Covid-19. Tôi cảm thấy rất may mắn và tự hào vì hai nước đã cùng nhau đạt được nhiều cột mốc then chốt trong năm kỷ niệm quan trọng Việt Nam – Thụy Sỹ.

Hai chuyến thăm cấp cao tại Thụy Sỹ và Việt Nam – chuyến thăm của Phó Tổng thống Thụy Sỹ Ignazio Cassis tới Hà Nội đầu tháng 8 và sau đó là chuyến thăm Bern của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng 11/2021 – đều thành công và có ý nghĩa quan trọng. Nó cho phép các nhà hoạch định chính sách song phương làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và mối quan hệ tuyệt vời này. Đồng thời, các chuyến thăm này cho phép hai bên thẳng thắn thảo luận về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm như tăng cường quan hệ kinh tế hay ký kết thành công Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Đặc biệt, chuyến thăm của Phó Tổng thống Ignazio Cassis tới Hà Nội đã chính thức mở màn cho chương trình hợp tác kinh tế 4 năm của Thụy Sỹ với Việt Nam.

Vào tháng 10, Đại sứ quán Việt Nam tại Bern đã tổ chức “Ngày Việt Nam” tại Thụy Sỹ, sự kiện tôi lấy làm vinh hạnh được tham gia. Về phần mình, chúng tôi cũng tổ chức một số sự kiện, như lễ công bố Chương trình năm kỷ niệm quan hệ song phương vào tháng 3, đồng sản xuất vở nhạc kịch “Chuyện người lính” của nhà văn Thụy Sỹ Ferdinand Ramuz, hay thắp sáng tòa nhà Landmark81 tại TPHCM với logo kỷ niệm quan hệ song phương nhân ngày Quốc khánh Thụy Sỹ.

Trong tháng 8, giữa đợt cao điểm của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, Thụy Sỹ đã hỗ trợ nhân đạotrị giá 126 tỷ VND, giúp Việt Nam đảm bảo các nhu cầu cấp bách nhất, qua đó thể hiện tình đoàn kết trong cuộc chiến chung trước đại dịch Covid-19.

Trong tháng 11, tôi đã tham gia vào lễ khai mạc và bàn giao “Phòng Hội thảo Geneva” cho Học viện Ngoại giao Việt Nam. Cá nhân tôi đặc biệt gắn bó với căn phòng hội thảo này, bởi đây sẽ là minh chứng nhắc nhở chúng ta về năm kỷ niệm đầy ý nghĩa trong quan hệ ngoại giao hai nước. Quan trọng hơn, nó sẽ trở thành một phần của Học viện Ngoại giao, là sân chơi để các sinh viên, học giả và khách mời gặp gỡ, trao đổi ý tưởng. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới Học viện Ngoại giao vì sự phối hợp tuyệt vời này và tin tưởng rằng cái gọi là “tinh thần Geneva” trong giải quyết vấn đề trên tinh thần xây dựng và thảo luận ôn hòa bao trùm giờ đây đã tìm được ngôi nhà tốt nhất có thể tại Việt Nam.

"Tôi cảm thấy rất may mắn và tự hào vì hai nước đã cùng nhau đạt được nhiều cột mốc then chốt trong năm kỷ niệm quan trọng Việt Nam-Thụy Sỹ."

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber

Có thể nói, Việt Nam và Thụy Sỹ đã làm hết sức mình để tận dụng những cơ hội tốt nhất trong năm đặc biệt này: Chúng ta không chỉ nhìn vào lịch sử quan hệ song phương giàu truyền thống, mà còn hướng tới tương lai bằng cách tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác và cách hai bên có thể hỗ trợ lẫn nhau cùng giải quyết nhiều vấn đề nóng hiện nay, từ đảm bảo hòa bình an ninh thế giới tới ứng phó hiệu quả trước những thách thức từ đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Trong năm 2022, tôi kỳ vọng quan hệ song phương sẽ ngày càng sâu sắc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Thương mại và đầu tư đang là động lực lớn nhất trong quan hệ hợp tác của chúng ta, thậm chí còn trở nên quan trọng, năng động hơn với cả hai nước trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã gặt hái được nhiều lợi ích từ thặng dư thương mại. Trong năm 2020, thặng dư thương mại cho Việt Nam đạt mức 2 tỷ USD (tương đương 50.000 tỷ VND). Với hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ hiện đang có mặt tại Việt Nam, tạo ra hơn 20.000 việc làm, cùng các khoản đầu tư trực tiếp của Thụy Sỹ vào Việt Nam hiện đã vượt mốc 2 tỷ USD (tương đương 50 nghìn tỷ VND).

Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác song phương vẫn còn rất lớn. Ví dụ, Thụy Sỹ hiện là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 9 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi tại Việt Nam, Thụy Sỹ chỉ đứng thứ 19. Việc sớm ký kết hiệp định thương mại tự do tiến bộ giữa Việt Nam và “Hiệp hội Thương mại tự do Châu Âu” EFTA (gồm Iceland, Lichtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) sẽ góp phần thúc đẩy làn sóng đầu tư.

Ngoài ra, nó sẽ góp phần mở rộng tiềm năng cho hợp tác kinh tế song phương, tạo thêm cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và giữa các nước EFTA. Một khuôn khổ pháp lý vững chắc, với các quy định rõ ràng và cơ chế xét xử độc lập sẽ là những yếu tố then chốt đối với các doanh nghiệp Thụy Sỹ đầu tư ở nước ngoài.

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn bắt tay trước Phòng Hội thảo Geneva tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. (Nguồn: Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam)

Trong thời gian tới, Thụy Sỹ và Việt Nam sẽ tập trung tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực phát triển, giáo dục, nghiên cứu, khoa học sáng tạo. Với kinh nghiệm hợp tác hơn ba thập kỷ, chính phủ Thụy Sỹ sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác phát triển với Việt Nam. Chương trình hợp tác kinh tế 4 năm của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) sẽ tập trung vào đẩy mạnh xây dựng các điều kiện khung cho nền kinh tế thị trường và đáng tin cậy, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp tư nhân.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sỹ (SNSF) và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) cùng chung tay hỗ trợ 10 nhóm các nhà nghiên cứu Thụy Sỹ và Việt Nam triển khai các dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thụy Sỹ đặc biệt quan tâm tới mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục.

Cuối cùng, Thụy Sỹ mong muốn trúng cử để trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024 tại cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tháng 6 tới. Nhiệm kỳ thành công của Việt Nam tại cơ quan này mở ra nhiều cơ hội hợp tác hướng tới củng cố chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây là nguyên tắc then chốt cho sự thịnh vượng của cả hai nước.

Đây sẽ là cái Tết thứ ba của Đại sứ tại Việt Nam. Cảm xúc của Đại sứ trước sự kiện văn hóa đặc biệt này? Đại sứ sẽ làm gì trong Tết? Liệu Đại sứ có gì muốn chia sẻ với người dân Việt Nam?

Tất nhiên rồi! Tết là một thời khắc kỳ diệu và đặc trưng ở Việt Nam, là dịp để các gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên, ôn lại những truyền thống quý báu của cha ông, và cùng đón chào một năm mới với hy vọng, khởi đầu mới.

"Chắc chắn tôi sẽ đi dạo bộ, và đạp xe quanh hồ Hoàn Kiếm, loanh quanh phố cổ hay men dọc bãi bồi ven Sông Hồng, hoặc ghé thăm những ngôi đền, chùa cổ kính trên đất Thăng Long để thấm nhuần tinh thần của Tết Việt, từ đó khởi đầu một năm Nhâm Dần tràn đầy hứng khởi và dồi dào năng lượng."

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber

Cá nhân tôi luôn trân trọng và cố gắng tận hưởng tất cả những gì có thể từ bầu không khí đặc sắc, tuyệt vời ấy – từ những háo hức ngày Tết, sắc màu lộng lẫy, hương thơm phảng phất, mùi vị tuyệt vời. Quan trọng hơn, Tết là dịp để gác lại tất cả, để tận hưởng thời khắc quý giá bên gia đình và bạn bè.

Tôi sẽ dành Tết năm nay ở Hà Nội để tận hưởng bầu không khí thanh bình nhưng tươi vui, rực rỡ. Chắc chắn tôi sẽ đi dạo bộ, và đạp xe quanh hồ Hoàn Kiếm, loanh quanh phố cổ hay men dọc bãi bồi ven Sông Hồng, hoặc ghé thăm những ngôi đền, chùa cổ kính trên đất Thăng Long để thấm nhuần tinh thần của Tết Việt, từ đó khởi đầu một năm Nhâm Dần tràn đầy hứng khởi và dồi dào năng lượng.

Tôi xin chúc nhân dân Việt Nam trong năm Nhâm Dần sẽ dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc, đất nước Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành công và phát triển thịnh vượng.

Chúc mừng năm mới!

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-thuy-sy-ivo-sieber-noi-ve-cai-tet-ky-dieu-cua-nguoi-viet-171697.html