Đại tá công an làm shipper và chuyện phá ngàn vụ án

Đại tá Lê Hồng Thắng phá cả nghìn vụ án, nhưng lần chặn đứng bữa tiệc quy tụ 500 giang hồ máu mặt ở đất Cảng lại để lại trong anh nhiều cảm xúc.

Nhiều người dân ở Hải Phòng đặt mua trứng, mua rau của một shop bán hàng từ thiện không khỏi ngỡ ngàng, khi “anh shipper” lại chính là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hải Phòng.

Tranh thủ làm shipper nuôi trung tâm từ thiện

Đại tá Lê Hồng Thắng (mặc áo phông) trong một chuyến đi từ thiện ở miền núi phía Bắc

“Trong đơn vị, chúng tôi thường gọi Trưởng phòng của mình là “bá Thắng” vì chúng tôi coi ông như người cha, người bác của mình chứ không đơn thuần là thủ trưởng đơn vị.

Bá Thắng truyền dạy chúng tôi từ những kỹ năng trong nghề hình sự đến lối sống, cách sống đúng mực của người cán bộ công an. Anh em chúng tôi trong những lúc rảnh rỗi lại theo bá Thắng đi ship rau, gạo, trứng... để duy trì trung tâm từ thiện”, Trung tá Khúc Thanh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự Hải Phòng kể khi nhắc tới người thủ trưởng của mình.

Gần 40 năm công tác trong lực lượng cảnh sát hình sự, trực tiếp chỉ đạo điều tra truy xét hơn 1.000 vụ án, chuyên án, triệt phá hàng trăm ổ nhóm tội phạm, bắt hơn 2.000 đối tượng hình sự, Đại tá Lê Hồng Thắng được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2018.

Trung tâm từ thiện mà Trung tá Tuấn nhắc tới được vợ chồng Đại tá Lê Hồng Thắng mở từ năm 2018 trên phố Lạch Tray, hiện đang nuôi dưỡng hàng chục người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa. Nơi đây được gọi với cái tên “Ngôi nhà yêu thương”.

Ngoài tiền túi tự bỏ ra, để có thêm trang trải sinh hoạt cho trung tâm, vợ chồng anh mở một cửa hàng nhỏ bán các mặt hàng rau củ quả, trứng, gạo…

Đại tá Thắng vốn được biết đến như một khắc tinh của tội phạm đất Cảng suốt hàng chục năm qua. Với những người đã quen với hình ảnh “anh shipper đặc biệt” thì không sao, song với nhiều người khác, khi thấy người mang hàng tới là vị Đại tá công an, họ không khỏi ngạc nhiên.

Đó là những lúc được nghỉ ngơi hiếm hoi, anh tranh thủ đi ship hàng. Còn thường ngày, Đại tá Lê Hồng Thắng luôn bận bịu với công việc của người đứng đầu Phòng Cảnh sát hình sự.

Một ngày đầu tháng 4/2023, trong căn phòng quen thuộc tại cơ quan, Đại tá Lê Hồng Thắng trầm ngâm bên chồng hồ sơ án mà cấp dưới vừa mang lên.

Anh chia sẻ: “Mỗi một vụ án, một đối tượng hiềm nghi chúng tôi phải thu thập tài liệu rất nhiều. Phải dựng lên một chân dung chân thực nhất về đối tượng chứ không phải là một vài dòng khô khốc trong hồ sơ nhân khẩu”.

Bản lĩnh trước họng súng tội phạm

Đại tá Lê Hồng Thắng điều hành cuộc họp tại đơn vị

Được đào tạo trong lĩnh vực an ninh, nhưng hơn 30 năm trước, chiến sỹ Lê Hồng Thắng chuyển sang lĩnh vực cảnh sát. Năm 1992, anh về công tác tại Đội H88 Hải Phòng (đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang), thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng.

Chiến công đầu tiên của anh là triệt xóa băng cướp “tay lái Thành Đô”. Ở thời đó, các băng cướp thường chạy bộ cướp, nhưng băng “tay lái Thành Đô” đã trang bị cho mình xe máy để dễ bề tẩu thoát.

Được giao nhiệm vụ, Lê Hồng Thắng lặn lội từ sáng tới đêm theo sát hành tung của nhóm cướp. Tới tháng 3/1993, sau nhiều tháng điều tra, anh báo cáo lập chuyên án. Bốn đối tượng trong băng cướp bị trừng trị, giúp anh tự tin hơn trong các chuyên án khác.

Từ vụ án đầu tiên đó, tới nay Đại tá Lê Hồng Thắng đã trải qua hàng trăm trận đánh, hàng nghìn đối tượng hình sự đã phải tra tay vào còng.

“Điều làm nên tên tuổi của giang hồ Hải Phòng chính là sự liều lĩnh, sẵn sàng đối mặt với công an. Bản thân tôi không dưới 5 lần bị đối tượng hình sự nổ súng nhắm vào mình”, anh kể.

Năm 2001, thời điểm ấy khi là Đội trưởng án tuyến, phụ trách các điểm giao thông, anh chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc tranh cướp tại các bến cảng, chính từ việc này các đối tượng cử người bắn anh để trả thù.

Nhớ lại buổi tối bị truy đuổi, anh kể: “Lúc ấy, tôi chở vợ đi trên đường Mê Linh. Khi rẽ sang đường, nhìn qua gương, tôi thấy 4 người đi trên hai xe máy cũng rẽ theo rất nhanh. Trên tay đối tượng đã rút ra một khẩu súng. Khi khoảng cách giữa hai bên chỉ còn vài chục mét, tôi quay ngược đầu xe, dừng lại và rút súng ra. Thấy vậy, các đối tượng lập tức bỏ chạy. Lúc đó, vợ tôi vẫn ngồi sau xe, sợ hãi vì chưa biết chuyện gì đang xảy ra”.

Năm 2012, khi đang là Phó trưởng Công an huyện An Dương, anh chỉ đạo vụ thu giữ 10 bánh ma túy ở Hải Phòng, sau đó triển khai bắt, khám xét đối tượng Sòng A Khai ở Lóng Luông (tỉnh Sơn La). Lóng Luông thời điểm đó đang là lãnh địa của các trùm ma túy, lần đầu tiên công an một huyện ở đồng bằng dám tới sào huyệt này.

“Đang khám xét nhà Sòng A Khai, tôi nghe tiếng súng vang lên trên đầu. Thì ra các đối tượng lợi dụng núi cao xung quanh đã nổ súng bắn về phía chúng tôi”, Đại tá Thắng chia sẻ.

Nhận diện tội phạm mới để triệt phá

Đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng phòng hình sự, Công an TP Hải Phòng

Theo Đại tá Lê Hồng Thắng, tội phạm ở Hải Phòng chia làm 3 giai đoạn với những cấp độ khác nhau. Ngoài giai đoạn đầu (thập niên 70 - 80) với những băng cướp manh động thì từ thập niên 80 - 90, tội phạm xuất hiện với những ổ nhóm khét tiếng như Cu Nên, Dung Hà, Lâm già... tranh giành khốc liệt với nhau để cát cứ địa bàn, lĩnh vực bảo kê.

Từ đầu những năm 2000 tới nay, tội phạm hình sự đã bước sang một thời kỳ mới với sự tinh vi, phức tạp hơn nhiều, là thời của những “giang hồ cổ cồn trắng”. Chúng núp bóng doanh nghiệp, mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực như kinh tế, ma túy, tội phạm công nghệ cao.

Theo Đại tá Thắng, khi tội phạm có tổ chức hình thành và ngày càng tinh vi, chúng sẽ tìm cách móc nối, kết hợp làm ăn và có sự ăn chia với các lực lượng quản lý. Khi hội tụ đủ những yếu tố nêu trên, nhóm tội phạm trên sẽ trở thành những tổ chức mafia như đã hình thành ở một số nước.

“Những tên tội phạm hình sự sừng sỏ thường rất thông minh, chúng có mối quan hệ rộng và có điều kiện tìm hiểu về những kẽ hở của pháp luật để lợi dụng”, Đại tá Thắng chia sẻ và kể câu chuyện về một “trào lưu” âm thầm trong giới anh chị đất Cảng mà cảnh sát hình sự Hải Phòng là đơn vị đầu tiên phát hiện, triệt xóa.

Lợi dụng chính sách của Nhà nước khi không kết tội hoặc giảm nhẹ hình phạt cho người bị bệnh tâm thần, nhiều dân “anh chị” ở đất Cảng từ hàng chục năm trước đã giả tâm thần, đi điều trị để có được tấm giấy chứng nhận tâm thần. Khi “có chuyện”, họ trưng tấm “kim bài” này ra đối phó.

Để có thể chứng minh, kết tội nhóm đối tượng này, lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, năm 2013, anh đã chỉ đạo tập trung điều tra xử lý các đối tượng lưu manh, côn đồ sử dụng hồ sơ bệnh nhân tâm thần giả để trốn tránh xử lý trước pháp luật, bắt 3 đối tượng đưa ra truy tố trước pháp luật.

Giải tán bữa tiệc quy tụ 500 giang hồ cộm cán

Đại tá Lê Hồng Thắng đã trực tiếp thụ lý, phá cả nghìn vụ án, nhưng lần chặn đứng bữa tiệc quy tụ 500 giang hồ máu mặt ở đất Cảng lại để lại trong anh nhiều cảm xúc.

Ngày 3/8/2015, anh nắm được thông tin 24 đối tượng thuộc diện “anh, chị” gửi thư mời các đối tượng cộm cán trong nước và nước ngoài tới dự tiệc để đón một “đại ca” được đặc xá tha tù tại Đồ Sơn vào ngày 6/9.

Bữa đại tiệc dự kiến tổ chức tại một sân khấu ngoài trời với khoảng 500 khách, hầu hết là đối tượng trong giới giang hồ Việt Nam, Thái Lan, Mỹ, Anh, Canada. Đây cũng là cơ hội để một số kẻ lợi dụng thanh toán lẫn nhau, dằn mặt các băng nhóm khác để được suy tôn “lên sao, lên số”.

Sau nhiều phương án đưa ra nhưng chưa đủ sức để buổi tiệc phải dừng lại, cuối cùng, anh phải thực hiện phương án đấu tranh trực tiếp với nhóm cầm đầu. “Bọn chúng thề, nếu tôi không dừng lại, chúng sẽ cho nổ mìn ở nhà tôi, ám sát tôi và bắt cóc con trai tôi… Lúc nào trước cửa nhà tôi cũng xuất hiện vài người lạ mặt”, anh kể.

Sáng 6/9 - ngày diễn ra bữa tiệc, một mặt anh yêu cầu các trinh sát theo sát từng đối tượng, mặt khác tiếp tục đối thoại, thuyết phục. Cuối cùng, các đối tượng đành chấp nhận hủy bữa đại tiệc.

Việt Hòa - Hoàng Long

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dai-ta-cong-an-lam-shipper-va-chuyen-pha-ngan-vu-an-d589722.html