'Đài' tưởng niệm sự kiện 11/9 ở nước Mỹ: Căm giận và Yêu thương

Việc xây tiếp tòa tháp tương tự như một lời thách thức với khủng bố và khẳng định sự chiến thắng trong mọi hoàn cảnh của nước Mỹ.

Ngày 11/9/2001, chúng tôi đang ngồi trong Trung tâm báo chí - MPC (Main press center) của SEA Games 21, Malaysia thì bỗng nhiên đồng loạt đứng lên hướng về TV trên tường.

Ai đó nói “terrorist” – khủng bố. Trên màn hình, một phi cơ đang lao vào tòa tháp đôi. Tất cả im lặng! Im lặng!

Thảm kịch 11/9/2001 là ngày đau buồn của nước Mỹ

Thảm kịch 11/9/2001 là ngày đau buồn của nước Mỹ

Gần đây tôi mới có dịp qua Mỹ và đến cái nơi xảy ra sự kiện nói trên. Người Mỹ vẫn dựng một tòa tháp đôi khác nhưng không ở vị trí của tòa nhà bị cháy. Việc xây tiếp tòa tháp tương tự như một lời thách thức với khủng bố và khẳng định sự chiến thắng trong mọi hoàn cảnh của nước Mỹ.

Còn tại móng của hai tòa tháp bị khủng bố người ta xây “đài” tưởng niệm. Thật khó mô tả vì nó quá đơn giản: Một hồ nước trong một hồ nước.

Nếu như tháp đôi - WTC được xây dựng theo thiết kế của KTS người Mỹ gốc Nhật thì sau 28 năm tồn tại, kiêu hãnh và bi thương, người Mỹ lại chọn 1 thiết kế của người Mỹ gốc Do thái – Michael Arad để làm khu tưởng niệm; người Mỹ cũng không chọn những tượng đài kiểu “xây lên” tráng lệ mà chấp nhận một công trình “xây xuống”.

"Đài" tưởng niệm sự kiện 11/9 khiến mỗi người đến tham quan phải nhìn xuống. Ảnh: Năng Khang

Những đài tưởng niệm với những khối vật chất hiện diện sừng sững trước mặt đã quá quen thuộc và không thể kể hết đau thương của sự kiện 11/9. Người Mỹ cần một “đài” khác, có mà như không có, hiện hữu mà như vô hình; để không muốn còn bất kỳ 11/9 nào khác nữa!

Người Mỹ không chọn một đài tưởng niệm buộc mỗi người phải ngước lên. Họ đã quá đau đớn trong cả ngày 11/9 khi phải ngước lên nhìn những người gieo mình xuống đất, ngước nhìn tòa nhà đổ ụp trong biển lửa và trong sự bất lực.

Một công trình kiểu “xây xuống” nhưng không tạo cho người xem cảm giác khiếp nhược, âu lo. Người Mỹ đã xây chúng với tình yêu thương và niềm căm giận nên mỗi khi đến nơi đây bạn sẽ chỉ thấy tràn ngập yêu thương nhưng không bi lụy; căm giận nhưng không cuồng tín, cực đoan.

Tên của gần 3000 người bị chết và mất tích sau vụ khủng bố được khắc trên bờ tường bao quanh. Ảnh: Năng Khang

Nằm trong khu vực hạ Manhattan (lower Manhattan, NewYork) đất đai 1 cm là kim cương, chật như nêm cối, mật độ xây dựng khủng khiếp với tua tủa các tòa nhà chọc trời thì việc một thiết kế tạo không gian mở như thế có thể nói không gì hợp lý hơn, trước hết là dưới góc nhìn quy hoạch đô thị.

Người có lương tri chẳng ai muốn tái diễn sự kiện tháp đôi. Người Mỹ càng không! Phải chăng vì thế mà họ chọn thiết kế khu tưởng niệm mang thủ pháp đối lập: Nước và lửa, cao và thấp. Nước làm lòng người dịu nhẹ, xua tan những ngột ngạt - lửa cháy - khói bụi, những ám ảnh khó quên của ngày 11/9; nước tưới mát cho những linh hồn.

Tên của gần 3000 người bị chết và mất tích sau vụ khủng bố được khắc trên bờ tường bao quanh. Người ta đặt tay lên đó như được ôm ấp người thân; nhìn xuống dòng nước tràn tuôn từ 4 phía trôi vào lòng hồ rồi chui xuống một hồ nhỏ ở giữa để vào lòng đất mẹ, vào hư vô, để rồi có cảm giác không ai chết cả! Tất cả ra đi rồi lại trở về. 3000 con người vẫn vẹn nguyên, cứ ào ạt rì rào quấn quít với người thân rồi lại trở về lòng đất, tan vào hư không...

KTS Michael Arad rất trẻ! Không ngờ tay trẻ thế mà thật quá tinh tế!./.

Ngô Thiệu Phong/VOV
Clip: Đình Tuyển

Nguồn VOV: http://vov.vn/doi-song/dai-tuong-niem-su-kien-119-o-nuoc-my-cam-gian-va-yeu-thuong-811544.vov