Đại tướng Tô Lâm: Không để bị động, bất ngờ

Công tác phòng chống tội phạm chuyển sang một trạng thái thích ứng với tình hình mới. Bộ Công an triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ.

Đấu tranh phòng chống tội phạm thích ứng tình hình mới

Phát biểu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 24/10, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các ý kiến phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội cùng với nội dung báo cáo của Chính phủ về cơ bản đã phản ánh đầy đủ hoạt động của tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác của các lực lượng chức năng.

Bộ Công an với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến các đại biểu, cải tiến, đổi mới việc xây dựng báo cáo theo hướng đầy đủ, khách quan và toàn diện hơn và báo cáo trước Quốc hội vào kỳ họp tới.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, nhất là từ khi bắt đầu bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, đất nước ta phải đối diện với áp lực lớn về mọi mặt, sức khỏe, tính mạng của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương bị giảm sút hoặc đình trệ.

Cả nước chuyển sang trạng thái mới. Việc triển khai thực hiện nhiều biện pháp với những sáng tạo chưa từng có tiền lệ đảm bảo đúng, trúng, kiểm soát bệnh dịch hiệu quả, quyết tâm để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Công tác phòng chống tội phạm cũng chuyển sang một trạng thái, thích ứng với tình hình mới.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chủ động linh hoạt sáng tạo, chuyển trạng thái nhanh chóng, hiệu quả trên mọi mặt công tác, đáp ứng yêu cầu vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa đảm bảo an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.

Bộ Công an đã cùng với các bộ, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Tăng cường các biện pháp đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ.

Qua đó, tội phạm tiếp tục được kéo giảm, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, đã làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng. Khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận. Chủ động phòng, ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Nhiệm vụ sắp tới nặng nề, cấp bách

So với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ông Tô Lâm cho rằng hầu hết các loại tội phạm đều giảm, song chưa bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là do việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm. Tuy nhiên, một số loại tội phạm lại có xu hướng gia tăng như chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tung tin giả, kinh doanh đa cấp qua mạng Internet, các hành vi lợi dụng các chính sách phòng, chống dịch để trục lợi.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội

Dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp, đại dịch COVID-19 sẽ là những thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của đất nước. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm chống phá đất nước. Hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn đa dạng; tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn và cấp bách” – ông Tô Lâm nhấn mạnh, đồng thời cho biết lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, vừa là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa là vấn đề cấp bách trước mắt.

Chính vì vậy, Chính phủ rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, giám sát của Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trong thời gian tới./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dai-tuong-to-lam-khong-de-bi-dong-bat-ngo-900220.vov