Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đường Hồ Chí Minh trên biển

Sau chuyến đi trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam thành công, trung tuần tháng 8-1962, Thường trực Quân ủy Trung ương họp thông qua nghị quyết về tổ chức con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam.

Sau khi nghe đồng chí Trần Văn Trà, Phó tổng Tham mưu trưởng báo cáo tóm tắt về công tác chuẩn bị cho hoạt động của con đường vận tải chiến lược trên biển, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi: “Liệu có thể bảo đảm chắc chắn được 50% những chuyến đi không?”. Đồng chí Trần Văn Trà trả lời: “Đạt 100% thì khó chứ 50% thì tôi chắc được!”. Tất cả các đồng chí trong Thường trực Quân ủy Trung ương đều tán thành. Nghị quyết chính thức được thông qua.

Đêm 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên, với tên gọi là Phương Đông 1 cùng 13 cán bộ, đảng viên do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy chở 30 tấn vũ khí vào Vàm Lũng (Cà Mau). Tàu đi được một ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hỏi đồng chí Đồng Văn Cống, Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu): “Thế nào rồi? Có tin gì chưa?”. Nhiều ngày sau đó, hôm nào Đại tướng cũng hỏi han, nắm tình hình chuyến tàu. Đến khi nhận được điện báo tàu cập bến Vàm Lũng an toàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất xúc động.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) tại Hải Phòng, năm 1970. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) tại Hải Phòng, năm 1970. Ảnh tư liệu

Cùng với chỉ đạo Đoàn 759 đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và lực lượng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhất trí cho tàu Phương Đông 2 chở 14 tấn vũ khí xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) vào Nam. Sau mấy ngày đêm hành trình, tàu đã cập bến Cà Mau trong niềm vui, phấn khởi của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Đúng thời điểm địch đang tiến hành chiến dịch càn quét vào khu vực Năm Căn, nhờ số vũ khí được chuyển vào kịp thời, quân và dân ta đã đánh bại cuộc càn quét lớn của địch, tiêu diệt, phá hủy hàng chục tàu, thuyền của chúng.

Ngày 17-3-1963, chiếc tàu sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí lên đường vào Trà Vinh an toàn. Chuyến đi thành công là dấu hiệu tốt mở màn cho giai đoạn phát triển mới của công tác vận chuyển vũ khí vào Nam. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến Đoàn 759 khen ngợi, biểu dương, đồng thời trực tiếp giao nhiệm vụ cho đơn vị.

Mỗi chuyến đi của Đoàn tàu không số, mỗi bến đỗ khi tàu vào thành công hay chưa thành công đều được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan tâm và chỉ đạo sát sao. Đại tướng xúc động trước những tấm gương chiến đấu anh dũng, hy sinh oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số. Đặc biệt, sau những chuyến đi không thành công, bị tổn thất về người và vũ khí, trang bị, Đại tướng đã đưa ra những quyết định chuyển hướng đúng đắn, kịp thời.

Tháng 2-1965, sự kiện Tàu 143 của ta bị lộ ở Vũng Rô (Phú Yên), yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, địch tăng cường lực lượng, phương tiện vũ khí hòng cắt đứt tuyến vận tải của ta... Nhận được tin này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị, cho ngừng ngay việc vận chuyển, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc ở các cấp, từ cơ quan chỉ đạo cấp trên đến đơn vị tàu và khẩn trương nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển mới. Ðó là một quyết định rất kịp thời, sáng suốt, nhằm bảo toàn lực lượng, phương tiện và có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị cho phương thức vận chuyển phù hợp, hiệu quả hơn.

Từ năm 1965, việc vận chuyển chi viện chiến trường bằng đường biển gặp nhiều khó khăn do địch tăng cường lực lượng hải quân, không quân phong tỏa, ngăn chặn, đánh phá ác liệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo Bộ tư lệnh Hải quân nghiên cứu, thăm dò, tìm phương thức vận chuyển mới, đi theo tuyến xa bờ trên hải phận quốc tế; tăng cường bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện bộ đội; nâng cấp, cải tiến phương tiện, chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tuyệt đối bí mật và chặt chẽ từng chuyến đi.

Từ năm 1965 đến 1969, mặc dù địch kiểm soát gắt gao nhưng Đoàn 125 vẫn tổ chức được 19 chuyến thành công, chuyển vào chiến trường miền Nam hơn 1.000 tấn hàng; vận chuyển vào nam Quân khu 4 hơn 35.000 tấn hàng hóa, tạo chân hàng cho tuyến chi viện chiến lược 559 chuyển vào chiến trường miền Nam.

Sau vụ việc tháng 12-1973 (hoạt động của Đoàn 371 bị lộ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Quân khu 9: “Tạm dừng vận chuyển, tập trung củng cố lại tổ chức đơn vị và các bến cho chặt chẽ, đưa vào hoạt động bí mật”. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với chỉ đạo quân và dân ta đẩy mạnh hoạt động phản công, tiến công địch nhằm tạo chuyển biến cục diện trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo cơ quan Tổng hành dinh xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam, trong đó có kế hoạch chi viện cho chiến trường.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thực hiện chỉ thị “thần tốc, thần tốc hơn nữa” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đoàn 125 đã vận chuyển 130 lượt với 143 chuyến tàu; chở gần 9.000 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và pháo lớn; đưa gần 19.000 cán bộ, chiến sĩ vượt tổng cộng hơn 65.700 hải lý vào chiến trường... góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không chỉ là người sớm tham mưu cho Trung ương Đảng mở tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển cho cách mạng miền Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng; quan tâm, động viên cán bộ, chiến sĩ vận tải đường biển, góp phần làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển-một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

TRẦN ANH TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-60-nam-ngay-mo-duong-ho-chi-minh-tren-bien-23-10-1961-23-10-2021/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-duong-ho-chi-minh-tren-bien-675220