'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc'

Đây là nội dung của hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức tại Hà Nội, ngày 21/12/2018 nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức

Vượt ra khỏi khuôn khổ của một hội thảo học thuật, các tham luận được gửi đến hội thảo cũng như các tham luận được công bố trực tiếp tại hội thảo cũng đồng thời là những hồi ức cảm động, thể hiện sâu sắc tình cảm tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ nổi tiếng khắp cả nước với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, “Tư lệnh của mọi tư lệnh, chính ủy của mọi chính ủy”.

Hội thảo cũng là sự kiện nhằm tôn vinh và tổng kết những bài học từ đóng góp, ảnh hưởng to lớn của Đại tướng với tư cách là một là nhà yêu nước, một nhà quân sự kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một nhân cách Việt Nam cao đẹp ngời sáng trong bảo tồn và phát huy các tinh hoa của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, xây dựng nền văn hóa Việt tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.:

Hội thảo tập trung vào 3 nội dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tinh thần yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng quân sự Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các nhà hoạt động giáo dục, văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ.

Trước khi trở thành một vị tướng lỗi lạc, ông còn là một nhà báo tài năng, không những biên dịch, viết báo mà còn sáng lập báo, viết báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, từng là người thầy giáo dạy sử được yêu mến. Cùng với Thủ tướng Phạm văn Đồng, ông là một trong hai người hiểu và viết về tư tưởng Hồ Chí Minh toàn diện, sâu sắc nhất, thực chất nhất, thuyết phục nhất.

Tại hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa - Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Trưởng ban tổ chức - nhấn mạnh: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc chắc chắn là một đề tài nghiên cứu khoa học rất rộng, khó, lớn. Tuy nhiên, có lẽ đóng góp lớn nhất của Đại tướng cho văn hóa dân tộc chính là ở nhân cách văn hóa cao đẹp của Người. Đó là một người cộng sản trong như ánh sáng, rất mực yêu nước thương dân, thực sự suốt đời dĩ công vi thượng”.

“Đó là một tổng tư lệnh đại trí đại dũng biết đau với từng vết thương, biết tiếc từng giọt máu của chiến sĩ. Đó là một vị tướng bách chiến bách thắng nhưng luôn khoan hòa khiêm cung. Đó là vị khai quốc công thần luôn giữ nguyên vẹn niềm tin vào chiến thắng của lý tưởng, của lẽ công bằng, sự chính trực…”, ông Nguyễn Thế Khoa nói.

Một câu chuyện cảm động được thuật lại tại hội thảo là vào năm 2005, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đề nghị các cơ quan chức năng cho phục hồi lại nguyên trạng phần của hang Cốc Bó bị quân Trung Quốc đánh sập tháng 2/1979. Bởi theo Đại tướng- người trực tiếp được ở cùng Bác Hồ trong những ngày đầu Bác về nước tại hang Pác Bó, nơi đây chính là nơi khởi nguồn của mọi thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

“Khi trao đổi với chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Hang Cốc Bó (trong quần thể khu di tích lịch sử đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng) là di tích lịch sử hàng đầu của nước ta. Không có hang này thì không có Cách mạng Tháng Tám, không có Quốc khánh ngày 2/9, không có nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Cần phải khôi phục lại nguyên trạng hang này”, Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ khôi phục hang Cốc Bó nhớ lại.

Được biết, ngay sau hội thảo các bản tham luận sẽ được bổ sung, chỉnh lý để xuất bản thành cuốn sách về chủ đề Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-van-hoa-dan-toc-113817.html