Đại tướng với quê hương

Có lẽ không một người dân Quảng Bình nào quên được những chuyến về thăm quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong ký ức của mỗi người chắc chắn sẽ mãi mãi khắc ghi những kỷ niệm về ông. Tôi là một trong những người con của Lệ Thủy, Quảng Bình may mắn đã có những lần gặp gỡ, trực tiếp được nghe Đại tướng dặn dò chỉ bảo; và cho đến bây giờ tôi vẫn luôn ghi nhớ và vô cùng trân trọng những tình cảm của Đại tướng đối với quê hương.

Tháng 7 năm 1989, Quảng Bình được chia tách từ tỉnh Bình Trị Thiên. Trong những ngày đầu trở về với địa giới cũ còn vô vàn khó khăn thiếu thốn, Đại tướng đã về thăm quê để động viên đồng bào, chiến sỹ trong tỉnh vượt qua khó khăn thử thách. Tôi còn nhớ lúc đó, Báo Quảng Bình chuyển từ Huế ra chưa có nơi làm việc. Toàn bộ tòa soạn ngồi trong một phòng chật hẹp khoảng 16m2.

Chúng tôi đã được đón Đại tướng đến thăm trong hoàn cảnh như vậy. Là Tổng Biên tập Báo Quảng Bình, tôi đã báo cáo với Đại tướng kế hoạch và những ý tưởng để xuất bản bộ mới Báo Quảng Bình. Đại tướng ngồi nghe hết sức chăm chú, sau đó trao đổi với chúng tôi như một người đồng nghiệp. Đại tướng khen chúng tôi có ý tưởng , có nhiệt huyết song ông khuyên chúng tôi phải quan tâm đến độc giả.

Đại tướng nói rằng, tờ báo của tỉnh mới ra mà có nhiều trang là rất cố gắng nhưng nhiều trang mà ra mỗi tuần một số thì nên xuất bản bốn trang và ra hàng ngày thì thông tin đến với công chúng kịp thời hơn. Đại tướng cũng ân cần khuyên chúng tôi phải viết thật ngắn gọn, dễ hiểu thì cán bộ, đảng viên, nhân dân mới đọc.

Tôi nhớ mãi chuyện Đại tướng kể với chúng tôi hôm đó. Một lần trong chiến khu, Đại tướng xin Bác Hồ cho ý kiến về một bài báo, Bác cười và bảo, chú cứ đọc cho mấy cô chú phục vụ nghe, nếu mấy cô chú đó duyệt thì bài báo của chú đăng được... Câu chuyện thật giản dị nhưng thực sự là bài học về nghề nghiệp đối với những người làm báo chúng tôi.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) trong một lần được làm việc với Đại tướng.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) trong một lần được làm việc với Đại tướng.

Một lần khác vào năm 1993, Đại tướng về thăm quê thời gian lâu hơn. Đây là dịp Đại tướng đi thăm hầu hết các huyện, thị xã của tỉnh nhà. Thời gian này với trách nhiệm là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tôi được gần Đại tướng nhiều hơn.

Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của vị tướng già mái tóc bạc phơ bay bay trong gió chiều cứ đi đi lại lại trên bãi biển Nhật Lệ. Tôi cảm thấy như ông có điều gì đang băn khoăn suy nghĩ lắm. Tối hôm đó, sau khi ăn xong tôi đến cạnh Đại tướng mạnh dạn hỏi: “-Thưa bác, có việc gì mấy ngày hôm nay anh em chúng cháu làm bác không vui phải không ạ? Chiều hôm nay thấy bác cứ đi đi lại lại trên bãi biển Nhật Lệ, cháu thấy lo quá..."

Đại tướng nhìn tôi trìu mến và chậm rãi nói: “- Lần này về quê, mình đã đi thăm hầu hết các huyện trong tỉnh nhưng vẫn không đến thăm được hai huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa. Đồng bào, đồng chí trên đó tha thiết mời mình lên, không đi được mình thấy thật áy náy..."

Tôi lặng đi vì xúc động. Vì không đến thăm được bà con hai huyện miền núi mà Đại tướng băn khoăn, trăn trở không yên trước khi trở về Hà Nội. Ngay sau đó, Đại tướng bảo tôi chuẩn bị hai bức thư của Đại tướng gửi cho đồng bào, cán bộ, chiến sỹ hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa. Đại tướng căn dặn bà con hai huyện miền núi phải quan tâm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đẩy lùi bệnh sốt rét, bệnh bướu cổ, xây dựng huyện nhà thành địa phương gương mẫu...

Sau này, Đại tướng tuổi ngày càng cao không có điều kiện về thăm hai huyện miền núi của quê hương Quảng Bình, nhưng trong tình cảm của Đại tướng, lúc nào cũng trăn trở ước mong rằng quê hương Quảng Bình yêu dấu sớm trở thành một tỉnh giàu có, gương mẫu.

Đỗ Quý Doãn

(Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông)

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202108/dai-tuong-voi-que-huong-2192576/