Đại úy 8X đưa điện về bản, mở lớp học lúc 0 giờ

Được đồng bào yêu mến và là điểm tựa tin cậy của bà con, đại úy Nghiêm Đình Hiếu (SN 1989) và đồng đội đã lan tỏa những việc làm, nghĩa cử đẹp góp phần dựng xây cuộc sống no ấm cho người dân ở Đắk Nông.

Đại úy Hiếu dạy học sinh mồ côi trên địa bàn học bài

Đại úy Hiếu dạy học sinh mồ côi trên địa bàn học bài

Trung đoàn 720 thuộc Binh đoàn 16 đứng chân trên địa bàn xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Là Phó Trung đoàn trưởng Kỹ thuật, Phó Giám đốc Nông trường và Phó Bí thư Đoàn cơ sở Trung đoàn, đại úy Hiếu đã thể hiện năng lực, sức trẻ và nhiệt huyết trên các lĩnh vực, vai trò mà anh đảm trách. Từ những cống hiến ấy, Nghiêm Đình Hiếu trở thành một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2019.

Phát huy sức trẻ

Trung đoàn 720 là đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng; trồng, chăm sóc, khai thác các loại vườn cà phê, cao su, điều. Để phát huy sức trẻ của cán bộ, ĐVTN đơn vị, trước mỗi đợt thu hoạch sản phẩm, Đoàn cơ sở Trung đoàn đều tổ chức phát động các đợt thi đua xung kích đảm nhận những phần việc khó khăn, các chi đoàn và đoàn viên hăng hái đăng ký thi đua. Qua đó, tuổi trẻ đơn vị đã tích cực tham gia mọi nhiệm vụ, không ngại khó khăn gian khổ, đóng góp nhiều công sức.

Đại úy Hiếu cho biết, anh cùng Ban chấp hành Đoàn đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Thanh niên Quân đội vươn tới những đỉnh cao” và “Thanh niên Quân đội tiến quân vào khoa học công nghệ” nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Tại các đội sản xuất, các cơ quan, tuổi trẻ các chi đoàn đã tổ chức phát động gây quỹ, lắp đặt hệ thống mạng Internet phục vụ ĐVTN nghiên cứu đưa các ứng dụng công nghệ vào việc chăm sóc vườn cây, chăn nuôi, sinh hoạt học tập…

Đại úy Hiếu và ĐVTN đơn vị hướng dẫn người dân chăm sóc cây cà phê

Với mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” do Ban Thanh niên Quân đội phát động, đại úy Hiếu tích cực hưởng ứng và vận động đông đảo ĐVTN tham gia. Mặc dù số lượng đoàn viên ít và các đội sản xuất đóng quân phân tán, nhưng các chi đoàn đều xây dựng và duy trì có hiệu quả mô hình ý nghĩa này từ những việc làm nhỏ nhất như thu gom rác thải sạch, đưa vào tái chế làm đồ chơi cho các em nhỏ và một phần gây quỹ. Bên cạnh đó, Đoàn cơ sở thường xuyên làm tốt công tác vận động tuyên truyền các hộ dân trong vùng dự án nói không với rác thải nhựa, không dùng bao nilon trong sinh hoạt.

Ngoài việc nhận nuôi, kèm cặp 5 em nhỏ người dân tộc Mông mồ côi cha mẹ, đại úy Hiếu và ĐVTN Trung đoàn 720 còn thể hiện tâm huyết, sức trẻ trong nhiều hoạt động như giúp dân phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, đóng góp công sức xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn… Từ những việc làm trên, năm 2019, anh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen trong thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.

Đưa điện về bản

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như phục vụ nhu cầu đi lại, quản lý sản phẩm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn đơn vị đóng quân, đại úy Hiếu đã đề xuất huy động kinh phí và trực tiếp chỉ đạo thi công đường điện chiếu sáng trong vùng dự án mang tên “Đường bản sáng” tại 6 cụm khu dân cư với chiều dài 15km, với việc đầu tư làm mới 450 cột, bóng, chụp đèn điện; 30km dây đơn, 60 đồng hồ đo điện, cầu dao diện…

Ngày dự án hoàn thành, trên 600 hộ dân (4.103 khẩu) người đồng bào dân tộc thiểu số và cả đơn vị đều chung niềm vui vì từ nay người dân, nhất là trẻ nhỏ đi lại ban đêm sẽ thuận tiện, không xảy ra mất an toàn giao thông, tránh được côn trùng, động vật nguy hiểm. Đồng thời còn giúp kiểm soát người lạ mặt vào vùng dự án trong đêm, hạn chế tệ nạn xã hội. “Mô hình mang lại lợi ích to lớn không thể thống kê bằng tiền, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào các dân tộc trong vùng dự án của đơn vị”, đại úy Hiếu nói.

“Thường xuyên công tác ở vùng sâu, vùng xa, khu vực đặc biệt khó khăn nên tôi luôn tự nhủ phải làm gì đó giúp cuộc sống bà con ngày càng tốt hơn từ những việc làm nhỏ nhất”, đại úy Hiếu nói.Trong ảnh: ĐVTN Trung đoàn 720 giúp đồng bào thu hoạch ngô

Bên cạnh đó, anh còn tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ hơn 600 hộ đồng bào thiểu số thực hiện mô hình trẻ hóa vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi tự thân (lấy mắt ghép của giống cà phê mới tại viện cây trồng Eakmat Tây nguyên có năng suất cao, khả năng chịu hạn tốt ghép vào phần gốc của cây cà phê năng suất thấp); hướng dẫn tận dụng các hàng cây chắn gió tại các vườn cà phê để trồng xen hồ tiêu, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Năm 2019, số lượng vườn hồ tiêu của đơn vị tăng 20.000 trụ.

Nhận thấy sau khi xay sát xong mọi người thường đốt bỏ vỏ trấu cà phê. Đại úy Hiếu đã tuyên truyền và hướng dẫn tận dụng vỏ trấu cà phê, ủ lân vôi, men vi sinh, rác thải hữu cơ, phân gia súc, gia cầm trong chăn nuôi… tạo thành nguồn phân hữu cơ đầu tư cho vườn cây, góp phần tiết giảm chi phí, tăng màu mỡ cho đất và bảo vệ môi trường. Từ cách làm này, đơn vị đã sản xuất được hơn 2.000 tấn phân hữu cơ, tiết kiệm chi phí đầu tư trên 1 tỉ đồng.

Lớp học lúc 0 giờ

Trong vùng dự án của Trung đoàn 720, công nhân và người dân thường đi khai thác mủ cao su từ lúc 2 giờ sáng. Đối với những gia đình có con nhỏ, cả hai vợ chồng cùng dậy sớm đi làm thì đây là một trở ngại lớn khi phải để con ở nhà một mình. Trăn trở trước việc này, đại úy Hiếu đề xuất với Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn triển khai mô hình “Lớp học lúc 0 giờ” từ tháng 3/2019.

Đoàn cơ sở Trung đoàn 720 thăm, tặng quà các cháu nhỏ trường mầm non

Do các đoàn viên Phân đoàn nhà trẻ đảm nhận, lớp học được mở từ lúc 0 giờ đến 12 giờ trưa. Khí hậu Tây Nguyên về đêm rất lạnh, do đó việc giữ ấm cho trẻ là điều quan trọng nhất, nhiều cháu đang trong giấc ngủ khi bố mẹ bế tới lớp thì giật mình quấy khóc, khiến các cháu khác cũng khóc theo. Vào mùa mưa, địa bàn ở đây hay xảy ra hiện tượng sấm sét, dễ gây mất điện... ảnh hưởng tới giấc ngủ của các cháu và việc trông coi của các cô. Những khó khăn này được đại úy Hiếu cùng những người lính và ĐVTN Trung đoàn 720 tìm cách tháo gỡ và nỗ lực vượt qua để chăm lo tốt nhất từ bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu, giúp các gia đình yên tâm lao động, sản xuất.

Trước khi có lớp học, như nhiều người khác, gia đình anh Bùi Mai Ngọc (công nhân Đội 1) và anh Nguyễn Hữu Du (công nhân Đội 3) chỉ gửi được con vào lúc 7 giờ sáng, trong khi vườn cao su lại ở cách xa nên khi tới nơi thì mặt trời đã lên cao, khiến việc khai thác mủ được ít, nhiều khi cạo vội dẫn đến cạo phạm, ảnh hưởng tới năng suất và tuổi thọ của cây cao su. Không chỉ có các gia đình công nhân được hưởng lợi từ mô hình này, một số bà con trên địa bàn khi có việc phải rời nhà sớm cũng đưa con hoặc cháu nhỏ tới lớp học đặc biệt này.

Nguyễn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/dai-uy-8x-dua-dien-ve-ban-mo-lop-hoc-luc-0-gio-1621322.tpo