Đại úy biên phòng Học Thiên Thương

TP - 14 năm gắn bó với dải đất biên cương ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, dấu chân đại úy Đàm Thiên Thương - Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng 519 (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã in trên nhiều bản làng của bà con các dân tộc nơi đây.

“Trước đây, người Khơ Mú chúng tôi chẳng mấy ai biết cấy lúa nước, không đủ ăn, nghèo lắm. Từ khi bộ đội Thương về, đời sống bà con tốt hơn nhiều rồi” - Ông Học Văn Tuyên, trưởng bản Tà Pàn, xã Trí Lễ nói với chúng tôi. Những năm trước, cả bản Tà Pàn có 58 hộ với 320 nhân khẩu thường xuyên rơi vào cảnh đói ăn, đất đai bỏ hoang không cấy hái, bà con chỉ biết lên rừng khai thác lâm thổ sản và đi làm thuê cho các bản khác. Rồi chuyện mất đoàn kết nội bộ, chi bộ đảng không hoạt động, ngay cả bí thư chi bộ và phó bản cũng dắt nhầm trâu bò của dân, phải đi tù… Ngày đầu mới về với đồng bào, tiếng nói của bà con chưa thạo, phong tục nhiều điều còn bỡ ngỡ, anh Thương phải tự học tiếng, học tập quán sinh hoạt của người Khơ Mú. Nhưng vất vả nhất là chuyện vận động bà con không đi làm thuê, làm mướn, trẻ em không bỏ học. Đại úy Thương đến từng nhà, cùng ăn, cùng làm với bà con. Nhiều lần bị sốt cao do mưa rừng, gió núi, anh vẫn không bỏ cuộc. Có bà con khi nhìn thấy gương mặt sạm đen, hốc hác của anh đã bật khóc. Cuối cùng, tấm lòng của anh với đồng bào cũng được đền đáp. Ban đầu là vài hộ, rồi tất cả bà con đồng lòng đi khai hoang đất trống đồi trọc, học cách trồng lúa nước, cách nuôi bò. Phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp nhau dựng lại nhà cửa được mọi người đồng tình hưởng ứng. Đã xuất hiện những hộ khá giả như gia đình anh Lự Văn Khoa với một trang trại nông lâm kết hợp, gia đình ông Lữ Văn Dần bỏ hoang đất đai 19 năm thì nay đã có vườn, có ruộng… Đại úy Thương còn tham gia vận động được ba dự án xây trường học cấp một, xây nhà văn hóa cộng đồng và một công trình đưa nước sạch về phục vụ đời sống của dân bản với trị giá gần ba tỷ đồng. “Diện tích cả bản 10 ha thì có năm hecta đã được trồng lúa nước, nhà nào cũng có vườn rau hoặc cây ăn quả. Mừng nhất là các cháu nhỏ đều được đến trường đúng độ tuổi, không có cháu nào phải bỏ học. Có kiến thức, các cháu sẽ giúp đồng bào mình không còn lạc hậu, đói nghèo nữa” – Đại úy Thương tâm sự. “Bà con phấn khởi và tin bộ đội Thương lắm. Trong bản không còn mất đoàn kết, không bị mất trộm tài sản, bà con còn tham gia tuần tra biên giới với bộ đội biên phòng nữa. Chúng tôi vừa làm lễ nhập họ Học cho bộ đội Thương đấy. Mọi người trong bản gọi anh ấy là Học Thiên Thương” – Ông Học Văn Tuyên xúc động nói.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=175168&channelid=4