Đăk Lắc: 3 Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân bị xem xét trách nhiệm

Kết luận của Viện Kiểm sát tối cao số 60/KL-VKSTC sau đợt thanh tra đột xuất tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (VKSND) Đắk Lắk, ngoài yêu cầu xử lý vi phạm tập thể thì cả 3 Phó Viện trưởng là các ông Lê Quang Tiến, Nguyễn Hồng Kỳ và Trần Quốc Nhơn đều bị yêu cầu xử lý kỷ luật, xem xét trách nhiệm do vi phạm, thiếu sót.

Thời gian vừa qua tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk ngoài kết quả đạt được trên các mặt công tác còn xẩy ra nhiều thiếu sót, vi phạm. Vì thế, ngày 02-01-2018 Viện trưởng VKS tối cao kiểm sát tối cao ra Quyết định thanh tra đột xuất tại VKSND tỉnh Đắl Lắk.

Sau gần 8 tháng làm việc công tâm, khách quan, trung thực, kết luận thanh tra cho thấy ngoài những vi phạm mang tính trách nhiệm tập thể thì cả 3 Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk đều thiếu sót, vi phạm trong đơn vị được phân công phụ trách, phải chịu trách nhiệm cá nhân, cụ thể:

Ông Lê Quang Tiến, tỉnh ủy viên, Phó Viện trưởng phải chịu trách đối với những thiếu sót, vi phạm xảy ra ở đơn vị được phân công phụ trách, chịu trách nhiệm cá nhân về việc xảy ra Tòa án tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại đối với các vụ án Nguyễn Trọng Nghĩa phạm tội “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc”; Phạm Văn Thắng phạm tội “tham ô tài sản”. Ngoài ra còn thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ án: Đỗ Thái Vũ phạm tội “vi phạm về hoạt động cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; Hà Thăng Long phạm tội “giết người” và “cố ý gây thương tích”…

Trụ sở Viện KSND tỉnh Đắk Lắk.

Trụ sở Viện KSND tỉnh Đắk Lắk.

Vi phạm của ông Tiến là chưa làm tròn trách nhiệm do có phần nguyên nhân là cấp phó, trong khi đó người đứng đầu đơn vị có cá tính nóng nảy, quyết đoán trong giải quyết công việc nhưng có việc chỉ đạo còn mang tính chủ quan, không đưa ra bàn bạc trong tập thể lãnh đạo, nên ông Tiến ngại va chạm, sợ mất đoàn kết trong lãnh đạo Viện dẫn tới thiếu quyết liệt trong việc chỉ đạo giả quyết một số vụ án, để kéo dài thời gian. Thiếu sót, vi phạm của ông Lê Quang Tiến cần phải tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm theo quy định.

Ông Trần Quốc Nhơn, Phó Viện trưởng, bị yêu cầu tổ chức kiểm điểm xem xét trách nhiệm do sai sót, vi phạm xảy ra ở đơn vị được phân cấp phụ trách, chịu trách nhiệm cá nhân về việc xảy ra Tòa tuyên hủy án điều tra, xem xét lại đối với vụ án Nguyễn Văn Thịnh phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Viện trưởng, bị yêu cầu tổ chức kiểm điểm xem xét trách nhiệm do sai sót, vi phạm xảy ra ở đơn vị được phân cấp phụ trách, chịu trách nhiệm cá nhân về việc xảy ra Tòa tuyên hủy án điều tra, xem xét lại đối với vụ án: Phạm Xuân Thiện phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Thị Mai phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Quan Gia Minh phạm tội “lạm dụng tính nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”… Thiếu sót, vi phạm của ông Nguyễn Hồng Kỳ cần phải tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm theo quy định.

Như vậy, cả 3 Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk đều bị cơ quan cấp trên xem xét trách nhiệm, xem xét các hình thức kỷ luật khác nhau.

Phan Lâm

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/dak-lac-3-pho-vien-truong-vien-kiem-sat-nhan-dan-bi-xem-xet-trach-nhiem-122005.html