Đắk Lắk: Biệt thự 'tọa' trên đất nông nghiệp?

Dự án nhà ở thương mại tại tổ dân phố 7, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dù chưa được giao đất (để chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở thương mại), nhưng nhiều biệt thự đã và đang được xây dựng.

Dự án nhà ở thương mại tại tổ dân phố 7, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột do Cty TNHH xây dựng Nam Sơn (Cty Nam Sơn) làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2018 trên diện tích 8,6 ha từ đất nông nghiệp.

Theo quy định, với dự án nói trên, chủ đầu tư cần phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó hoàn thành nghĩa vụ thuế để chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới được triển khai xây dựng.

Thế nhưng, Cty Nam Sơn chưa được giao đất đã huy động máy móc rầm rộ cày xới, xây dựng nhà ở (dạng biệt thự) bên trong dự án.Trước đó, ngày 12/9/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn yêu cầu Cty Nam Sơn “giữ nguyên hiện trạng, không được có các hoạt động mới” tại dự án này “cho đến khi có sự cho phép của cấp có thẩm quyền”.

Tuy nhiên, Cty này không chấp hành (tại báo cáo số 89/BC-UBND ngày 31/3/2020 của UBND TP Buôn Ma Thuột).Dù đã có chỉ đạo, nhưng vào những ngày đầu tháng 4/2020, nhiều công nhân đang gấp rút đổ bê tông hoàn thiện các hạng mục.

Có khoảng 10 căn nhà (dạng biệt thự) đã hoàn thanh và đang triển khai xây dựng.Ông Lâm Tứ Toàn – Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk cho biết, Cty Nam Sơn hiện còn một thủ tục giao đất nữa mới có thể triển khai dự án. Việc các công trình được xây dựng tại dự án là chưa được phép. “Một nguyên tắc cơ bản, anh phải thực hiện chuyển đổi đất mới được xây dựng nhà” – ông Toàn nói.

Nhiều công trình đang xây dựng dang dở (Nguồn: Tiền Phong)

Trong khi đó, lãnh đạo Văn phòng Sở TNMT tỉnh Đắk Lắk xác nhận, đến nay dự án của Cty Nam Sơn chưa được giao đất để chuyển đổi mục đích sử dụng.Ông Trần Xuân Quảng - Giám đốc Cty Nam Sơn cho biết, Cty ông đã hoàn thiện hồ sơ để nộp tiền chuyển đổi đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. “Dự án của tôi là nhà ở thương mại, chứ không bán nền. Đất dự án có nguồn gốc là đất nông nghiệp, hiện tôi đang làm thủ tục chuyển đổi” – ông Quảng cho biết.

Nói về việc nhiều nhà ở đã triển khai trên đất nông nghiệp, Giám đốc Cty Nam Sơn khẳng định ông làm đúng luật quy định. “Tôi làm đúng Luật, làm theo chủ trương đầu tư và làm đúng quy hoạch. Việc tôi xây dựng nhà trước khi chuyển đổi đất theo Luật là được, miễn làm sao xây dựng đúng quy hoạch” – ông Quảng nói.

Điều đáng nói, trên các trang mạng đã tiến hành rao bán đất ở tại dự án nhà ở thương mại của Cty Nam Sơn với giá 18 triệu/1 m2 (tương đương hơn 2,2 tỷ đồng/ 1 lô đất 126 m2).

Nhiều sai phạm trong sử dụng đất?

Công ty CPDVNN Hòa Bình đi vào hoạt động được UBND tỉnh Hòa Bình giao đất, cho thuê đất tại 23 địa điểm làm trụ sở, cửa hàng kinh doanh, bãi chứa vận chuyển hàng hóa các dịch vụ nông nghiệp với tổng diện tích 14.513,3 m2.

Mới đây, vào cuộc thanh tra 20 cơ sở bán hàng, văn phòng đại diện của Công ty CPDVNN Hòa Bình tại các huyện được nhà nước cho thuê đất và trụ sở làm việc của Công ty, Thanh tra tỉnh Hòa Bình phát hiện không ít “lùm xùm” trong quản lý, sử dụng đất tại doanh nghiệp này.

Cụ thể, có 4 cơ sở bán hàng, văn phòng đại diện tại các huyện được Nhà nước cho thuê đất làm trụ sở cửa hàng kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, Công ty CPDVNN Hòa Bình đã triển khai đầu tư kinh doanh theo mục đích cho thuê của Nhà nước.

Tại thời điểm thanh tra, đơn vị lại cho doanh nghiệp, cá nhân ngoài công ty thuê tài sản trên đất để kinh doanh ngành nghề không đúng theo mục đích thuê đất đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường.

(Nguồn: Đại đoàn kết - Ảnh minh họa)

Điển hình như tại chi nhánh huyện Lạc Thủy, diện tích 830,3 m2 đất đã được Chi nhánh công ty Cổ phần Thế giới di động tại Hòa Bình thuê nhà trên diện tích khoảng 585m2 xây dựng để kinh doanh các trang thiết bị điện tử.

Đơn vị không cung cấp được giấy phép xây dựng, không chứng minh được nguồn gốc hình thành tài sản cho thuê. Đồng thời, đơn vị cũng cho bà Bùi Thị Loan thuê một phần diện tích để kinh doanh.

Ngoài ra, có một phần diện tích hiện nay một số hộ đang sử dụng làm sân vườn. Còn tại trụ sở chi nhánh thị trấn Đà Bắc, diện tích 486m2 đã cho ông Đặng Đình Thủy thuê văn phòng cũ của Công ty, diện tích 76 m2 để cải tạo làm cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe.

Cơ quan thanh tra cũng phát hiện, có hai cơ sở bán hàng, văn phòng đại diện của Công ty CPDVNN Hòa Bình tại các huyện sử dụng một phần diện tích đất thuê không đúng theo mục đích được Nhà nước cho thuê.

Đáng chú ý tại cơ sở bán hàng tại xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc (diện tích 150m2), bà Đinh Thị Thủy là cán bộ của Công ty đang sử dụng diện tích đất cho thuê khoảng 100m2 để kinh doanh karaoke và làm kho chứa vật liệu của gia đình. Còn tại Cơ sở bán hàng ở xóm Mới, xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn có một hộ dân đã bao chiếm diện tích khoảng 60m2 xây nhà cấp 4 từ năm 2018.

Tại thời điểm thanh tra, Công ty CPDVNN Hòa Bình nộp thiếu tiền thuê đất số tiền 285 triệu đồng. Theo Thanh tra tỉnh Hòa Bình cho biết, nguyên nhân do Sở TN&MT xác định chưa phù hợp loại đường phố của Chi nhánh tại huyện Kim Bôi và khu vực của cơ sở bán hàng tại xã Liên Vũ và xã Yên Nghĩa, dẫn đến số tiền Công ty nộp thiếu là 70 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Hòa Bình ra thông báo thiếu tiền thuê đất năm 2015 theo quy định. Xác định chưa chính xác đơn giá thuê đất của 21 cơ sở bán hàng, văn phòng đại diện tại các huyện giai đoạn 2018-2019 dẫn đến Công ty nộp thiếu số tiền 214 triệu đồng.

Tháng 7/2017, Công ty CPDVNN Hòa Bình thực hiện bán thanh lý tài sản gồm nhà làm việc, nhà kho giống trên diện tích đất 2.184 m2 cho 6 hộ cá nhân. Tuy nhiên, Công ty đã buông lỏng quản lý đất đai, dẫn đến để 6 hộ mua thanh lý tài sản trên đất, sau này khi thực hiện tháo dỡ toàn bộ tài sản đã tự ý phân lô trên diện tích 543,6m2. Thậm chí có trường hợp đã chuyển nhượng cho người khác (ngoài Công ty) xây dựng và sử dụng vào mục đích nhà ở đối với diện tích đất được Nhà nước cho thuê. Điều này là vi phạm pháp luật về đất đai.

Đặc biệt, trên diện tích 543,6m2 đã có 3 hộ xây dựng nhà cấp 4 lợp mái tôn để ở. Trong quá trình để cho 6 hộ sử dụng đất, Công ty CPDVNN Hòa Bình đã thu tiền thuê đất của các hộ dân với số tiền 38,4 triệu đồng và xuất 2 hóa đơn giá trị gia tăng cho ông Nguyễn Văn Son- phụ trách Chi nhánh Lương Sơn số tiền 38,5 triệu đồng. “Như vậy, Công ty CPDVNN Hòa Bình thu tiền thuê đất của 6 hộ là không có căn cứ, không đúng quy định.

Do Công ty ký hợp đồng chỉ bán thanh lý tài sản trên đất, không cho các hộ sử dụng đất nhưng thực tế lại để cho các hộ sử dụng và thu tiền thuê đất. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến 4/6 hộ đã xây dựng nhà và ở trên diện tích đất của Công ty đang quản lý không được cơ quan có thẩm quyền cho phép”- ngành chức năng tỉnh Hòa Bình khẳng định.

Theo Cơ quan thanh tra, UBND thị trấn Lương Sơn thực hiện trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty CPDVNN Hòa Bình chưa đầy đủ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đất đai.

Do đó, đến nay Công ty chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn, UBND thị trấn Lương Sơn chưa thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, dẫn đến để ba hộ tự ý xây nhà (có hộ xây xong mới phát hiện).

Việc UBND thị trấn Lương Sơn lập biên bản vi phạm hành chính đối với 3 hộ gia đình xây dựng nhà trái phép, ban hành quyết định yêu cầu tạm đình chỉ đối với 2 hộ nhưng đến nay cả 3 hộ gia đình vẫn tiếp tục sử dụng vào mục đích nhà ở.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng của 3 hộ gia đình đã xây nhà ở nêu trên vượt quá thẩm quyền. UBND thị trấn Lương Sơn đã có công văn đề nghị UBND huyện Lương Sơn kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, nhưng đến nay UBND huyện Lương Sơn chưa xử lý theo quy định.

Chủ rừng bạt đồi xây dự án

Ngày 18/2/2020, ông Trần Huy Giáp (SN 1974), trú tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh làm giấy xin phép xây dựng nhà tạm và một số việc tại 2 thửa đất lâm nghiệp có tổng diện tích hơn 117.466m2 thuộc khu Cửa Thờ-Trại Tiểu (xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Cụ thể trong đơn ông Giáp viết: “Xin phép xây dựng một ngôi nhà tạm, các công trình phụ trợ và một số chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm để bảo vệ, trông coi, chăm sóc cây cối và phát triển kinh tế; đưa máy móc đắp bờ thửa chống xói mòn và làm lại ao hồ để thả cá, san lấp mặt bằng để thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp”.

Đơn của ông Giáp được Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Trần Đình Mọn ký tên, đóng dấu và xác nhận: “Thống nhất cho phép xây dựng một ngôi nhà tạm, đảm bảo vệ sinh môi trường cảnh quan, không phá vỡ quy hoạch”.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Mọn, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc) cho biết: “Bìa đất do Sở TN&MT cấp theo quy định của Nhà nước nhưng nằm trên địa giới hành chính của xã Mỹ Lộc. Theo như Luật Lâm nghiệp trước đây (Luật Lâm nghiệp cũ) thì quy định 400m2 được cải tạo làm nhà tạm, trồng một số hoa màu trên đó để phục vụ đời sống, làm nhà tạm để bảo vệ cây cối, hoa màu. Tuy nhiên theo Luật sau này họ chỉ nói không quá 30%. Tôi cũng chưa học hết luật nhưng nghe loáng thoáng thế nên ký”.

“Tôi ký trong hoàn cảnh đồng chí Trung (ông Trần Đình Trung - nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc) đã có quyết định điều đi, đồng chí Lương (Trần Sỹ Lương, Chủ tịch đương nhiệm - PV) chưa về. Ông Trung cùng tôi bàn nhau giờ mà không ký cho họ làm thì không được, nên cả 2 thống nhất là tôi ký vào để cho họ làm’, ông Mọn trải lòng.

Việc Phó chủ tịch UBND xã ký cho phép chủ rừng xây nhà tạm trên đất lâm nghiệp có đúng thẩm quyền và thời điểm ký có xin ý kiến của cấp trên hay không, ông Mọn cho biết: “Tôi có hỏi ông Trần Đình Việt, Trưởng Phòng TN&MT huyện Can Lộc rằng đất lâm nghiệp mà họ xin như thế thì có được làm nhà tạm hay không? Ông Việt trả lời rằng, như luật Lâm nghiệp trước đây thì quy định 400m2, được xây dựng nhà tạm để bảo vệ cây cối hoa màu trên đó, chứ tôi không hỏi về thẩm quyền ký”.

Dãy nhà cấp 4 có móng kiên cố, bãi xe, bồn hoa sát hồ Trại Tiểu (Nguồn: infonet)

Ngày 26/2/2020, ông Mọn ký cho phép chủ rừng xây dựng nhà tạm, nhưng đến ngày 3/3 và 24/3 lại ký vào biên bản yêu cầu chủ rừng đình chỉ việc xây dựng, san lấp, lý giải vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc nói rằng: “Thực tâm tôi ký vào là tưởng họ làm nhà tạm, chứ không ngờ họ làm những cái khác nữa. Đến ngày 3/3, bên lâm nghiệp phản ánh việc chủ rừng đào bới để tạo ranh giới, san gạt để làm hồ, đồng thời đổ đất ra ngoài lấn chiếm lòng hồ Trại Tiểu, lúc này tôi mới giật mình vì chỉ cho phép làm nhà tạm, nên tôi ký vào biên bản đình chỉ để ngăn chặn, chứ không phải giao đất cho rồi muốn làm gì thì làm”.

Cũng theo ông Mọn, “hồi đó do bận công việc quá nên không đến kiểm tra được. Hơn nữa do anh cũ đi, anh mới chưa về, chưa bàn giao, chủ yếu là anh em chuyên môn đi tham mưu về nên tôi ký chứ tôi chưa trực tiếp đến hiện trường”.

Ông Mọn cũng thừa nhận do ít kiểm tra giám sát, tưởng họ làm như mình cho phép chứ không nghĩ là họ lại làm khác. “Sau đó tôi có đến kiểm tra 2 lần thì thấy mặc dù nhà tạm nhưng móng sâu đến 60cm. Tôi nhận đình rằng nhà đó rồi họ sẽ lợp, không biết là lợp tôn hay lá nhưng họ sẽ lợp”, ông Mọn nói thêm.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Việt, Trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc cho biết: “Phòng đang tham mưu cho UBND huyện làm báo cáo UBND tỉnh, các sở ngành và Thường trực Huyện ủy. Hiện chưa xác định được lỗi của họ nên chưa có cơ sở để xử lý, vì vậy chúng tôi đang đề nghị Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp cùng các đơn vụ liên quan phối hợp cùng với huyện tiếp tục kiểm tra để hướng dẫn giúp huyện xử lý vi phạm nếu có”.

“Riêng việc chở đất ra ngoài theo phản ánh thì huyện đang xác minh để xử lý vì thời điểm đó có xe của dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang chạy qua trại”, ông Việt nói.

Liên quan đến việc chủ rừng đào đồi, bạt núi xây dựng dự án trái phép, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi Cục kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: “Hạt kiểm lâm Can Lộc đã lập 2 biên bản vào tháng 3/2020 yêu cầu đình chỉ các hoạt động đối với chủ rừng. Tuy nhiên vẫn chưa chấp hành nghiêm túc, vì thế tiếp tục yêu cầu đình chỉ việc này”.

"Hành vi của chủ rừng thực hiện trên diện tích đất lâm nghiệp như san ủi, ngăn chặn dòng chảy tự nhiên là hành vi cấm trong lâm nghiệp. Theo quy định thì những hành vi liên quan đến rừng là hành vi cấm trong lâm nghiệp nên buộc phải đình chỉ”, ông Huấn nói thêm.

Cũng theo ông Huấn, hiện Hạt cũng đang tiếp tục tham mưu cho huyện phối hợp các đơn vị để ngăn chặn, còn liên quan đến lĩnh vực nào thì cơ quan có thẩm quyền ở lĩnh vực đó sẽ xử lý nghiêm.

Trao đổi với PV về việc này, một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay sau khi nắm bắt được thông tin đã chỉ đạo các sở ngành và UBND huyện Can Lộc kiểm tra làm rõ.

Hữu Thắng (Tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dak-lak-biet-thu-toa-tren-dat-nong-nghiep-post34964.html