Đắk Lắk: Hàng loạt chủ lò gạch hoang mang trước thông tin sắp bị đóng cửa

Theo kế hoạch của UBND huyện Krông Ana (Đắk Lắk), cuối tháng 12/2018, sẽ đóng cửa khoảng 40 trên tổng số 70 lò gạch trên địa bàn. Khi nghe thông tin này, không chỉ các chủ lò gạch mà hàng trăm công nhân đang làm việc tại đây hoang mang

Theo kế hoạch, cuối năm 2018, hàng loạt lò gạch tại huyện Krông Ana sẽ phải đóng cửa, ngừng sản xuất.

Chủ lò lo nợ

Trước thông tin UBND huyện Krông Ana sắp đóng cửa hàng loạt lò gạch vào cuối năm 2018, PV đã liên hệ với một số chủ cơ sở sản xuất gạch để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ.

Theo anh Đào Quang Chúc (SN 1978, ngụ thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp), cách đây 10 năm, anh cũng như hàng loạt chủ cơ sở khác được sự vận động của chính quyền địa phương, chuyển đổi từ lò nằm (đốt bằng củi) sang xây lò dạng đứng (đốt bằng than) và họ được cấp giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Hàng loạt lao động tại địa phương cũng lâm vào cảnh thất nghiệp.

Để thực hiện việc chuyển đổi sản xuất này, anh Chúc cũng như các chủ lò phải đầu tư một khoản kinh phí khá lớn và phải vay mượn thêm ngân hàng để kinh doanh-sản xuất. Khoảng những năm 2009-2013, giá gạch trên thị trường rất thấp khiến các cơ sở sản xuất gạch gặp nhiều khó khăn. Từ những năm 2014 trở lại đây, giá gạch ổn định, các cơ sở sản xuất bắt đầu tái đầu tư, chuyển đổi máy móc, mở rộng sản suất.

Để tái đầu tư, chuyển đổi công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, các chủ lò gạch phải bỏ ra vài tỷ, thậm chí vài chục tỷ đồng và đến nay vẫn chưa thể thu hồi vốn, chưa trả hết nợ ngân hàng. Thế nhưng, đầu năm 2018, các chủ lò gạch vô cùng hoang mang khi nghe thông tin, vào cuối năm, UBND huyện Krông Ana sẽ cho đóng cửa hàng loạt lò gạch trên địa bàn.

Theo anh Chúc cũng như nhiều chủ lò gạch khác, trước đây, chính quyền địa phương chỉ nói đến năm 2020 mới đóng cửa các lò gạch, chưa bao giờ nói sẽ cho đóng cửa vào năm 2018 nên họ mới dám bỏ vốn đầu tư thêm. “Nếu đóng cửa các lò gạch năm nay thì quá đột xuất, chúng tôi không kịp chuẩn bị về tâm lý và không ít người sẽ lâm vào cảnh nợ nần. Do đó, chúng tôi mong muốn địa phương tạo điều kiện, cho phép đến năm 2020 như đã thông báo trước đó để có thời gian thu hồi vốn”, anh Chúc chia sẻ.

Còn theo anh Hoàng Việt Hùng (SN 1983, ngụ buôn M’lớt, xã Ea Bông), việc đóng cửa lò gạch là chuyện sớm-muộn, các chủ lò luôn ủng hộ theo chính sách, đường lối của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chính quyền nên có lộ trình phù hợp hơn, tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở thu hồi vốn và có phương án hỗ trợ những cơ sở nằm trong diện đóng cửa.

Anh Hùng trao đổi: “Trong những cuộc họp, chúng tôi chỉ được thông báo tới năm 2020 sẽ đóng cửa, chưa bao giờ nghe nói năm 2018. Do đó, chúng tôi thật sự rất bất ngờ, rất lo lắng. Hầu hết các lò gạch đều được đầu tư tiền tỷ. Nếu đóng cửa hàng loạt lò gạch thì giá trị tài sản sẽ rất lớn. Chúng tôi sản xuất, kinh doanh đã được cấp giấy phép, được địa phương công nhận nên không thể một sớm một chiều cho đóng cửa như vậy được. Nếu năm nay đóng cửa, bản thân tôi cũng như hàng loạt chủ lò khác không biết phải làm gì, vợ con chúng tôi và hàng loạt lao động cũng lâm vào cảnh khốn đốn”.

Hàng loạt lao động về đâu?

Bà Tính và hàng trăm lao động lo lắng khi các lò gạch sắp phải đóng cửa.

Theo tìm hiểu của PV, bình quân mỗi lò gạch tại huyện Krông Ana đã giải quyết việc làm cho khoảng 25-30 lao động tại địa phương. Như vậy, trong 40 lò gạch sắp bị đóng cửa có hơn 1000 người thất nghiệp. Trong số khoảng 1000 người đó, họ hầu hết là những người dân tộc bản địa, ít học, đã lớn tuổi, không có ruộng đất canh tác, hoàn cảnh khó khăn… Nếu thực sự các lò gạch đóng cửa, những công nhân này sẽ rất khó tìm công việc khác phù hợp và có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Tính (SN 1953, công nhân) cho biết, bà đã làm gạch từ mấy chục năm nay, thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng. Số tiền này không nhiều nhưng đối với bà và hàng loạt công nhân khác thì chừng ấy là đủ để trang trải cuộc sống ở thôn quê. Hiện tại, cả gia đình bà sinh sống ngay tại phòng trọ do chủ lò gạch xây dựng và cũng không có ruộng đất để canh tác.

“Nếu lò gạch đóng cửa, cả gia đình của tôi không biết làm gì để sống. Đất đai quanh đây cằn cỗi, một mùa thì hạn hán, một mùa thì hay lũ lụt, bất lợi cho việc trồng trọt. Do đó, thực sự chúng tôi không muốn các lò gạch phải đóng cửa”, bà Tính cho biết.

Tương tự, chị H’Nhăm Êban (SN 1993, công nhân) cho biết, gia đình chị ít ruộng đất nên cuộc sống rất khó khăn. Mấy năm nay, chị phải bám trụ làm việc tại lò gạch để có tiền lo cho con nhỏ và người chồng hay bệnh. “Mỗi tháng tôi được trả từ 6 triệu đồng trở lên. Nếu ai làm ca đêm sẽ được khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nhờ có lò gạch, người dân như chúng tôi mới có công việc, có thu nhập ổn định. Nếu mai kia lò gạch đóng cửa, bọn tôi chắc chắn sẽ rất vất vả trong cuộc sống”, chị H’Nhăm chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Văn Phương, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Ana cho biết, đơn vị đã có dự thảo về việc đóng cửa các lò gạch trên địa bàn huyện. Theo đó, có gần 40 lò gạch nằm trên địa bàn thị trấn, gần khu dân cư, gần đất sản xuất nông nghiệp sẽ bị đóng cửa trước ngày 31/12/2018. Tuy nhiên, huyện đang giao cho phòng Kinh tế-Hạ tầng tiến hành rà soát, kiểm tra lại một cách cụ thể, chính xác nhất.

Trần Nhân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dak-lak-hang-loat-chu-lo-gach-hoang-mang-truoc-thong-tin-sap-bi-dong-cua-post259591.info