Đắk Lắk: Hàng trăm người dân trắng đêm cứu đê vỡ

Từ đêm qua đến trưa nay, hàng trăm người dân của xã Quảng Điền thức trắng, ăn bánh mì lót dạ cố gắng cứu 2 đoạn đê có nguy cơ vỡ do mưa lũ.

Nhiều đoạn đê Quảng Điền bị hư hỏng, nước tràn vào ruộng của người dân.

Nhiều đoạn đê Quảng Điền bị hư hỏng, nước tràn vào ruộng của người dân.

Trắng đêm cứu đê

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực bị ngập, cây trồng chìm trong biển nước. Mưa lớn cũng làm nước sông Krông Ana dâng lên cao khiến nhiều đoạn của đê Quảng Điền (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) bị ngập nước. Đặc biệt, đoạn cống đầu nguồn dùng để điều tiết nước cho gần 1.000 ha lúa của xã bị sự cố, có nguy cơ vỡ.

Chị Nguyễn Thanh Nhơn (thôn 3, xã Quảng Điền) cho biết, vào chiều hôm qua (10/8 – PV) người dân của xã tá hỏa khi hay tin đê bị tràn nước, có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Ngay sau đó, chị chạy ra đồng xem thì phát hiện 2 ha lúa non của gia đình đã chìm trong biển nước.

Lúc này, hàng trăm người dân cùng chính quyền địa phương đã dùng bao đất gia cố lại đê. Tuy nhiên, đến khoảng 10 giờ đêm nước dâng lên cao, khiến đoạn cống đầu nguồn gặp sự cố, nước chảy mạnh vào cánh đồng A của xã.

Người dân xúc đất gia cố lại đê Quảng Điền. Ảnh: Trúc Hân

“Lo sợ đê vỡ sẽ làm thiệt hại gần 1.000 ha lúa của người dân nên mọi người chẳng ai bảo ai, người thì xúc đất, người vận chuyển, người gia cố lại bờ đê và cống. Hàng trăm người dân của xã thức trắng từ đêm qua đến giờ với hy vọng cứu được đê, cứu được lúa.

Nhà tôi lúa mất rồi, nhưng tôi vẫn muốn góp chứt sức mình giúp những hộ còn lúa vớt vát được đồng nào hay đồng đó.”, chị Nhơn nhai vội miếng bánh mì rồi tiếp tục xúc đất vào bao.

Theo ghi nhận, khu vực đê bao của cánh đồng A có nhiều đoạn bị hư hỏng, nứt toác. Bên cạnh đó, nước từ sông Krông Ana tràn qua mặt đê kéo dài hơn 1km, có đoạn sâu khoảng 30-50cm, nước chảy siết khiến xe máy không thể di chuyển được. Do đó người dân dùng máy cày vận chuyển đất gia cố lại những đoạn nước tràn.

Lau vội giọt mồ hôi trên trán, ông Dư Ngọc Sa (xã Quảng Điền) đưa ánh mắt về phía đám đông đang đầm mình trong nước cứu đê buồn rầu nói: “Cả xã trắng đêm ngoài này chẳng biết có cứu được đê không. Đê này mà vỡ thì dân chúng tôi chẳng biết phải sống như thế nào nữa. Chúng tôi chỉ biết làm nông, trông đợi vào cây lúa, giờ cánh đồng gần trắng xóa nước mất rồi”.

Người dân chở đất bằng máy cày gia cố lại bờ đê. Ảnh: Trúc Hân

Ông Sa cho hay, khoảng 10 giờ đêm qua, người dân mang cuốc, xẻng, bao, xe máy cày ra cứu đê. Tuy nhiên, do trời tối, nguy hiểm nên mọi người không dám liều mình mà chỉ cầm cự để đê không vỡ. Sáng ra nhiều người mệt lả vì đói, lạnh nên có một số đã về nghỉ ngơi. Những người khác tiếp tục chở đất đến để kè, giằng lại bờ đê.

“Hiện tại bờ đê đã được gia cố, nước chảy vào cánh đồng A cũng giảm đáng kể rồi. Tuy nhiên, nếu nước tiếp tục về chắc chúng tôi không giữ nổi đê, lúa cũng theo dòng nước cả thôi”, ông Sa buồn rầu nói.

Không chỉ cánh đồng A của xã gặp sự cố, tại khu vực cánh đồng B cũng trong tình trạng tương tự. Hàng trăm người dân cũng đang tập trung dùng bao đất, máy xúc gia cố lại bờ đê. Tại đây nhiều ruộng lúa của người dân cũng chìm trong biển nước. Nhiều hộ dân phải cắt lúa non về với hy vọng vớt vát lại chút vốn liếng đã bỏ ra.

Gần 1.000 ha lúa có nguy cơ mất trắng

Nguy cơ đê bị vỡ nên hàng trăm người dân thức trắng đêm đầm mình trong nước để gia cố, sửa chữa. Ảnh: Trúc Hân

Cùng gia cố bờ đê với người dân, ông Lê Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Điền cho biết, từ trưa hôm qua đê đã có dấu hiệu bị vỡ do nước dâng cao, chảy siết.

Ngay sau đó, đơn vị đã huy động lực lượng dân quân, xã đội phối hợp cùng người dân khống chế. Tuy nhiên đến tối nước tiếp tục chảy siết, nhấn chìm nhiều ha lúa của người dân. Sau đó, hàng trăm người dân cùng lực lượng chức năng tiếp tục đắp bờ đê và gia cố lại. Đến sáng nay đoạn cống đầu nguồn của cánh đồng A và đoạn đê vỡ của cánh đồng B đã được gia cố tương đối.

Theo ông Kiên, toàn xã có gần 1.000 ha lúa nước, trong đó cánh đồng A chiếm gần 600 ha.

“Hiện tại có khoảng 220 ha lúa của người dân đã bị nước nhấn chìm. Nhiều hộ dân phải gặt lúa non về để vớt vát lại chút vốn liếng. Nếu đoạn cống đầu nguồn ở cánh đồng A bị vỡ thì toàn bộ lúa của người dân coi như mất trắng”, ông Kiên nói.

Ông Nguyễn Minh Đông, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho hay, những năm trước đây đã xảy ra tình trạng này nhưng mức độ nhẹ hơn. Khi đó lúa của người cũng đã được thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay mưa sớm kéo dài khiến nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng.

“Nếu hạn chế được sự cố, khống chế dòng nước và sử dụng bơm chống úng thì mới cứu được gần 1.000 ha lúa của người dân. Còn nếu nước từ thượng nguồn tiếp tục về thì sẽ không cứu được nữa”, ông Đông nói.

Theo vị Phó chủ tịch, đã có dự án sửa chữa đê Quảng Điền, tuy nhiên, phải đến khoảng tháng 10-11 trở đi, khi nước rút mới có thể triển khai được.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dak-lak-hang-tram-nguoi-dan-trang-dem-cuu-de-vo-4025994-c.html