Đắk Lắk: Kỷ luật tập thể cá nhân vi phạm

Ngày 11/1: Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa phát thông cáo báo chí kỳ họp lần thứ 20 về xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên, xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng.

Tại kỳ họp lần thứ 20 của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã xem xét, thi hành kỷ luật khiển trách đối với Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2020-2025 do thực hiện không nghiêm chế độ sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần theo quy chế làm việc, chưa bám sát tình hình, diễn biến của dịch bệnh để kịp thời ban hành nghị quyết, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên cơ quan phát huy vai trò thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, thiếu kiểm tra, giám sát để một số cán bộ, đảng viên có sai phạm quy định Nhà nước trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm phòng, chống COVID-19 làm thất thoát tài sản của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật về Đảng và pháp luật.

Tiếp đó: Vụ việc hơn 1.000m3 gỗ được trục vớt dưới hồ có giá tiền tỷ, đã bị mục nát vì sự tắc trách của cơ quan chức năng. Liên quan đến vụ này, một nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk bị kỷ luật cảnh cáo đối với bà Lê Thị Oanh, đảng viên Chi bộ Tổ dân phố 12, Đảng bộ phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột.

Trong thời gian công tác, với chức trách Phó Giám đốc Sở Tài chính, trong lĩnh vực nhiệm vụ được giao, bà Lê Thị Oanh chưa phát huy tốt tinh thần trách nhiệm trong việc ký tờ trình tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với số gỗ trục vớt dưới lòng hồ Ea Súp hạ (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp tinh Đắk Lắk) không đúng quy định, thực hiện việc tiếp nhận, quản lý và bảo quản khối lượng gỗ trục vớt thiếu chặt chẽ, vi phạm quy định, làm thất thoát tài sản nhà nước.

Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, xét nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy thi hành kỷ luật bà Lê Thị Oanh bằng hình thức cảnh cáo.

Tiếp đến Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy xem xét dấu hiệu vi phạm của Ông Trần Ngọc Quang - nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp có liên quan đến nhiều vi phạm mà cơ quan báo chí từng phản ánh, trong đó có vụ gần 136m3 gỗ không có nguồn gốc làm nhà gỗ.

Tại phiên họp lần thứ 20 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020-2025, thông báo về việc xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên. Theo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Trần Ngọc Quang đảng viên Chi bộ TDP Hòa Bình, Đảng bộ Thị trấn Ea Súp, nguyên Huyện ủy viên nhiệm kỳ 1995-2000, nhiệm kỳ 2000-2005, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy nhiệm kỳ 2005-2010, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện giai đoạn 1994-2009, nguyên Phó bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2010-2015, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp giai đoạn 2011-2016. Trong thời gian công tác, ông Quang thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao đã có một số sai phạm, khuyết điểm: Giải tỏa, đền bù, triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm cụm xã Ea Rốc - Ea Lê, huyện Ea Súp giai đoạn 2012 đến tháng 1/2015, công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp, việc trục vớt gỗ, quản lý, bán đấu giá gỗ trục vớt tại lòng hồ Ea Súp Hạ, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp đất đai của công dân.

Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk

Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk

Đối với: Ông Nguyễn Viết Tượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Cty Cổ phần Cao su Đắk Lắk, vừa bị thi hành kỷ luật vì vi phạm quy định trong quản lý sử dụng lao động, đất đai, đầu tư, tài chính, xây dựng..., bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kết luận, từ năm 2017-2019, Cty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đã ký hợp đồng, cho cá nhân, tổ chức thuê hơn 4.000 héc-ta đất cao su tái canh để trồng xen khoai lang, chuối, cà phê, sầu riêng… Công ty này đã chuyển thể hình thức hợp đồng cho cá nhân, tổ chức thuê đất từ 6 năm lên 21 năm (đối với hợp đồng đã ký 6 năm) và 22 năm (đối với hợp đồng đã ký 7 năm).

Tại Nông trường cao su Phú Xuân (đơn vị trực thuộc Cty Cổ phần Cao su Đắk Lắk), có 20/23 trường hợp ký hợp đồng thuê đất, nhưng không trực tiếp thực hiện hợp đồng mà cho bên thứ ba thuê lại để được hưởng chênh lệch (trong đó, có nhiều trường hợp cán bộ, nhân viên công ty).

Năm 2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích hơn hơn 548 héc-ta tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ. Tuy nhiên, công ty này lại đưa hơn 389 héc-ta đất vào hợp tác đầu tư sản xuất với Cty TNHH Tuấn Hưng Tây Nguyên và Cty TNHH nông nghiệp Thống Nhất không đúng quy định.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, Cty cổ phần cao su Đắk Lắk không có văn bản xin ý kiến của các sở ngành và UBND tỉnh Đắk Lắk. Việc cho thuê đất trồng cao su để trồng xen cây ngắn ngày không đúng thẩm quyền, không đúng phương án sử dụng đất, để doanh nghiệp xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái quy định.

LN

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/dak-lak-ky-luat-tap-the-ca-nhan-vi-pham-20230111091506.htm