Đắk Lắk liên kết với nông dân sản xuất mía đường

Theo ông Nguyễn Bá Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk, mặc dù đơn vị đang sản xuất thua lỗ nhưng với quyết tâm 'đứng vững', tạo sự tin cậy cho người trồng mía.

Các công ty mía đường ở Đắk Lắk đang chủ động liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Các công ty mía đường ở Đắk Lắk đang chủ động liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển các sản phẩm hàng hóa sau đường, tăng thêm thu nhập cho người trồng mía và từng bước khắc phục những khó khăn trước thách thức hội nhập.

Tỉnh Đắk Lắk có vùng nguyên liệu mía đường lớn thứ 2 ở Tây Nguyên với diện tích hơn 20.000 ha. Năng suất mía bình quân hàng năm đạt 67 tấn/ha.

Hiện tỉnh có 2 nhà máy mía đường là Nhà máy đường 333 (Công ty cổ phần Mía đường 333) và Nhà máy Mía đường Đắk Lắk (Công ty cổ phần Mía đường Đắk Lắk) hợp đồng thu mua toàn bộ mía nguyên liệu cho nông dân.

Nhà máy Mía đường Đắk Lắk có công suất thiết kế 2.500 tấn mía/ngày. Niên vụ mía năm 2017-2018, nhà máy đã ký hợp đồng thu mua 5.000 ha mía nguyên liệu tại huyện Ea Súp, Buôn Đôn và vùng lân cận với giá 800.000 đồng/tấn, giảm từ 20- 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với giá đường nhà máy bán ra hiện chỉ đạt 10.500 -11.000 đồng/kg, ngang bằng với các công ty của Thái Lan, đơn vị đang lỗ 600 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Bá Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk, mặc dù đơn vị đang sản xuất thua lỗ nhưng với quyết tâm “đứng vững”, tạo sự tin cậy cho người trồng mía, công ty đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đó, trước mắt để xây dựng ổn định vùng nguyên liệu, giảm giá thành sản xuất, công ty đã chủ động di dời Nhà máy Mía đường từ Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông về vùng mía nguyên liệu chính của công ty tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Với quyết định di dời “táo bạo” đã rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa hai tỉnh là 100 km, giảm 70% cước phí vận chuyển mía nguyên liệu từ nông hộ đến nhà máy.

Đồng thời, công ty cũng đã chủ động xây dựng trang trại sản xuất các giống mía chất lượng cao, ngắn ngày (giống Thái Lan) như KK3, LK9211, trên diện tích 200 ha tại xã Ya T’Mốt, huyện Ea Súp để cung cấp cho người dân, không để người nông dân “tự bơi” để tìm kiếm giống.

Người trồng mía cũng được công ty đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tương đương 30 triệu đồng/ha trồng mới, 15 triệu đồng/ha lưu gốc, hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi giếng khoan tưới 5 ha mía và nhiều ưu đãi khác để người trồng mía yên tâm sản xuất giữ vững vùng nguyên liệu.

Theo ông Thành, với sự đầu tư về nhiều mặt, công ty đã xây dựng được nguồn nguyên liệu ổn định với diện tích trên 5.000 ha, năng suất mía nguyên liệu tăng từ 65 tấn/ha vụ mía 2016-2017 lên 75 tấn/ha vụ 2017-2018.

Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía, sử dụng cơ giới hóa vào việc trồng, chăm sóc và thu hoạch để giảm thiểu ngày công lao động. Công ty phấn đấu nâng công suất nhà máy lên 3.500 tấn/ngày, năng suất cây mía đạt 90 đến trên 100 tấn/ha.

Về phía Công ty cổ phần Mía đường 333, hiện công ty có vùng mía nguyên liệu rộng lớn hơn 8.000 ha ở 2 huyện Ea Kar và M’Đrắk. Phần lớn diện tích mía được trồng ở những chân đất không bằng phẳng, sản xuất nhỏ lẻ, khó khăn trong việc thực hiện cơ giới hóa.

Tuy nhiên, để tạo lợi thế cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đang thực hiện cơ giới hóa một phần, giúp giảm 30% chi phí thu hoạch mía.

Công ty cũng đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Ea Kar triển khai thí điểm Mô hình “Dồn điền đổi thửa” trên diện tích 50 ha, đầu tư toàn bộ giống mía mới, phân bón, chi phí sản xuất cũng như tập trung cơ giới hóa toàn bộ diện tích cho người nông dân.

Bà Trần Thị Tình, xã Ea Sar, huyện Ea Kar cho biết, gia đình có 3 ha đất trồng mía tham gia vào mô hình dồn điền đổi thửa vụ mía 2016-2017 và được Công ty cổ phần Mía đường 333 đầu tư toàn bộ từ khâu giống, phân bón, thu hoạch, vận chuyển.

Gia đình bà chỉ việc phối hợp với công ty để chăm sóc vùng mía nguyên liệu. Trước đây, với việc tự chăm sóc năng suất mía của gia đình chỉ đạt từ 60- 65 tấn/ha, vụ mía năm nay năng suất đã lên 85 tấn/ha, trừ chi phí gia đình thu lãi hơn 10 triệu đồng/ha.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường 333, để khắc phục những khó khăn trước sức ép hội nhập, công ty đã đầu tư thay mới toàn bộ hệ thống máy móc của Nhà máy Đường 333 bằng thiết bị của Ấn Độ và châu Âu, nâng cao công suất chế biến lên 3.500 tấn/ngày, gấp 7 lần so với những năm đầu hoạt động.

Về phương án lâu dài, công ty đang phát triển đa dạng hóa các sản phẩm sau đường như sản xuất điện, bánh kẹo, phân vi sinh. Hiện nhà máy mía đường của công ty đã tự sản xuất được nguồn điện sinh khối từ phế phẩm bã mía với công suất 7 MW.

Công ty đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam chấp thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia, trong thời gian tới có thể cung ứng điện ra bên ngoài, mang lợi nhuận về cho đơn vị.

Ngoài sản xuất điện sinh khối, hiện công ty đã sản xuất thêm được nước khoáng đóng chai vina 333. Công ty đang tiếp tục đầu tư sản xuất bánh kẹo, cồn ethanol pha xăng E5, phân vi sinh.

Với những giải pháp phù hợp, công ty đã từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập, khắc phục những hạn chế, bất cập lâu nay của ngành mía đường.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, quy hoạch vùng mía nguyên liệu của tỉnh đến năm 2020 là 20.000 ha, diện tích này sẽ được tỉnh giữ vững và không mở rộng thêm.

Để người trồng mía và các doanh nghiệp sản xuất đường cùng tồn tại và phát triển trong xu thế hội nhập, chính quyền, người dân, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết đầu tư về chiều sâu cơ giới hóa máy móc trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tỉnh cũng khuyến khích nông dân trồng mía thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau sản xuất và thương thảo cùng nhà máy khi vào vụ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng mía tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất.

Theo ông Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện năng suất mía nguyên liệu của các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng chỉ đạt từ 65 đến 75 tấn/ha.

Bên cạnh đó, để đáp ứng thị trường mía đường trước thách thức hội nhập, các đơn vị, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nông dân nghiên cứu, lựa chọn những giống mía cho năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào trồng đại trà, nâng cao năng năng suất mía lên từ 90 tấn lên đến hơn 100 tấn/ha.

Các nhà máy mía đường cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đường để có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Trương Hồng, các ngành, địa phương cần quy hoạch phát triển cây mía thật tốt, khuyến cáo người dân chỉ trồng cây mía ở một vùng nhất định. Đồng thời, quy hoạch vùng nguyên liệu mía gắn với các nhà máy để doanh nghiệp và nông dân cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất và thu mua mía./.

Phạm Cường/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/-dak-lak-lien-ket-voi-nong-dan-san-xuat-mia-duong/82567.html