Đắk Lắk: Lò đốt than trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm

Thực trạng lò than trái phép hoạt động gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày và sản xuất của người dân, tạo ra dư luận không tốt về công tác quản lý của nhà nước trên địa bàn. Ai chịu trách nhiệm khi để xảy ra hệ lụy này

Vì sao lò than trái phép xây dựng không được kiểm soát?

Với lý do địa phương đang thực hiện tái canh cà phê, củi từ cà phê, các cây trồng khác do người dân phá bỏ. Trong khi nhu cầu sử dụng than củi lại tăng cao. Do đó, nhiều hộ dân đã xây dựng lò để tận dụng lượng củi cà phê, cây trong vườn đốt than hỗ trợ người dân. Mỗi cây cà phê già cỗi phá đi cũng có giá hàng chục ngàn đồng là nguồn thu đáng kể để hỗ trợ người dân có vốn tái canh cà phê. Điều này là hợp lý. Thế nhưng không vì thế mà để tình trạng lò than trái phép mọc lên không kiểm soát. Lò than trái phép xây dựng sát khu dân cư gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Củi vẫn chất thành đống như quả đồi cung cấp cho lò than tiếp tục hoạt động.

Củi vẫn chất thành đống như quả đồi cung cấp cho lò than tiếp tục hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dư ở Thôn 9, xã Krông Buk, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk Một trong các chủ lò than cho biết: Chúng tôi thuê đất tại khu vực cánh đồng để đốt than, khi xây dựng các lò than này, chính quyền địa phương và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắc đều có đến kiểm tra, đồng ý cho hoạt động, tuy nhiên giấy phép thì không có, cũng không có kế hoạch, phương án bảo vệ môi trường, và mặc nhiên cũng không đóng các khoản thuế, và phí.

Về phía người dân cũng đã phản ánh lò than gây ô nhiễm môi trường, UBND xã Ea Kly và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắc đã đến kiểm tra nhưng không buộc dừng lại nên các lò than vẫn tiếp tục hoạt động. Chỉ người dân là khổ vì phải sống trong môi trường bị ô nhiễm.

Ông Nguyễn Hải Sâm, Chủ tịch UBND xã Ea Kly, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Các lò than bị xử phạt buộc phải tháo dỡ nhưng người dân vẫn chây ì không thực hiện. Riêng các lò than tại Buôn Krai B, các hộ đang làm thủ tục cấp phép hoạt động và đang chờ UBND huyện Krông Pắc giải quyết. Với cách làm này thì UBND xã Ea Kly và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắc đang làm các thủ tục để hợp thức hóa cho các lò than trái phép tiếp tục được hoạt động mặc cho môi trường bị ô nhiễm.

Ông Trần Quốc Vĩnh (phải) – Phó chủ tịch UBDN huyện Krông Pắk

Ai chịu trách nhiệm?

Ông Trần Quốc Vĩnh, Phó chủ tịch UBDN huyện Krông Pắc cho biết: Việc người dân xây dựng lò than để tận dụng nguồn củi từ cây cà phê tái canh là rất cần thiết để nâng giá trị củi cà phê, tăng nguồn thu cho nông dân. Thế nhưng không vì thế mà để xảy ra xây dựng lò đốt than tràn lan. Lò than cần được xây dựng tại những nơi xa khu dân cư, có kế hoạch bảo vệ môi trường và được cấp phép hoạt động để không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nhất định không chấp nhận các lò than gây ô nhiễm môi trường tiếp tục hoạt động. Đặc biệt không hợp thức hóa cho lò than xây dựng trái phép tiếp tục hoạt động.

Ông Trần Quốc Vĩnh khẳng định: Để xảy ra tình trạng lò than xây dựng trái phép trách nhiệm trước hết là UBND cấp xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường. (Phòng chuyên môn trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho thường trực UBND huyện về quản lý lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường). Nếu có dấu hiệu buông lỏng quản lý, tiếp tay cho các lò than trái phép hoạt động thì cần phải kiểm tra xác minh làm rõ và xử lý nguyên không bao che.

Lò thanh không khép vẫn ngang nhiên hoạt động

Ông Vĩnh Khẳng định: Ông đã từng chỉ đạo cương quyết tháo dỡ nhiều lò than. Trong quá trình chỉ đạo xử lý tháo gỡ cũng đã có nhiều người xin, nhưng với tinh thần trách nhiệm, cương quyết trong những năm trước đã tháo dỡ được nhiều lò than xây dựng trái phép trên địa bàn xã Krông Buk, Ea Yông… nay lại tái diễn thì UBND huyện sẽ cương quyết chỉ đạo làm rõ và xử lý dứt điểm. Đối với cán bộ cấp xã, phòng chuyên môn có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho lò than trái phép hoạt động cũng sẽ xử lý nghiêm.

Ông Vĩnh cũng chia sẻ: Nếu người dân, doanh nghiệp muốn xây dựng lò đốt than thì cần chọn vị trí đất xa khu dân cư và thực hiện các thủ tục theo quy định để được cấp phép xây dựng hoạt động hợp pháp. Không nên xây dựng lén lút, trái phép gây ô nhiễm môi trường, khi bị xử lý sẽ chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế vì phải phá bỏ.

Rõ ràng hoạt động đốt than trái phép, gây ô nhiễm môi trường, không những ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân khu vực lân cận, mà còn vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, kéo theo nhiều hệ lụy về trật tự trị an, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Do đó, UBND huyện Krông Pắc cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả, không để tái diễn tình trạng này.

LÊ NHUẬN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/dak-lak-lo-dot-than-trai-phep-van-ngang-nhien-hoat-dong-gay-o-nhiem-d75598.html