Đắk Lắk: Mất rừng nhưng đơn vị chủ rừng 'dửng dưng', các 'quan' đá trách nhiệm

Trong thời gian qua, Pháp luật Plus đã liên tục phản ánh về việc phá rừng quy mô lớn thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp EaKar.

Rừng bị “xẻ thịt” một cách bài bản, chuyên nghiệp

Sáng 8/4, qua công tác trinh sát nắm tình hình, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện điểm khai thác rừng trái phép quy mô lớn tại Tiểu khu 701 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar), tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (Công ty Lâm nghiệp Ea Kar) quản lý.

Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện có 13 cây gỗ lớn có đường kính từ 80cm đến hơn 1m bị đốn hạ. Số gỗ này chủ yếu là gỗ Xương Gà, Ké, Xoay thuộc nhóm V đến nhóm VII. Phần lớn, các cây gỗ đã bị “lâm tặc” xẻ hộp, vận chuyển ra ngoài.

Số ít còn lại, vừa bị đốn hạ, chưa kịp cưa, xẻ thì bị cơ quan Công an phát hiện. Sau khi đo đếm, lực lượng chức năng xác định, khối lượng gỗ còn sót lại hiện trường là trên 20m3. Nếu so với số lượng gỗ bị khai thác và lấy đi thì lớn hơn rất nhiều lần.

Liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn tại Tiểu khu 701 do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar mà Pháp luật Plus đã thông tin, sáng 12/4, Đội 5 - Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi mở rộng điều tra, đơn vị tiếp tục phát hiện hơn 40m3 gỗ vừa bị lâm tặc đốn hạ tại Tiểu khu 704 cũng thuộc địa phận do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý.

Hiện trường vụ Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ lượng gỗ lớn ngày 8/4/2019 tại rừng xã Cư Bông, huyện Ea Kar.

Hiện trường vụ Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ lượng gỗ lớn ngày 8/4/2019 tại rừng xã Cư Bông, huyện Ea Kar.

Theo đó, quá trình điều tra, Tổ công tác đã bắt quả tang 4 đối tượng gồm: Ai Khê (35 tuổi), Ai Thí Huốc Pianh (36 tuổi), Ai Hùng (21 tuổi) và Ai Hà (22 tuổi, cùng trú tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar) đang điều khiển 2 xe máy cày chở gỗ ra khỏi cửa rừng thuộc địa bàn xã Cư Elang.

Qua kiểm đếm, trên 2 xe máy cày này chở gần 6m3 gỗ các loại và được 4 đối tượng khai thác tại Tiểu khu rừng 704 ở xã Cư Bông, huyện Ea Kar. Ngay sau đó, Tổ công tác đã tiến hành đưa 4 đối tượng vào hiện trường để khám nghiệm. Tại đây, Tổ công tác đã thu giữ nhiều vật dụng phục vụ công việc phá rừng. Qua đo đếm ban đầu, có trên 40m3 gỗ các loại (từ nhóm V đến nhóm VIII) đã bị các đối tượng cưa hạ, xẻ gọn chuẩn bị vận chuyển ra khỏi rừng.

Điều đáng nói Tiểu khu 701 cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) do các cán bộ QLBVR của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar chưa đầy 3km, vậy mà “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng với số lượng lớn, không biết các cán bộ QLR của Công ty đang ở đâu(?).

Trước đó, vào ngày 20/7 Pháp luật Plus có bài phản ánh: Rừng Cư Yang bị “lâm tặc” phá tan hoang, cán bộ lâm trường...không biết (?)

Vụ việc “lâm tặc” xâm hại tại rừng Cư Bông vào ngày 8/4/ 2019 thuộc địa bàn Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý mới vừa lắng xuống. Sự phản ánh cụ thể, rõ ràng của Pháp luật Plus các cơ quan chức năng chưa có báo cáo phản hồi thì ngày 18/8, sau gần 5 tháng lần theo các dấu vết giữa các cánh rừng, lực lượng chức năng đã tiến hành vây bắt quả tang 4 đối tượng đang cưa hạ 6 cây gỗ Chò Khét có đường kính từ 70cm đến 80cm, cao từ 20m đến 30 m.

Với tổng khối lượng khoảng trên 60m3 tại khu vực rừng thôn 15, xã Cư Yang, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar (huyện Ea Kar).

Mở rộng kiểm tra, tổ công tác còn phát hiện thêm hàng chục cây gỗ lớn khác đã bị các đối tượng lâm tặc cưa hạ và 2 bãi tập kết gỗ nằm ngay bìa rừng với 47 hộp gỗ được cưa xẻ vuông vắn. Tổng khối lượng gỗ ban đầu đo được khoảng gần 100 m3.

Hiện trường vụ bắt gỗ lậu "khủng" gần 200 m3 của Công an tỉnh Đắk Lắk ngày 18/8/2019.

Cơ quan điều tra xác định danh tính 4 đối tượng bị bắt, gồm: Hoàng Văn Năm (32 tuổi), Ngô Văn Nam (35 tuổi), Hoàng Văn Nam (35 tuổi) và Phùng Văn Hội (24 tuổi) cùng trú ở thôn 15, xã Cư Yang, huyện Ea Kar.

Ông Hoàng Văn Năm khai nhận, mình đang giữ chức vụ Trưởng thôn 15, xã Cư Yang và được ông Lê Văn Thắng (trú tại xã Ea Pal, huyện Ea Kar) thuê vào rừng cưa gỗ với ngày công 300 nghìn đồng. Ông Thắng cung cấp xăng và cưa máy.

Rừng bị phá liên tục, ai chịu trách nhiệm?

Chỉ hơn 4 tháng rừng tại địa bàn 2 xã Cư Bông và Cư Yang của huyện Ea Kar, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar theo thống kê vào thời điểm hiện tại đã để xảy ra 2 vụ phá rừng cực lớn, số lượng gỗ bị các đối tượng “lâm tặc” cưa hạ là 220 m3 (chưa kể số lượng đã đưa ra khỏi rừng lọt vào tay đầu nậu gỗ chưa thể kiểm kê được).

Mặc dù vị trí khai thác chỉ cách trạm QLBVR chỉ 2 đến 3 km. Vậy các cán bộ này đi đâu khi tiếng cưa lốc và cây đổ ầm ầm, lâm tặc nhộn nhịp ra vào!

Trở lại với vấn đề, Pháp luật Plus đã đặt lịch làm việc với Công ty Lâm nghiệp Ea Kra, Hạt kiểm lâm, Chi cục kiểm lâm, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thông nhưng dường như PV nhận thấy các "quan" đang xem nhẹ vấn đề này, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Hiện tại, việc giải trình vấn đề Pháp luật Plus nêu ngày 20/7 và 26/7 đến nay vẫn bỏ ngỏ. Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các cơ quan có liên quan phải nhanh chóng thông tin tới cơ quan báo chí, nhưng các cơ quan ở dưới vẫn "chậm rãi" báo cáo mặc cho rừng bị tàn phá ngày một nghiêm trọng.

Ông Y Sỹ HDơk (người ngồi trong) - Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đang làm việc với Pháp luật Plus.

Dư luận nơi đây đang đặt ra câu hỏi nếu chỉ có báo chí nêu mà không có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk thì sự việc này sẽ đi đến đâu? Hay chỉ là một số văn bản báo cáo sơ sài cho qua chuyện?.

Trong buổi làm việc với PV, ông Y Sỹ HDơk - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Chúng tôi đã có nhiều văn bản tham mưu cho Sở NN&PTNT, UBND tỉnh nhằm kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng để mất rừng, mất đất rừng của các Công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng trên địa bàn tỉnh. Trong lâm phần của mình nếu Công ty hay Ban Quản lý rừng mà để tình trạng trên xảy ra thì chủ rừng phải là người chịu trách nhiệm. Nếu để sự việc nghiêm trọng có thể bị truy tố trước pháp luật”.

Như đã phản ánh, trong thời gian qua, rừng tại đại bàn huyện Ea Kar do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý liên tục bị chặt phá, nhiều vụ có quy mô lớn.

Tuy nhiên, đến nay, các cán nhân, tập thể thuộc Công ty này và lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện vẫn chưa hề bị một hình thức xử lý nghiêm minh nào.

Ông Phan Văn Đức (áo Trắng) - Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea Kar; ông Quách Trung Hiếu - Trạm trưởng QLBVR và xung quanh là hiện trường gỗ bị đốn hạ tháng 4/2019.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Ngọc Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dak-lak-mat-rung-nhung-don-vi-chu-rung-dung-dung-cac-quan-da-trach-nhiem-d105075.html