Đắk Lắk: Những cánh rừng phòng hộ dọc Quốc lộ 29 đang 'chảy máu'

Hàng chục hécta rừng tự nhiên, rừng phòng hộ dọc Quốc lộ 29, khu vực giáp danh giữa xã Cư M'Lan, huyện Ea Súp và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đang bị chặt phá, lấn chiếm sang nhượng trái phép khiến cả chủ rừng và chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ.

Một khoảnh rừng thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn giáp với Quốc lộ 29 bị chặt phá

Một khoảnh rừng thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn giáp với Quốc lộ 29 bị chặt phá

Từ đầu năm đến nay, khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý nằm cạnh Quốc lộ 29 thuộc địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã xảy ra hai vụ phá rừng gây thiệt hại gần 3 ha. Ông Lê Danh Khởi, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn cho biết, vào ngày 6-2, lực lượng của đơn vị phát hiện tại khoảnh 6, tiểu khu 444 khu vực rừng do đơn vị quản lý bị lâm tặc đốn hạ khoảng 1 ha.

Hàng chục hécta rừng tự nhiên, rừng phòng hộ dọc Quốc lộ 29, khu vực giáp ranh giữa xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đang bị chặt phá, lấn chiếm sang nhượng trái phép.

Rừng, đất rừng bị thâu tóm vào tay những “đầu nậu đất” trước sự bất lực của chủ rừng, chính quyền các địa phương.

Tiếp đó vào ngày 23-2, tại tiểu khu 453 phát hiện thêm một vụ phá rừng gây thiệt hại 1,8 ha. “Rừng ở đây là rừng nghèo kiệt, chủ yếu là gỗ tạp và cây gỗ nhỏ nên các đối tượng phá rừng không nhằm mục đích lấy gỗ mà khả năng là để chiếm đất trái pháp luật”, ông Khởi nhận định.

Không chỉ ở Buôn Đôn, tình trạng phá rừng dọc Quốc lộ 29 thuộc địa bàn huyện Ea Súp cũng phức tạp không kém. Theo thống kê từ cuối tháng 2 đến nay, trên lâm phần do Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk quản lý đã phát hiện hơn 19 ha rừng ở khu vực giáp ranh giữa xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) bị “cạo trọc”.

Cụ thể, vào ngày 26-2, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty trong quá trình tuần tra đã phát hiện tại tiểu khu 296 có 3 khoảnh rừng bị phá với diện tích 8,13 ha. Tại hiện trường, hàng trăm cây gỗ như dầu, cà chít… với đường kính gốc cây từ 4 – 20 cm bị đốn hạ bằng cưa xăng nằm ngổn ngang. Tiếp đó, cũng tại tiểu khu này, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện một vụ phá rừng khác với diện tích rừng bị hủy hoại hơn 11 ha.

Theo ông Trương Văn Dự, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, thời gian qua nạn dân di cư tự do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra hết sức phức tạp. Riêng dọc tuyến Quốc lộ 29 đi qua địa bàn huyện, nạn phá rừng chiếm đất không chỉ diễn ra trên lâm phần của công ty Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk mà còn xảy ra trên những diện tích rừng do các xã Cư M’lan, Ea Bung quản lý. Cùng với đó, tình trạng người dân lén lút mua bán, sang nhượng đất rừng trái pháp luật cũng ngấm ngầm diễn ra, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xử lý.

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất ở khu vực ven Quốc lộ 29 diễn ra phức tạp khiến cả chủ rừng và chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Bà H’Lan Niê Buôn Dap, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn cho biết, việc dân di cư tự do sinh sống ở vùng giáp ranh với rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn đã tạo ra những áp lực rất lớn cho việc quản lý bảo vệ rừng ở đây.

Trước tình trạng này, Hạt Kiểm lâm đã cử 3 cán bộ để hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn trong công tác tuần tra bảo vệ rừng. Cùng với đó, Hạt và chủ rừng đã hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan Công an huyện để điều tra làm rõ những vụ phá rừng ở khu vực này trong thời gian qua.

Tuyến quốc lộ này đi qua hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp chủ yếu là rừng và đất rừng của các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.

Việc người dân ngang nhiên chặt phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng, xây công trình nhà ở trái phép trên đất rừng dọc Quốc lộ 29 để trục lợi bất hợp pháp, diễn ra một thời gian dài nhưng không có cơ quan, đơn vị nào phát hiện, kiểm tra, xử lý.

Nguy cơ rừng tiếp tục bị chảy máu, đất rừng bị mua bán, sang nhượng trái pháp luật vẫn tiếp diễn, gây nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội khi nhà nước đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ này.

Thu Hương (t/h)

Nguồn MT&CS: https://moitruong.net.vn/dak-lak-nhung-canh-rung-phong-ho-doc-quoc-lo-29-dang-chay-mau/